Nghệ sĩ sẽ bị xử lý như thế nào khi quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận?

Khánh Đăng Chủ nhật, ngày 06/06/2021 09:02 AM (GMT+7)
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, những nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật cần phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước khán giả.
Bình luận 0

Như đã đề cập đến trong bài "Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Chỉ cần nói một lời xin lỗi bâng quơ là xong?" đăng tải ngày 5/6 trên Dân Việt, việc nghệ sĩ nhận lời quảng cáo tràn lan cho hàng loạt sản phẩm mà không thèm kiểm chứng nguồn gốc, chất lượng và công dụng của sản phẩm được xem là một sự vi phạm về mặt luật pháp lẫn đạo đức. Vì thế, việc gây ra lỗi rồi nói đôi ba lời xin lỗi bâng quơ là khó chấp nhận.

Nhiều người yêu cầu nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm trước cái sai mà mình đã gây ra và pháp luật cẩn xứ lý nghiêm minh những sai phạm này. Vậy nếu nghệ sĩ bị xử lý thì sự việc sẽ đi đến đâu?

Phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với Luật sư Đăng Văn Cường – Trưởng phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội về vấn đề này.

Việc nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo sản phẩm sai sự thật hoặc thổi phồng công dung của sản phẩm... đang gây nên nhiều bức xúc trong dư luận. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Nghệ sĩ là người của công chúng, mức độ nổi tiếng phụ thuộc vào sự tin yêu của công chúng đối với nghệ sĩ. Để trở thành nghệ sĩ nổi tiếng, nhiều người mến mộ thì phải mất rất nhiều năm nhưng nếu không cẩn thận, phát ngôn thiếu chuẩn mực hoặc quảng cáo sai sự thật thì sẽ rơi vào tình trạng "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng".

Nghệ sĩ sẽ bị xử lý như thế nào khi quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận? - Ảnh 1.

Hình ảnh nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chữ u xơ, u nang...

Việc các nghệ sĩ ký các hợp đồng quảng cáo đối với các nhãn hàng, các doanh nghiệp để quảng cáo các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho các doanh nghiệp là chuyện hết sức bình thường. Đó là nguồn thu nhập hợp pháp và chính đáng của các nghệ sĩ ngoài tiền thù lao biểu diễn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật khác.

Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, tìm kiếm thu nhập từ hoạt động quảng cáo thì nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật để thực hiện việc quảng cáo đúng luật, mang lại những hiệu ứng tích cực với người hâm mộ, giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra đối với bản thân và cộng đồng xã hội, đặc biệt là đối với người hâm mộ mình.

Khi đã trở thành người nổi tiếng thì lời ăn, tiếng nói, trang phục, ứng xử cá nhân và các sản phẩm hàng hóa dịch vụ của người nổi tiếng rất dễ tạo ra những hiệu ứng đám đông, lan truyền đến khán giả, những người hâm mộ. Rất nhiều người sẽ học theo, làm theo thói quen tiêu dùng, sử dụng những hàng hoá, dịch vụ mà những nghệ sĩ mình yêu mến đã và đang dùng.

Người hâm mộ thường không mảy may nghi ngờ là người mình hâm mộ lại có thể "phản bội" lại những khán giả yêu mến họ. Bởi vậy, trường hợp nghệ sĩ vô ý hoặc cố ý vi phạm quy định của Luật quảng cáo, quảng cáo các sản phẩm hàng hóa dịch vụ bị cấm hoặc thực hiện các hành vi cấm trong quảng cáo, quảng cáo khi chưa biết rõ về công dụng, giá trị của sản phẩm, quảng cáo sai sự thật hoặc có gian dối trong việc quảng cáo thì sẽ gây hệ lụy rất xấu cho xã hội và có thể bị mất danh tiếng thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nhiều người cho rằng, cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật hoặc cố tình thổi phồng công dụng của các loại sản phẩm, gây nhiều hệ luỵ đến người tiêu dùng. Vậy có thể áp dụng các quy định nào để xử phạt?

Nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo thường ở hai khu vực: Trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền hình) chính thống và trên nền tảng mạng xã hội.

Theo đó, hoạt động quảng cáo được thực hiện qua các kênh truyền thông chính thống thì có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan truyền thông, có bộ phận hỗ trợ pháp lý để kiểm tra, rà soát điều kiện quảng cáo, nghệ sĩ tham gia quảng cáo với các chương trình truyền hình, các tờ báo chính thống thì ít gặp rủi ro.

Tuy nhiên nếu nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo trên các trang mạng xã hội, các trang cá nhân của mình thì nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với nội dung quảng cáo.

Nếu không biết rõ về tính pháp lý của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, không nắm vững quy định pháp luật về các điều kiện quảng cáo, thủ tục quảng cáo thì nghệ sĩ dễ vi phạm khi quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Nghệ sĩ sẽ bị xử lý như thế nào khi quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc dư luận? - Ảnh 2.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng phòng Luật sư Chính pháp.

Theo quy định của Luật quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì không phải sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nào cũng được phép quảng cáo.

Pháp luật cũng quy định những hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ bị cấm quảng cáo; quy định các hành vi bị cấm trong việc thực hiện hoạt động quảng cáo; điều kiện để thực hiện quảng cáo đối với sản phẩm là thuốc và thực phẩm chức năng, những hàng hóa kinh doanh có điều kiện khác.

Bởi vậy, khi nghệ sĩ thực hiện hoạt động quảng cáo trên trang cá nhân, trên nền tảng mạng xã hội mà không tìm hiểu các quy định của pháp luật về quảng cáo thì rất dễ có thể thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Khi thực hiện các hành vi vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật và điều đặc biệt là uy tín danh tiếng của các nghệ sĩ có thể bị hủy hoại rất nhanh chóng thông qua hoạt động quảng cáo trái phép gây ra những phản ứng tiêu cực trong xã hội.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện Luật quảng cáo năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018. Theo đó, nghệ sĩ thực hiện các hoạt động quảng cáo được xác định là người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, đưa các sản phẩm quảng cáo đến công chúng hoặc thực hiện sản phẩm quảng cáo thông qua hình thức nói, phát, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự.

Người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người chuyển tài sản phẩm quảng cáo đều phải thực hiện các quy định của Luật quảng cáo. Không được thực hiện hoạt động quảng cáo đối với các loại hàng hóa, sản phẩm bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật quảng cáo.

Ngoài ra, Điều 8 của Luật quảng cáo cũng quy định 16 hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo trong đó có cấm: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.

Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác".

Đối với các hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ thuộc trường hợp kinh doanh có điều kiện thì phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh, hàng hóa phải có nguồn gốc, giấy tờ, chứng từ hợp lệ thì mới được phép quảng cáo.

Một số loại hàng hóa dịch vụ trong đó có thực phẩm chức năng, thuốc thì cần phải xin phép quảng cáo, có đầy đủ giấy tờ hợp lệ về kinh doanh, suất xứ hàng hóa, giá trị công dụng của sản phẩm.... được cơ quan chức năng cho phép mới được thực hiện hoạt động quảng cáo.

Khi thực hiện quảng cáo phải đúng với chất lượng sản phẩm đã công bố. Để quảng cáo sai sự thật, nói quá đến công dụng của sản phẩm hoặc không nêu rõ các khuyến cáo tác dụng phụ của sản phẩm thì sẽ bị xử phạt hành chính, nếu mức độ nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Xét dưới phạm trù đạo đức, văn hoá… nhiều người cho rằng, nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật cũng là một sự lừa dối khán giả, lừa dối chính những người hâm mộ mình. Anh nghĩ sao về điều này?

Có thể nói rằng, nghệ sĩ là người của công chúng, họ nổi tiếng, được nhiều người yêu mến, biết đến và thậm chí có cuộc sống sung túc, xa hoa là nhờ sự mến mộ của người hâm mộ.

Thông thường thì các nghệ sĩ sẽ biết ơn người hâm mộ và họ luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với người hâm mộ và muốn giữ gìn tình yêu, sự mến mộ đó càng lâu dài càng tốt để sự nghiệp của họ kéo dài và sống mãi với thời gian.

Còn đối với người hâm mộ, khi đã hâm mộ nghệ sĩ rồi thì nghệ sĩ làm gì họ cũng học theo. Từ kiểu tóc, đồ trang sức, đến thói quen sinh hoạt. Bởi vậy không cần nghệ sĩ phải thực hiện quảng cáo thì các fan hâm mộ cũng luôn thực hiện và làm theo, học theo thần tượng của mình.

Nếu nghệ sĩ quảng cáo những hàng hóa sản phẩm dịch vụ mà mình không hề biết đến, chưa từng sử dụng nhưng lại nói dối với công chúng là dùng rất tốt, rất hiệu quả thì đó là hành vi lừa dối khán giả, phản bội lại niềm tin của khán giả.

Nếu quảng cáo, hàng hóa sản phẩm bị cấm hoặc là hàng giả, hàng lậu thì nghệ sĩ có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với các đối tượng vi phạm pháp luật.

Nếu với ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng thì cũng sẽ phải chịu các trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với các nạn nhân.

Bởi vậy, các nghệ sĩ, người của công chúng cần phải hết sức tỉnh táo, thận trọng và có trách nhiệm khi thực hiện các hoạt động quảng cáo. Cần phải kiểm tra thẩm định kỹ về mặt pháp lý cũng như trình tự, thủ tục, điều kiện quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Trường hợp do lỗi vô ý hoặc vì một yếu tố cá nhân nào đó mà đã quảng cáo sai sự thật, vi phạm quy định về quảng cáo thì cần phải sửa sai, nhận trách nhiệm, xin lỗi trước công chúng và đó là một bài học đắt giá.

Việc nhận lỗi của nghệ sĩ trong tình huống này là thể hiện văn hóa và trách nhiệm với cộng đồng, việc xin lỗi không làm cho họ tồi tệ hơn mà đó là một cách xử lý khủng hoảng truyền thông tốt nhất, cứu vãn danh dự, uy tín của mình.

Với các nghệ sĩ lựa chọn cách giải quyết khủng hoảng truyền thông bằng cách im lặng hoặc xóa nội dung quảng cáo mà không nói gì thì đó là những hành động sai lầm, chắc chắn họ sẽ mất đi một lượng fan hâm mộ đáng kể và các doanh nghiệp làm ăn chân chính sau này cũng sẽ không dám mời họ thực hiện các hoạt động quảng cáo và hành động như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng và sự nghiệp của họ.

Cảm ơn Luật sư về cuộc trò chuyện này!

Trước đây, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được áp dụng theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trong đó khoản 5, Điều 51 Nghị định quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này.

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này.

Quảng cáo gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam trong quảng cáo mà không thể hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia. Sử dụng hình ảnh đồng tiền Việt Nam trong quảng cáo.

Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với trường hợp tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật thì mức phạt tiền gấp 2 lần so với cá nhân.

Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, cá nhân tổ chức có hành vi quảng cáo sai sự thật còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 7, Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP như sau: Buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này; Buộc xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với hành vi quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều này; Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 5 Điều này.

Từ ngày 01/6/2021 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP có hiệu lực pháp luật hay thế Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Theo Điều 50, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP thì hành vi vi phạm quy định về quảng cáo thuốc có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.

Với hành vi vi phạm quy định về quảng cáo mỹ phẩm thì cũng sẽ bị phạt đến 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 51 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, cụ thể: "4. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả: a) Buộc cải chính thông tin đối với hành vi quy định tại điểm a và điểm c khoản 3, khoản 4 Điều này; b) Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.".

Ngoài ra, nếu hành vi vi phạm quy định về quảng cáo mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì có thể còn bị xử lý về hành vi lừa dối người tiêu dùng. Nếu về thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Bài 3: Cục Nghệ thuật Biểu diễn nói gì về nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, gây bất bình dư luận?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem