Nghi ngờ người khác lừa đảo, đăng hình ảnh cá nhân lên mạng cảnh báo được không?

Quang Minh Thứ hai, ngày 26/08/2024 19:50 PM (GMT+7)
Theo luật sư, khi nghi ngờ ai đó lừa đảo trên mạng xã hội cần cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn, đồng thời có thể thu thập, lưu lại bằng chứng làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú.
Bình luận 0

Bạn đọc Thanh Hương (Hà Nội) gửi câu hỏi:

Trên mạng xã hội, tôi bắt gặp một số trường hợp có dấu hiệu lừa đảo khi kêu gọi mọi người ủng hộ từ thiện. Vậy xin hỏi, với trường hợp này tôi có thể đăng hình ảnh, thông tin cá nhân họ lên mạng để cảnh báo cho bạn bè, người thân được không?

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang - Công ty luật TNHH Niềm tin công lý, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. 

Các đối tượng thường tập trung vào những người dùng mạng xã hội không rành về công nghệ để lừa đảo bằng các thủ đoạn như giả công an, cán bộ Viện kiểm sát yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, sau đó, yêu cầu họ chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản.

Khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 yêu cầu, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Nghi ngờ người khác lừa đảo, đăng hình ảnh cá nhân lên mạng cảnh báo được không?- Ảnh 2.

Khi nghi ngờ ai đó lừa đảo trên mạng xã hội cần cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn. Ảnh: Lê Quân.

Tuy nhiên, theo luật sư Giang, trường hợp sử dụng hình ảnh của cá nhân để đăng lên mạng xã hội kèm theo đó là nội dung bịa đặt, sai sự thật, vu khống là một trong các hành vi vi phạm pháp luật.

Trường hợp cá nhân đăng tải thông tin, hình ảnh của người khác lên mạng mà chưa xin phép có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ, với mức phạt từ 20-30 triệu đồng;

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng trong trường hợp sử dụng trái phép hình ảnh người khác nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh theo Điều 102 nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 của Chính phủ.

Trường hợp sử dụng hình ảnh của người khác đăng lên mạng nhằm mục đích khác, gây hậu quả nghiêm trọng, người đăng tải có thể bị xử phạt về tội "làm nhục người khác" tại điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Hoặc tội "vu khống" theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), với mức phạt tù cao nhất là 7 năm tù giam.

Như vậy, theo luật sư Giang, khi nghi ngờ ai đó lừa đảo trên mạng xã hội, người dân có thể cảnh báo, thông báo cho gia đình và bạn bè của bạn, đồng thời có thể thu thập, lưu lại bằng chứng làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an nơi lưu trú. Người dân không nên đăng hình ảnh của họ lên mạng xã hội khi chưa có bằng chứng, hoặc kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem