Nghề Tò he: Khó tìm được truyền nhân

Thứ năm, ngày 30/09/2010 09:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội) là làng duy nhất ở miền Bắc còn duy trì nghề làm Tò he. Tuy nhiên, việc dạy nghề cho những thế hệ sau này đang gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Khó tìm được truyền nhân

Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch câu lạc bộ Tò he làng Xuân La cho biết: "Mặc dù ở làng Xuân La từ người già đến người trẻ đều biết làm Tò he nhưng số người sống được bằng nghề này ngày càng ít".

Theo ông Thành, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là các nghệ nhân thiếu môi trường làm việc, thiếu không gian bày bán hàng, tiêu thụ sản phẩm. Điều này khiến nhiều nghệ nhân không còn thiết tha với nghề làm Tò he.

 img
Việc đào tạo nghề làm Tò he chủ yếu là “cha truyền con nối”.

Cũng theo ông Thành, hiện nay việc đào tạo nghề làm Tò he ở Xuân La chủ yếu vẫn chỉ diễn ra theo kiểu cha truyền con nối. Những thế hệ trước tích lũy kinh nghiệm rồi truyền đạt lại cho thế hệ sau. Việc đào tạo manh mún này khiến việc dạy nghề và học nghề không thể phát triển hơn nữa.

Tức là thợ làm Tò he mới chỉ dừng lại ở tạo hình đơn giản, chứ chưa nâng lên thành nghệ thuật. Anh Nguyễn Văn Khang - một nghệ nhân làm Tò he tâm sự: "Hiện nay, việc dạy nghề, phát triển nghề làm Tò he đang gặp rất nhiều khó khăn. Việc dạy nghề cho chính những người trong làng hiệu quả cũng chưa thật cao do người dạy không có bài bản. Dạy trong làng còn khó khăn như vậy huống gì đến chuyện dạy nghề cho những người ở ngoài tỉnh".

Đưa Tò he lên một tầm cao mới

img Làm Tò he là làm đồ chơi mang tính truyền thống, nghệ thuật cho con trẻ nhưng hiện nay các nghệ nhân làm Tò he vẫn luôn bị coi là người... bán hàng rong và đi đâu cũng bị cấm cản. img

Hiện nay, làm Tò he vẫn chưa được coi là một nghề thực thụ. Người làm Tò he gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, các nghệ nhân làm Tò he còn phải đối diện với một khó khăn nữa không kém phần quan trọng là không xử lý được nguyên liệu để làm ra sản phẩm đẹp, bền.

"Hiện nay những sản phẩm Tò he trên thị trường được làm bằng nguyên liệu chính là bột nếp trộn với các loại phẩm màu tự nhiên. Nếu thời tiết nóng và sản phẩm được bảo quản cẩn thận thì giữ được khoảng 3 tháng. Nếu thời tiết ẩm thấp thì được 1 tháng đã là giỏi lắm rồi. Trong khi ấy, nghệ nhân các nước cùng "chơi" Tò he thì họ xử lý nguyên liệu tốt hơn nên tạo hình đẹp, giữ sản phẩm lâu hơn"- anh Khang nói.

Hiện nay, một số cá nhân quan tâm đến vấn đề này đã bỏ thời gian nghiên cứu để cho ra đời nguyên liệu đáp ứng được những yêu cầu của việc làm Tò he. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn chưa thể sánh kịp sản phẩm nhập ngoại. Vì vậy, người dân làng làm Tò he luôn trăn trở về học nghề, truyền nghề.

Ông Thành cho biết: "Hiện nay để bảo tồn và phát triển làng nghề Tò he rất cần những chương trình đào tạo nghề, dạy nghề cho thế hệ sau này".

Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm Tò he, đồng thời chào mừng 1000 năm Thăng Long, mới đây Hiệp hội Làng nghề Tò he đã cho ra đời 1 con rùa nặng 2,5 tạ, 1 con rồng nặng 3 tạ. "Hiện nay, chúng tôi đang hoàn tất thủ tục để con rồng Tò he nặng 3 tạ được ghi vào kỷ lục Guiness Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sau sự kiện này mọi người sẽ có cách nhìn khác về Tò he"- ông Nguyễn Văn Thành phấn khởi nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem