Điều đó cũng có nghĩa là nền đất thành phố này sẽ thấp hơn mực nước biển, như những lời cảnh báo được đưa ra tại Hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải do UBND TP.HCM tổ chức vào nửa cuối tháng 8 mới đây.
Người dân khổ sở sau những trận mưa gây ngập nặng trên các tuyến đường TP.HCM.
Theo báo cáo của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước, TP.HCM chịu ảnh hưởng trực tiếp của thủy triều xâm nhập từ Biển Đông thông qua hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai – Vàm Cỏ Đông.
Theo số liệu ghi nhận và được thành phố báo cáo thì từ năm 1962-2001, đỉnh triều cao nhất là dưới 1,5m. Thế nhưng, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đến năm 2010, đỉnh triều đã vượt mức 1,5m. Đặc biệt, trong 5 năm trở lại đây, đã có 85 lần đỉnh triều cao từ 1,62-1,68m. Với 63% diện tích có độ cao tự nhiên dưới 1,5m, TP.HCM sẽ bị ngập tại những vị trí thấp hơn đỉnh triều nếu không có biện pháp bảo vệ...
Ngoài ra, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thành phố đã xuất hiện nhiều cơn mưa có vũ lượng lớn và kéo dài. Hệ thống thoát nước hiện hữu đã không thể đảm bảo thoát nước kịp thời trong thời gian gần đây dù đã có những giải pháp khắc phục tạm thời này khác.
Tại hội nghị, ông Laurent Umans - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam - cho rằng "với mức độ sụt lún cộng với nước biển dâng tăng dần mỗi năm, sự tồn tại của TP.HCM đang bị đe dọa. Dự báo khoảng 50-100 năm nữa, một phần lớn thành phố sẽ nằm dưới mực nước biển và trở thành đầm lầy".
Đó là lời phát biểu của một nhà ngoại giao của một quốc gia có thủ đô nằm dưới mực nước biển và sống yên bình nhờ sự sáng tạo đầy khoa học đi trước nhiều năm của họ khi xây dựng hệ thống đê biển bao quanh.
Nước ngập sâu trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh dù nơi đây có dự án "siêu máy bơm" chống ngập.
Chính vì lý do này, lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân, như cách gọi gần gũi mọi người quen gọi ông - đã rất quan tâm đến vấn đề trên và luôn có khát vọng muốn tìm hiểu, học tập nước bạn về xây dựng đê biển. 10 năm ông đã đi xa (2008-2018), tôi muốn nhắc lại câu chuyện về ông Sáu Dân có liên quan đến vấn đề trên để thấy tầm nhìn của một nhà lãnh đạo luôn đau đáu việc dân, việc nước.
Lo lắng việc nước biển có nguy cơ dâng cao ở TP.HCM cũng như Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng vì nhiều lý do, trong đó có cả thời gian hạn hẹp của người đứng đầu Chính phủ, ông Sáu Dân vẫn không thể bố trí được thời gian đi sang Hà Lan để tìm hiểu cho kỹ càng chuyện hệ trọng này.
Tiếc rằng, ông đã ra đi quá bất ngờ (ngày 11.6.2008), khi đã chuẩn bị ngày lên đường sang Hà Lan với ý định ban đầu là sẽ bằng một cuốn hộ chiếu đặc biệt mang tên lúc sinh thời của mình là Phan Văn Hoà, thì ông bị viêm phổi cấp tính kéo dài không bình thường, đến khi đưa đi Singapore chữa trị thì không còn kịp nữa.
Ông Phạm Ngọc Minh - khi ấy là Tổng giám đốc Vietnam Airline - đã kể câu chuyện đàm đạo về sự cố bão biển, sóng thần trên thế giới với ông Sáu Dân, cùng câu chuyện người Hà Lan xưa kia đã tìm cách xây dựng đê biển thành công và bây giờ vẫn còn bảo tàng lưu giữ sự kiện quý giá này. Và ông Sáu Dân đã hăng hái muốn sang đó một chuyến bằng hộ chiếu mang tên khai sinh, không thông báo cho bạn biết, bởi có đi như vậy thì mới tìm hiểu được nhiều...
Sự việc làm hộ chiếu mang tên Phan Văn Hoà cho ông bị lộ ra, các cơ quan đối ngoại và bảo vệ yếu nhân đều không chịu làm theo ý ông. Cuối cùng, một kế hoạch đã được lên lịch, trong đó có cả những hội thảo mini bên Hà Lan về chuyên đề trên đã được đề ra khá công phu. Nhưng chuyến đi Hà Lan đó đã không bao giờ thành hiện thực.
Khát vọng có một hệ thống đê biển tương tự như Hà Lan đã được ông Sáu đau đáu suy nghĩ từ rất lâu, nhưng có lẽ chúng ta chưa đủ lực để có thể làm ngày đó với mục đích đảm bảo an toàn khi nước biển đang có nguy cơ dâng cao. Nó có thể dẫn đến chuyện mất cả vùng Đồng bằng Sông Cửu Long vì bị ngập mặn chứ không chỉ có TP.HCM.
Tầm nhìn xa trông rộng của một nhà lãnh đạo như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ cả chục năm trước quả là điều rất đáng suy nghĩ và rất cần thiết hôm nay.
Nhiều tuyến đường ở Sài Gòn ngập nặng mỗi khi triều cường dâng cao.
Cách đây mấy năm, chuyện lụt lội ở Chương Mỹ, Hà Nội lẽ ra cần được mổ xẻ và tìm biện pháp ngăn ngừa sớm khi đã có cảnh báo nhỡn tiền. Tiếc rằng ngày đó chúng ta cứ cho rằng việc lũ lụt xảy ra ở vùng đê sông Bùi chỉ là "sạt đê" chứ không có chuyên " vỡ đê". Từ đó sinh chủ quan kéo dài, để rồi vừa qua, lụt lội ở vùng đê sông Bùi lại tái diễn.
Giá như ngay từ năm đó, chúng ta quyết định cho xây dựng con đê rất nhỏ này ngay tức thì, thì đâu đến nỗi lại xảy ra chuyện một vùng đất của thủ đô ngập lụt cả tháng mà chúng ta loay hoay không sao khắc phục nổi như vừa qua.
Chuyện ngập lụt, phố chìm thành sông sau mỗi cơn mưa cũng là chuyện thường ngày ở TP.HCM. Theo Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, cần phải có 6.000km cống các loại, đến nay mới có 4.176km, chỉ đạt khoảng 69,6%. Thành phố cũng mới có 2 nhà máy xử lý nước thải trong số 12 nhà máy cần xây dựng, mới hoàn thành 64/149km đê bao ven sông Sài Gòn và 1/10 cống kiểm soát triều lớn. TPHCM cần nguồn lực rất lớn để tiếp tục đầu tư các dự án chống ngập và xử lý nước thải, lên đến hơn 73.400 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đây đã phải cách làm tối ưu hay chưa thì phải chờ các nhà khoa học trả lời.
Đã đến lúc phải tính toán sao cho thật căn cơ, bài bản và khoa học để có thể cứu TP.HCM khỏi bị biến mất trên bản đồ do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nếu chỉ tính toán chắp vá, tạm thời thì tình trạng úng ngập tại TP.HCM sẽ ngày càng đáng lo ngại hơn. Hàng chục triệu dân nơi này đang sinh sống và làm ra một lượng của cải vật chất rất lớn cho nước nhà tại một thành phố được coi là chủ lực, đầu tàu của cả nền kinh tế Việt Nam, không lẽ lại có thể bị động khi đối phó với thiên tai như vậy được!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.