Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa” (Bài 1)

Thanh Hà - Hà Thúy Phương Chủ nhật, ngày 25/07/2021 06:54 AM (GMT+7)
Hà Nội là nơi hội tụ của rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể trong đó có ca trù, hát xẩm, chèo, múa rối… Ở những vùng ven đô, các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống vẫn được duy trì và phát triển nhờ niềm đam mê cháy bỏng của những nghệ sĩ nông dân.
Bình luận 0

Những người thắp lửa ca trù

Câu lạc bộ (CLB) ca trù Chanh Thôn, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên là một trong những câu lạc bộ như vậy. Ở đây, thông qua bà Nguyễn Thị Ngoan – Chủ nhiệm CLB ca trù Phú Xuyên, chúng tôi may mắn gặp được nghệ nhân nhiều tuổi nhất, người được coi là linh hồn của CLB, đó là cụ Nguyễn Thị Khướu, 94 tuổi.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Ngoan – Chủ nhiệm CLB ca trù Phú Xuyên đang chỉnh áo cho nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu để PV báo Dân Việt chụp ảnh. (Ảnh: Thanh Hà)

Trong căn nhà mái bằng rộng chừng 30m2, nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu cởi mở: "Tôi không nhớ mình theo nghiệp ca trù từ bao giờ, chỉ biết là từ bé tôi đã được nghe bà cô trong họ hát ca trù, tôi thấy rất hay và thích hát. Năm 11 tuổi, qua sự chỉ dạy của bà cô, tôi đã học hát ca trù. 

Ngày đầu mới học, tôi cảm thấy rất khó, tuy nhiên vì đam mê và thích hát nên tôi quyết tâm học cho bằng được, thậm chí 15 làn điệu cổ tôi cũng đã thuộc. Trước khi dịch bệnh xảy ra, CLB một tuần hai buổi sinh hoạt ở nhà văn hóa, tôi vẫn ra dạy các cháu. Với hai ca nương Nguyễn Thị Hà và Vũ Thị Ngân thì tôi dạy tại nhà. Cả hai có tố chất và giọng hát hay. Tôi mừng vì các thế hệ sau vẫn còn có người đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống này".

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 2.

Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn biểu diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội tháng 12/2020. (Ảnh: CLB)

Chia sẻ về CLB Chanh Thôn, bà Nguyễn Thị Ngoan cho hay: "Năm 2008, sau nhiều nỗ lực của những người yêu nghệ thuật, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của ngành VHTT Hà Tây (cũ) và Sở VHTT Hà Nội, CLB ca trù Chanh Thôn đã được thành lập và chính thức đi vào hoạt động với hơn 150 thành viên. Trong số đó, có nhiều nghệ nhân nổi tiếng như: Nguyễn Thị Khướu, Nguyễn Thị Vượn, Nguyễn Văn Vằng, Nguyễn Hồng Ngưu, kép đàn Nguyễn Khoái… Tiếc là hai cụ Nguyễn Khoái và Nguyễn Thị Vượn đã mất.

Hiện nay, CLB ca trù có 31 thành viên, người nhiều tuổi nhất là nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu 94 tuổi; cụ Nguyễn Văn Vằng 78 tuổi. Hai ca nương là Nguyễn Thị Hà 46 tuổi, Vũ Thị Ngân 32 tuổi và các cháu nhỏ từ 7 đến 18 tuổi.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 3.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu chia sẻ với báo Dân Việt về những ngày đầu học ca trù. (Ảnh: Thanh Hà)

CLB duy trì hoạt động và tham gia các cuộc thi và liên hoan do Sở VHTT Hà Nội tổ chức. Dù kinh tế khó khăn, dịch Covid xảy ra nhưng năm 2019 CLB và nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu vẫn tham gia cuộc thi do TP Hà Nội tổ chức và giành được 4 huy chương vàng giải cá nhân, tập thể được nhận bằng khen.

Tháng 12/2020 Sở VHTT Hà Nội tổ chức Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố lần thứ 2 tại Vườn hoa Tượng đài Lý Thái Tổ. 

Tôi vẫn còn nhớ, khi các CLB khác lên thi, ở dưới sân khấu ít người đến xem, thế nhưng khi giới thiệu đến CLB ca trù Chanh Thôn, mọi người ở đâu ầm ầm kéo đến vây kín cả sân khấu. Tôi đứng dưới, thấy mọi người vỗ tay, thích thú mà vui lắm, hạnh phúc vô cùng".

Theo bà Nguyễn Thị Ngoan, ca trù Chanh Thôn khác những nơi khác là giữ được nguyên vẹn các bài ca trù cổ, cả về lời, giai điệu và cách biểu diễn. Tiêu biểu như các bài Gặp xuân, Hỏi phỗng đá, Hồng hồng tuyết tuyết, Tỳ bà hành, Thiên Thai, Bắc phản, Hát nói, Thét nhạc, Hát mưỡu… vì vậy câu lạc bộ được nhiều khán giả yêu thích.

Cơm áo không đùa với khách thơ!

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 4.

Trong những ngày không đi làm đồng, ca nương Vũ Thị Ngân chăm chỉ ở nhà làm mộc. (Ảnh: Thanh Hà)

Cũng giống như bao CLB di sản văn hóa phi thể ở các xã, huyện khác, CLB ca trù Chanh Thôn cũng chật vật, vất vả trong việc duy trì hoạt động bởi khó khăn về kinh phí, về việc giữ chân các thành viên, những nghệ sĩ "chân đất". Khó khăn nữa đó là thu nạp được các hội viên, huy động lực lượng, tìm kiếm người theo học gắn bó lâu dài với ca trù, bảo tồn và dạy các làn điệu ca trù đến với hội viên.

"Chúng tôi băn khoăn, trăn trở là lớp trẻ hiện học được quá ít làn điệu, mà cũng chỉ gọi là chập chững chứ chưa thành thạo, thuộc và hát hay. Nhiều cháu lớp 11, lớp 12 bắt đầu thuộc làn điệu cổ và đi biểu diễn được rồi nhưng khi vào năm học các cháu bận học, bận thi tốt nghiệp, có cháu đi lấy chồng là bỏ luôn ca trù. Ngoài ra cũng có một vài thành viên cảm thấy mệt mỏi, muốn bỏ cuộc như ca nương Vũ Thị Ngân, nhiều hôm tôi nhắc ra sinh hoạt, cô ấy nói cô muốn bỏ cuộc, nghe thế tôi lại phải động viên, khuyến khích.

Chia sẻ về điều này, ca nương Vũ Thị Ngân cho biết: "Tôi không giống như nhiều thành viên khác là được tiếp xúc và học ca trù từ bé. Tôi học ca trù khi đã hơn 20 tuổi và lần đầu được nghe ca trù tôi ở Đình làng, tôi thấy thích và đăng ký các cụ xin học. Nhưng cũng vì vậy mà tôi chưa hiểu biết và cảm nhận nhiều về ca trù, nên thời kỳ đầu tôi học hát rất chật vật, một tuần tôi chỉ thuộc đúng một câu: "Ngó sen mọc chốn cát lầm" mà ngân nga ứ ự còn chưa thật nhuần nhuyễn. 

Đấy là chưa kể tôi còn phải mất những tuần sau học đánh phách, học nghe đàn… Nhiều đêm về suy nghĩ tôi cảm thấy nản vô cùng, nghĩ hay mình bỏ cuộc vì khó học. Nhưng rồi tôi nghĩ nếu mình mới học mà đã bỏ cuộc thì "hèn" quá. Nghĩ vậy nên tôi quyết tâm học và càng học, càng ngấm tôi lại càng thích và tự lúc nào tôi đã say mê ca trù".

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 5.

Ca nương Vũ Thị Ngân chia sẻ với Dân Việt, dù vất vả kiếm tiền mưu sinh nhưng mỗi khi được hát cô lại cảm thấy cuộc sống lạc quan, tinh thần nhẹ nhàng hơn. (Ảnh: Thanh Hà)

Theo ca nương Vũ Thị Ngân, dù yêu và say mê với ca trù là vậy, nhưng đôi lần cô vẫn có ý định bỏ bởi muốn giành thời gian làm thêm, kiếm tiền nuôi gia đình chứ không thể trông chờ tiền thù lao ở CLB. "Ngoài những ngày mùa phải đi làm đồng để có gạo ăn trong năm, tôi phải làm thêm nghề mộc, đan lưới những lúc nông nhàn để có thêm thu nhập. Một ngày làm mộc cật lực tôi thu về được 200 nghìn đồng. 

Tuy nhiên, để kiếm được 200 nghìn đồng không hề dễ. Mỗi ngày tôi phải đi nhận hàng rồi về ngồi đục từ 7h sáng đến trưa, tranh thủ nghỉ ăn cơm, rồi lại tiếp tục đục đến chiều tối, sau đó lại trà lu cho sạch sẽ, bóng gỗ rồi mang trả hàng mới được nhận tiền. Nói chung rất vất vả, nhưng đấy là may còn nhận được hàng về làm thêm, còn những ngày bùng dịch như vừa rồi, xưởng không có hàng, nghĩa là không luôn thu nhập", ca nương Vũ Thị Ngân bộc bạch.

Tất tả, ngược xuôi kiếm tiền là vậy nhưng cuộc sống của ca nương Vũ Thị Ngân vẫn chưa hề bình yên, khi mà đầu năm, mẹ chồng cô đi khám phát hiện ra ung thư hạch giai đoạn ba và đã di căn, hạch chạy khắp người.

Nhớ lại ngày mẹ chồng phát hiện ra ung thư, cả nhà cô đã rất sốc, thương mẹ chồng, thương chồng, thương con và thương bản thân mình. Thời điểm mẹ chồng cô nằm bệnh viện Đại học Y Hà Nội điều trị, vợ chồng cô phải thay phiên nhau, vừa chăm sóc bà, vừa chạy đi chạy lại chăm hai con nhỏ mà vẫn phải lo kiếm tiền để đóng viện phí. Sau đó, cứ 20 ngày mẹ chồng cô lại lên viện nằm 3-4 ngày để truyền hóa chất. Việc chạy khắp nơi lo tiền cho mẹ chồng chữa bệnh, lo con ăn học hàng ngày…, có những lúc cô tưởng như mình ngã quỵ. 

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 6.

Ca nương Vũ Thị Ngân chụp ảnh lưu niệm trong lần tham gia Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội tháng 12/2020. (Ảnh: NVCC)

Thời điểm này cô cũng không còn tâm trạng để tham gia sinh hoạt CLB, mọi người đến chơi động viên cô cố gắng, thấy trẻ con í ới gọi nhau tham gia CLB khiến cô lại nhớ đến câu hát: "Hoa sen mọc chốn cát lầm…" thấy sao mà hay, lời sao thấm thía, sâu sắc quá. Làn điệu ứ hự quyện với lời sao đậm chất hồn quê, nghe da diết thân thương đến vậy, nghe lòng thư thái, nhẹ nhàng. 

Dường như những lời ca trù cổ đã cho cô thêm sức mạnh, tinh thần, để cô vững vàng hơn để chiến đấu với những ngày tháng gian khó trước mắt. Cô biết mình không thể bỏ các buổi tập hát, bởi nó cho mình thêm sức mạnh, cho mình được sẻ chia với chị em những chuyện buồn vui, vất vả trong cuộc sống.

Ngân tâm sự, mỗi khi cô được lên sân khấu biểu diễn, cô cảm thấy mình trở thành con người khác. Cảm giác được thăng hoa, được thả hồn trong làn điệu ca trù, trong ứ hự, tiếng phách, tiếng đàn, trong sự say mê của khán giả. Cô cảm thấy mình như được chạm tay vào ước mơ, vào niềm kiêu hãnh khi mình đã làm được điều nhỏ nhoi, đó là gìn giữ, nâng niu những làn điệu cổ, làm lan tỏa ca trù đến với nhiều thế hệ, đặc biệt thế hệ trẻ.

Ca nương Vũ Thị Ngân trổ tài thể hiện một đoạn ca trù cổ tại nhà. (Nguồn clip: Thanh Hà)

Với ca nương Vũ Thị Ngân đó là những thành quả, là những động lực để cô tiếp tục theo đuổi, học, luyện tập và dạy dỗ thế hệ trẻ biết yêu, thích ca trù, một trong những di sản văn hóa phi vật thể mà cha ông đã để lại từ đời này sang đời khác.

Nói về kinh phí duy trì hoạt động CLB, bà Nguyễn Thị Ngoan cho hay, hiện nay được UBND huyện Phú Xuyên tài trợ nhỏ lẻ với số tiền 30 triệu, 20 triệu nên cũng là trang trải mua quần áo, đạo cụ, thuê xe mỗi khi đi biểu diễn và trả tiền thù lao gọi là cho các thành viên. Ngày trước các nghệ nhân như cụ Nguyễn Thị Khướu, cụ Khoái, cụ Vượng mỗi tối tham gia CLB được hưởng 15.000 đồng. Còn chúng tôi hay các cháu tham gia học hát, học múa thì mỗi người được 5.000 đồng.

Còn hiện tại, tiền thù lao đi dạy của nghệ nhân Nguyễn Thị Khướu được 30.000 đồng; Hai ca nương là Hà và Ngân mỗi người được 20.000 đồng. Các cháu gái học cấp 3, cấp 2 thì được 10.000 đồng và các cháu đang học múa sẽ nhận 5.000 đồng. Thực ra đây cũng chỉ một chút nhỏ nhoi để động viên tinh thần các thành viên là chính. Ngoài ra, các nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú như cụ Nguyễn Thị Khướu, cụ Vằng, cụ Lưu được nhà nước hỗ trợ tiền danh hiệu hàng tháng là 700 nghìn đồng.

Nỗi lo di sản bị mai một

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 7.

Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Bằng - Chủ nhiệm Câu lạc bộ rối cạn Tế Tiếu, huyện Mỹ Đức. Nghệ Nhân Ưu tú Phạm Văn Bằng gặp gỡ chia sẻ với báo Dân Việt ngày 2/7/2021. (Ảnh: Thanh Hà)

Tương tự như CLB ca trù Chanh Thôn, Phường rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) cũng là một trong những Phường phát triển mạnh và được nhiều người biết đến.

Phường rối cạn Tế Tiêu cũng là một trong những nơi duy nhất ở thành phố Hà Nội còn bảo lưu được cả múa rối cạn, rối nước. Và cũng là một trong những Phường có bề dày lịch sử hàng trăm năm nhờ sự cống hiến, đam mê của hai nghệ nhân tiền bối là nghệ nhân Lê Năng Nhượng, nghệ nhân Phạm Văn Bể. 

Và tiếp nối niềm say mê đó, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phạm Công Bằng (con trai của nghệ nhân Phạm Văn Bể và hiện là trưởng phường rối cạn Tế Tiêu) gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của rối cạn trước những khó khăn vất vả trong cuộc sống mưu sinh.

Chia sẻ với Dân Việt, NNƯT Phạm Công Bằng cho biết: "Chúng tôi có 15 thành viên gồm các nghệ nhân, diễn viên, nhạc công. Trước mùa dịch chúng tôi vẫn thường xuyên tham gia biểu diễn tại làng hoặc đi diễn khắp nơi theo lời mời của các địa phương.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam năm nào cũng mời chúng tôi tham gia biểu diễn một tháng vào các ngày thứ 7 và chủ nhật cho khách trong và ngoài nước được xem trong khuôn viên Bảo tàng. Ngoài ra một tuần 4 buổi chúng tôi lên TP. Hà Nội đến các khu phố cổ như: Mã Mây, Hàng Bạc, Hàng Đào… biểu diễn. Hoặc vào dịp tết Trung thu chúng tôi biểu diễn cho các em nhỏ, khách du lịch nước ngoài xem. Khách quốc tế bày tỏ sự hào hứng thích thú vỗ tay liên tục khiến chúng tôi cũng cảm thấy vui và tự hào"

Bên cạnh đó, nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị mà ông cha đã để lại, hàng năm vào các dịp hè, Phường rối cạn còn phối hợp với một số trường học trên địa bàn đưa các em học sinh cấp I và cấp II   được nghỉ hè cũng đến xem và tìm hiểu môn nghệ thuật múa rối cổ truyền. 

"Thậm chí, một vài trường đã sử dụng con rối để làm sinh động thêm những tiết học của học sinh, điều đó đã làm những con rối trở nên phổ biến hơn trong học đường. Có những tiết văn hoặc sử, bọn tôi sẽ dùng con rối biểu diễn lại sự kiện ấy để các cháu hiểu bài hơn và thích thú hơn. Những đề bài của các cháu là tìm hiểu văn hóa thì các cháu cũng đến chỗ múa rối tìm hiểu và học biểu diễn để các bạn trong trường xem", NNƯT Phạm Công Bằng cho hay.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 8.

Nhà thủy đình của Câu lạc bộ rối cạn Tế Tiêu, Mỹ Đức trong những ngày nghỉ dịch. (Ảnh: Thanh Hà)

Theo NNƯT Phạm Công Bằng, nghệ thuật rối cạn Tế Tiêu cũng có sự khác biệt với nghệ thuật rối khác, bởi rối cạn Tế Tiêu đem đến cho khán giả một nét rất riêng. Có thể xem đây là một loại hình sân khấu dân gian bình dị, vui nhộn và hồn nhiên nhưng cũng đầy những biến tấu vi diệu bất ngờ.

Các tiết mục, các trò của Phường rối cạn Tế Tiêu mang đậm chất hồn quê Việt Nam, với những câu chuyện truyền thuyết, tích điển hay những trò chơi dân gian, gắn liền tới đời sống, tinh thần của người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ như: Xay lúa giã gạo, Múa rối leo dây ảo thuật, Hai Bà Trưng đánh giặc, Lý Thường Kiệt đọc hịch, Quan Công, Thạch Sanh chém Trăn Tinh, Lê Phụng Hiểu đánh hổ, Đấu vật trọi châu…

Nhân vật rối cạn thì được tạo hình ngộ nghĩnh, thô mộc, lời thoại dí dỏm cùng với các làn điệu dân ca, dân nhạc rộn ràng, ngẫu hứng khiến khán giả xem không thể không bất giác mỉm cười thích thú.

Tiết lộ về những trăn trở, đau đáu trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị mà nghệ nhân Phạm Bể để lại, NNƯT Phạm Công Bằng cho biết, anh cũng đã cố gắng, liều mình đưa những vấn đề thời sự vào trong rối, giúp người xem cảm nhận hơi thở của cuộc sống đương đại, giữ "hồn" rối mà vẫn truyền tải được những thông điệp mới. Một số trò diễn như "Lỗi tại ai", "Phòng chống phá rừng"… và đã nhận được phản hồi rất tốt từ khán giả khiến anh và các thành viên cảm thấy rất vui.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 9.

Vở diễn của Câu lạc bộ rối cạn Tế Tiêu được trình diễn tại Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội tháng 12/2020. (Ảnh: Báo VH)

Nói về thu nhập của Phường rối cạn Tế Tiêu, NNƯT Phạm Công Bằng ngậm ngùi: "Tiếng là Phường rối được đi biểu diễn khắp nơi nhưng tiền bồi dưỡng cho mỗi buổi diễn chỉ đủ để các thành viên mỗi người 200 nghìn đến 300 nghìn đồng và chi trả các chi phí khác. Kinh phí để trả tiền thù lao cho mỗi buổi tập của các thành viên là không có. Tiền duy trì kinh phí hoạt động, mua thêm đạo cụ, mua gỗ, thuê người đẽo gọt làm con rối tôi phải bỏ tiền nhà ra để làm. 

Nhiều lúc trong nhà cũng thấy thiếu trước hụt sau… nhưng rồi tôi cũng chỉ nghĩ trong thoáng chốc. Nhớ hồi tôi còn bé, tôi cũng đã từng chứng kiến bố tôi vì đam mê với rối, yêu và muốn bảo tồn nghệ thuật rối mà có những lúc trong nhà hết tiền, ông mang xoong, nồi, thậm chí chiếc xe đạp – phương tiện duy nhất của cả nhà để mang đi bán, lấy tiền đưa Phường rối đi biểu diễn. Ngày đó tôi cũng thắc mắc tại sao ông lại đam mê đến vậy, ông có thể bỏ hết tiền túi và bán hết đồ đạc. Nhưng giờ đây khi đã nối nghiệp của ông, tôi đã hiểu phần nào niềm đam mê ấy".

Chia sẻ về hoạt động của Phường rối cạn, NNƯT Phạm Công Bằng bảo, hai năm gần đây, mặc dù dịch bệnh nhưng khi có lệnh nới lỏng giãn cách, Phường vẫn đi biểu diễn bình thường. Trước khi đi biểu diễn, các thành viên tập luyện tại khu bảo tồn múa rối Tế Tiêu. Những lúc dịch bùng phát trở lại, chúng tôi chỉ tập trung nhóm nhỏ chủ chốt như những người tạo hình, dựng sân khấu và viết kịch bản để thảo luận, bàn bạc. Khi hết giãn cách xã hội, chúng tôi tập hợp đầy đủ thành viên tập luyện theo chương trình đã thống nhất.

"May mắn vì vài năm trở lại đây, UBND huyện Mỹ Đức đã quan tâm tới nghệ thuật truyền thống của huyện, nên cũng đầu tư một chút kinh phí để xây nhà Thủy Đình, trước đó thì cấp đất để có một nơi cho Phường hoạt động cũng như mở lớp học dạy cho các thế hệ trẻ.

Tới đây tôi đang mong, ngoài việc mở lớp miễn phí dạy cho các cháu thì tôi sẽ lên kế hoạch địa điểm hoạt động của Phường múa rối cạn Tế Tiêu sẽ trở thành một địa điểm hấp dẫn cho khách du lịch trong nước và quốc tế, cũng là địa điểm để các học sinh, sinh viên được trải nghiệm thực tế về bộ môn nghệ thuật truyền thống này", ông Phạm Công Bằng cho hay.

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 10.

Những con rối cạn được treo ngay ngắn tại nhà văn hóa của câu lạc bộ. (Ảnh: Thanh Hà)

Nghệ sĩ nông dân gìn giữ di sản văn hóa thời Covid Bài 1: Rơi nước mắt với câu chuyện “giữ lửa”  - Ảnh 11.

Theo ông Phạm Công Bằng, cái khó khăn chung của các CLB Di sản văn hóa phi vật thể đó chính là kinh phí để duy trì hoạt động cũng như nguồn năng lực kế cận để gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa nó: "Dù chúng tôi có tâm huyết, nỗ lực đến đâu, nhưng nếu không có lớp kế cận, không có kinh phí để duy trì hoạt động thì rối cạn Tế Tiêu, rối nước cũng sẽ bị mai một và đến khi các nghệ nhân già mất đi những di sản đó cũng sẽ đi theo, lúc đó muốn bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa thì cũng quá muộn", ông Bằng tâm sự.

(Còn tiếp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem