Nghi thuốc tạo trầm có... chất diệt cỏ

Trần Đáng - Ngọc Minh Thứ ba, ngày 16/06/2015 08:29 AM (GMT+7)
Tác dụng của trầm hương là để làm hương liệu, mỹ phẩm, chế thuốc... Tuy nhiên, một trong những chế phẩm tạo trầm ở Đồng Nai đang bị nghi ngờ có chứa chất diệt cỏ.
Bình luận 0

Vài năm nay, huyện Tân Phú (Đồng Nai) nổi lên như một “lò” chế thuốc tạo trầm hương của cả nước. Các thợ cấy tạo trầm ở đây đem các loại chế phẩm chưa qua đăng ký rồi tỏa đi các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Hòa Bình… để cấy tạo trầm.

Mỗi ngày bán trăm lít

Theo một quan chức của Hiệp hội Trầm Việt Nam, việc có thông tin cho rằng một trong những chất tạo trầm đang lưu thông sử dụng ở Đồng Nai có chứa chất diệt cỏ acid 2,4-D (acid diclophenoxiaxetic) là chính xác.

img
Vườn dó bầu trên 10 năm của ông Ngô Duy Tư (trái) được bóc vỏ và quét thuốc cấy trầm. (Ảnh: Trần Đáng)

Cũng theo vị quan chức này, chế phẩm này đã được nhiều người sử dụng cấy trầm 5 năm nay. Thường thì người thợ cấy bóc vỏ cây dó bầu rồi quét chế phẩm này lên thân cây để tạo trầm. Nó khá độc, đến nỗi khi thu hoạch trầm người thợ xỉa trầm (bóc tách trầm khỏi thân dó) dễ bị ngứa tay. Cũng theo vị này, có một khu rừng dó bầu rộng hàng chục ha ở miền Đông Nam Bộ đang được cấy trầm bằng chế phẩm tạo trầm này.

Một số thợ chế thuốc tạo trầm ở Đồng Nai cho biết, hầu hết các hóa chất để chế thuốc tạo trầm được mua từ chợ Kim Biên (TP.HCM). Hiệp hội Trầm Việt Nam luôn khuyến cáo, chế phẩm tạo trầm không nên dùng chất hóa học, nhất là hóa học nặng, đặc biệt là chất diệt cỏ, nhưng hầu như các thợ chế thuốc đều ngó lơ vì chế phẩm hóa học cho trầm nhanh hơn sinh học nên hút các nhà vườn trồng cây dó bầu sử dụng hơn.

Đang chuẩn hóa thợ làm trầm

Theo tìm hiểu của phóng viên, có thể mua chất tạo trầm dễ dàng và với bất kỳ số lượng nào ở Tân Phú. Theo đó, thuốc pha sẵn loại để quét có giá 100.000 – 120.000 đồng/lít; thuốc cấy: 250.000 – 400.000 đồng/lít. Đa số chế phẩm có thông tin không rõ ràng về nồng độ thuốc và chất lượng. Hậu quả là thời gian qua, nhiều vườn dó bầu tiền tỷ của nông dân đã ngã gục vì nồng độ chế phẩm quá cao.

Ông Mai Quốc Thái – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và trang trại TP.HCM (có 50ha dó bầu) cho biết, người trồng dó bầu tạo trầm hiện nay rất cần “lòng tin” vào thợ cấy tạo trầm để giao phó gia tài vì tự mình không thể biết thuốc tạo trầm có đáng tin không. Vì vậy cần đưa lĩnh vực chế phẩm tạo trầm vào quản lý hoặc yêu cầu người chế tạo chế phẩm phải đăng ký trước khi tung ra thị trường.

Đem ý kiến này tới gặp ông Ngô Duy Tư – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trầm huyện Tân Phú, ông Tư cho biết, không thấy các cơ quan chức năng đả động gì đến vấn đề này, và người chế tạo chế phẩm tạo trầm cũng “chả dại gì” đi đăng ký. Họ chẳng muốn dây dưa với chính quyền và nhất là nếu thuốc tạo trầm thất bại gây chết cây.

Theo ông Nguyễn Văn Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Trầm Việt Nam, hiệp hội sẵn sàng có trách nhiệm nếu nông dân cần đăng ký chế phẩm tạo trầm. Dẫn chứng, ông Minh cho biết hiệp hội đã tổ chức cấy thực nghiệm trầm trên cây dó bầu cho 7 nông dân nhằm ký xác nhận để Cục Sở hữu trí tuệ cấp phép. “Hiệp hội đang từng bước chuẩn hóa đội ngũ tạo trầm Việt Nam” - ông Minh nói.

Theo TS Lê Quang Hưng (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM), chất 2,4 D là chất rất độc, trước đây, trong nuôi cấy mô người ta hay sử dụng nhưng hiện nay gần như không còn. Chưa có một nghiên cứu nào cho thấy dùng chất này trong hỗn hợp chất tạo trầm là an toàn, vì thế không nên sử dụng.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem