Nghi phạm cướp ngân hàng tại Hải Phòng để mua xe máy 700 triệu đồng, thu hồi thế nào?

Việt Sáng Thứ hai, ngày 10/01/2022 07:49 AM (GMT+7)
Theo luật sư, số tiền nghi phạm sử dụng mua xe thuộc sở hữu của ngân hàng chính vì thế cần phải tịch thu chiếc xe để thanh lý trả lại tiền cho ngân hàng.
Bình luận 0

Cướp ngân hàng để mua xe máy 700 triệu đồng, xe thuộc về ai?

Liên quan đến vụ một thanh niên dùng súng cướp ngân hàng ở Hải Phòng, sau đó nghi phạm dùng tiền mua xe mô tô phân khối lớn có giá trị hơn 700 triệu đồng, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã có những phân tích cụ thể.

Theo ông Bình, liên quan đến số tiền và chiếc xe mô tô, trong trường hợp này, số tiền nghi phạm sử dụng mua xe thuộc sở hữu của ngân hàng chính vì thế cần phải tịch thu chiếc xe để thanh lý trả lại cho ngân hàng.

Số tiền 700 triệu nghi phạm mua xe máy trong vụ cướp ngân hàng tại Hải Phòng thu hồi thế nào? - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Nam vui vẻ chụp ảnh lưu niệm cùng nhân viên cửa hàng tại lễ bàn giao xe.

"Trong điều 47, Bộ luật hình sự có quy định rõ về việc tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là một trong các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. 

Điều này được quy định trong Bộ luật Hình sự, do các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có năng lực trách nhiệm hình sự hay đối với pháp nhân thương mại thực hiện tội phạm nhằm hỗ trợ, thay thế hình phạt, có ý nghĩa quan trọng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo giải quyết triệt để vụ án hình sự.

Đồng thời góp phần ngăn ngừa tội phạm, loại bỏ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội; khắc phục thiệt hại, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại", ông Bình phân tích.

Vị luật sư cũng cho biết, việc tịch thu và xử lý sau khi tịch thu có hai trường hợp. Trường hợp một là việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội.

Số tiền 700 triệu nghi phạm mua xe máy trong vụ cướp ngân hàng tại Hải Phòng thu hồi thế nào? - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn Phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Công cụ, phương tiện mà người phạm tội đã sử dụng vào việc thực hiện tội phạm như dao, súng, xe mô tô của người phạm tội sử dụng trong các vụ cướp tài sản, tiền mà người phạm tội sử dụng trong đánh bạc, đưa hối lộ mà có.

Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc đổi do đổi chác, mua bán những thứ ấy mà có là những vật hoặc tiền có được do việc thực hiện tội phạm như tham ô, trộm cắp, cướp, lừa đảo hoặc do sự mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có.

Trường hợp 2, đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép thì không tịch thu vào ngân sách mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

Có nghĩa là những vật, tiền này là của người khác và xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, đã bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép. Trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì mới tịch thu sung vào ngân sách nhà nước.

"Chúng ta có thể thấy rõ, chiếc xe mô tô phân khối lớn được mua với giá 700 triệu xác định rõ chủ sở hữu là ngân hàng bị đối tượng cướp tiền, vì thế chiếc xe sẽ được thanh lý để trả lại số tiền cho ngân hàng", vị luật sư khẳng định.

Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm

1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với:

a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội;

b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội;

c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm lưu hành.

2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp.

3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu.

Cần làm rõ giao dịch mua bán xe

Còn Tiến sỹ luật Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, chiếc xe máy phân khối lớn mà đối tượng này đã bỏ tiền ra mua thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ bên bán xe máy có biết tiền này là do phạm tội mà có hay không. 

Trong trường hợp đối tượng mua xe không nói đây là số tiền do cướp ngân hàng và người bán xe cũng không biết đây là đối tượng vừa cướp ngân hàng thì giao dịch mua bán này có thể hợp pháp nếu thủ tục mua bán đã hoàn tất. 

 “Theo quy định của pháp luật, chiếc xe mô tô là tài sản có đăng ký quyền sở hữu, bởi vậy việc mua bán phải có hợp đồng bằng văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp việc mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục thì giao dịch này chưa hợp pháp, bên bán xe có quyền yêu cầu nhận lại chiếc xe này và nộp lại số tiền đã nhận của đối tượng gây án để trả lại cho phía người bị hại là ngân hàng. 

Trường hợp hành vi mua bán là trái pháp luật do người bán biết rõ đây là tài sản do phạm tội mà có thì việc mua bán này cũng sẽ bị hủy bỏ kể cả trường hợp mua bán đã thành công. Còn nếu mua bán chưa hoàn thành về mặt thủ tục, việc mua bán chưa được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền thì việc mua bán này bị hủy bỏ, các bên trả lại tài sản cho nhau để khắc phục hậu quả. 

Tại thời điểm mua bán bên bán không có nghĩa vụ phải biết và không thể biết được số tiền đó do phạm tội mà có thì hợp đồng mua bán có hiệu lực pháp luật, bên bán được xác định là "người thứ ba ngay tình" theo quy định của bộ luật dân sự và pháp luật phải bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình", luật sư Cường phân tích.

Cướp xong đưa tiền cho bạn gái

Trước đó, chiều 9/1, thông tin từ phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị đã di lý đối tượng Nguyễn Văn Nam (SN 1998, ở xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) từ Thái Nguyên về đến Hải Phòng để phục vụ công tác điều tra.

Tại trụ sở công an, bước đầu Nguyễn Văn Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội. Theo đó, Nam khai nhận khoảng 15h20 chiều 7/1, đối tượng đã sử dụng khẩu súng bắn đạn chì gây ra vụ cướp ngân hàng ở đường Đình Vũ, phường Đông Hải 2, quận Hải An, TP Hải Phòng, lấy đi số tiền khoảng 3 tỷ đồng.

Gây án xong, Nam điều khiển chiếc xe máy cướp được ở chi nhánh ngân hàng bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến khu vực cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở TP Hải Phòng, Nam bỏ lại chiếc xe cướp được rồi bắt taxi dù về nhà để thay quần áo.

Sau đó, Nam chia lẻ số tiền cướp được, một phần chôn dưới gốc đào trong nhà, một phần đưa cho bạn gái là T. (SN 2000, trú TP Hải Phòng). Tiếp đó, Nam mang theo một số tiền và tẩu thoát lên Hà Nội, tới một cửa hàng bán xe mô tô phân khối lớn mua 1 chiếc xe có giá trị khoảng hơn 700 triệu đồng.

Hoàn tất việc mua xe, Nam điều khiển chiếc xe mô tô này di chuyển qua tỉnh Vĩnh Phúc rồi đến thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên thuê nhà nghỉ và bị lực lượng công an gồm Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, Công an TP Hải Phòng, Công an các tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc bắt giữ tại đây vào sáng 9/1.

Quý độc giả đang đọc bài viết: "Nghi phạm cướp ngân hàng tại Hải Phòng mua xe máy 700 triệu đồng, thu hồi thế nào?" tại mục Bạn đọc, Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng Báo Điện tử Dân Việt 0857.853.666.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem