Nghe Thổ ngữ làng choa

Thứ bảy, ngày 29/10/2011 07:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) -Với tôi, tất cả những bài thơ trong “Thổ ngữ làng choa” là thơ tứ tuyệt lục bát đã cho thấy tính cách của người làng choa. Việc chọn lựa thể loại thơ ấy là tác giả đã tự đặt mình vào khó khăn, đặt mình vào thách thức và cũng là tính ngang tàng của thi sĩ Minh Tâm.
Bình luận 0
img
 

“Thổ ngữ làng choa” với một hình thức duy nhất của các bài thơ: Tứ tuyệt, với một nhịp điệu thơ duy nhất: Lục bát luôn luôn chứa đựng một sự “nguy hiểm”. Sự “nguy hiểm” đó chính là việc làm cho người đọc dễ rơi vào cảm giác đều đều, nhàm chán và ít hứng thú.

Trong kết cấu thông thường của các tập thơ, các nhà thơ rất tính toán và có một phác đồ kỹ lưỡng: Bài thơ đầu tiên là bài nào, bài thơ cuối cùng là bài nào, bên cạnh một bài với nhịp điệu du dương sẽ là một bài với nhịp điệu mạnh mẽ, bên một bài thơ ngắn sẽ là một bài thơ dài…

Nhưng “Thổ ngữ làng choa” đã không làm thế. Hay nói cách khác đã không thể làm được thế bởi sự chọn lựa đã bắt đầu từ khi tác giả sáng tác bài thơ đầu tiên cho tập thơ này. Đó là sự dấn thân hay đó là sự ngang tàng của làng choa?

Thế nhưng, “Thổ ngữ làng choa” đã phá được cái thế “hiểm” đó. Tôi đọc xong một bài và muốn đọc tiếp và đọc tiếp. Sự lôi kéo tôi như vậy phải chăng là bởi chính thổ ngữ của làng choa. Thổ ngữ ở đây, theo tôi, chính là ngôn ngữ sáng tạo và lối tư duy của thi sĩ Minh Tâm.

Tôi hầu như ít thấy cái nhịp lục bát du dương, đầy mỹ từ và tràn lan những cảm xúc “ thổn thức” trong “Thổ ngữ làng choa” mà thơ lục bát đương đại Việt Nam ngập tràn những thứ đó. Nếu chúng ta thử dàn những câu thơ lục bát của nhiều bài thơ trong “Thổ ngữ làng choa” theo hình thức một bài thơ văn xuôi hay bỏ một đôi chữ trong những câu thơ lục bát ấy, chúng ta sẽ nhận ra chúng là những câu nói đầy bản sắc.

Tôi không biết “Thổ ngữ làng choa” là thế nào, nhưng ngôn từ, hình ảnh và lối nói của thi sĩ Minh Tâm đã tạo nên một “thổ ngữ” của anh.... Ở đó là sự ngang tàng, là tính bộc trực, là sự giễu nhại, là “lý sự”. Không một bài thơ nào của thi sĩ Minh Tâm lại chỉ chìm đắm trong những cảm xúc miên man mà thơ lục bát lâu nay thường như vậy.

Mỗi bài thơ lục bát trong Thổ ngữ làng choa là một cái lý thật sâu sắc về cuộc đời này. Cáu trời hắt rượu lên mây/Nước rơi xuống mặt – phẩy tay: Thế à!/Bữa nhầm khoác áo cà sa/Soi gương giật thột, hỏi: Ma hay người (Thế à – Thổ ngữ làng choa).

Đây là một trong những bài thơ chứa đủ những đặc tính mà tôi đã nói ở trên. Những bài thơ như thế làm cho tôi đọc xong lại phải tìm đến bài thơ tiếp theo.

Người ta từng nức nở với hai câu lục bát của Thần đồng thơ Trần Đăng Khoa: Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng. Hay xuýt xoa với những câu thơ lục bát của Đồng Đức Bốn : Chăn trâu đốt lửa trên đồng/ Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều/ Mải mê đuổi một cánh diều/ Củ khoai nướng để cả chiều thành tro

Còn tôi thì kinh ngạc với những câu thơ lục bát của thi sĩ Minh Tâm như: Trời kia cột bóng với hình/ Xác mình đè xuống chân mình mà đi… hai câu thơ vừa đau đớn, vừa cao ngạo và vừa thẳm sâu. Sự nức nở và xuýt xoa kia đi qua tôi trong một khoảnh khắc và chỉ một lần, còn sự kinh ngạc này sẽ bám theo tôi rất lâu.

Minh Tâm là thế. Và vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ở Cuộc thi Thơ lục bát Ngàn năm thương nhớ - kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2010 Tâm đã nhận giải đúp với 2 bài Khúc hát xẩm mù và Tự bạch. Và vào Ngày Lục bát VN (mồng 6 tháng 8 Tân Mão), Tâm lại ẵm giải Tư trong Cuộc thi Thơ lục bát Ngàn năm Hồn Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem