Nghịch lý Giáo sư, Phó Giáo sư

Thứ ba, ngày 15/05/2018 08:00 AM (GMT+7)
Trong hơn 40 năm qua, Việt Nam có 1.600 giáo sư, 10.000 phó giáo sư được phong tặng và công nhận. Trong số này, đáng chú ý chỉ có khoảng 200-300 giáo sư và khoảng 1/4 phó giáo sư đang hoạt động nghiên cứu.
Bình luận 0

Con số này được GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước đưa ra tại lễ công bố bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư của một trường ĐH.

Chưa đến 300/1.600 giáo sư đang nghiên cứu

Theo GS Trần Văn Nhung,  năm 1960, Việt Nam có 29 giáo sư, trong đó có 14 giáo sư trong y học, còn 15 giáo sư là trong ngành khoa học công nghệ. Cho đến nay, sau hơn hơn 50 năm, cả nước có 1.600 giáo sư. Trong số này, nhiều người đã mất, nhiều người đã về hưu. Số giáo sư còn đang nghiên cứu, đang làm việc khoảng 200-300. Phó giáo sư khoảng 10.000, cũng nhiều người đã mất.

GS Trần Văn Nhung cũng cho biết, số giáo sư trên một vạn dân của Trung Quốc gấp 8 lần Việt Nam, còn của Đức là gấp 3 lần.

img

GS Đặng Ứng Vận, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư ngành Hóa cũng có vẻ băn khoăn về con số vừa được đưa ra. Vì ông cho rằng,  hiện nay có 29 hội đồng ngành, nếu tính ra, mỗi ngành chưa được 10 giáo sư còn đang làm việc, nghiên cứu?

GS Đặng Ứng Vận cho rằng việc giáo sư, phó giáo sư đã về hưu không nghiên cứu một phần là do điều kiện thực tế, họ không được rót tiền để làm nữa.

“Tôi cho rằng giai đoạn sung sức nhất để làm nghiên cứu đối với giáo sư, phó giáo sư cũng tùy từng ngành. Với những ngành nghiên cứu lý thuyết thì có thể trẻ hơn. Nhưng với những ngành cần phải có kinh nghiệm thực tế thì muộn hơn một chút. Ví dụ như ngành hóa là ngành thực nghiệm, giai đoạn sung sức nhất để giáo sư, phó giáo sư làm nghiên cứu là từ 45-60 tuổi” - GS Đặng Ứng Vận cho hay.

Nghịch lý giáo sư, phó giáo sư

Còn GS Phạm Tất Dong, nguyên trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam đang làm nghiên cứu thấp không liên quan đến việc bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư khi ứng viên đã lớn tuổi.

“Vấn đề là phong, công nhận nhiều vào những người không làm nghiên cứu. Tức là những người làm quản lý. Tôi nghĩ con số này có lý. Vấn đề là chúng ta đã phong không đúng người. Có những người được công nhận đủ tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư nhưng có đi giảng dạy hay đi làm nghiên cứu đâu. Chỉ khi nào giới thiệu chức danh mới biết” - GS Phạm Tất Dong nói.

GS Dong cung cấp thêm, có trường hợp là phó giáo sư mà ông biết suốt bao năm qua được công nhận nhưng không viết được một bài nghiên cứu khoa học nào, không đi giảng dạy một tiết học nào. Nhưng vẫn cứ giữ chức danh phó giáo sư, đi đến đâu không giới thiệu là không xong.

GS Phạm Tất Dong cũng nhấn mạnh đến điều kiện làm việc của giáo sư, phó giáo sư tại Việt Nam. Đây cũng là một hạn chế để giáo sư, phó giáo sư làm nghiên cứu. GS Dong cho hay ở các nước, các giáo sư thường được nhà nước giao đề tài, còn ở Việt Nam, giáo sư phải đi đấu thầu đề tài.  Hơn nữa, giáo sư ở các trường ĐH, các Viện nghiên cứu phải có phòng làm việc, phòng thí nghiệm riêng, có cộng tác viên để giúp việc. Giáo sư, phó giáo sư của Việt Nam phải làm từ A đến Z.

“Trong trường ĐH của Việt Nam có một thực tế, khi đã được bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, các thầy phải dạy quá nhiều. Lẽ ra sau khi bổ nhiệm, họ có nhiệm vụ chỉ đạo các ngành, điều hành công việc nghiên cứu, nhưng thực tế là họ bị “hút” vào công việc giảng dạy, không có thời gian để nghiên cứu” - GS Dong chia sẻ.

GS Dong một lần nữa cho rằng, với những giáo sư đầu ngành, nhà nước phải giao đề tài. Trong khi đó, lãnh đạo một trường ĐH cho rằng ngay trong một trường ĐH, lãnh đạo nhà trường cũng có thể biết được qua mỗi năm phó giáo sư, giáo sư của trường được công nhận ai thực sự có năng lực nghiên cứu, có nhu cầu làm nghiên cứu. 

“Có nhiều người, mình biết rằng họ chỉ làm công việc nghiên cứu được đến mức đó là dừng, họ không có khả năng để làm nghiên cứu tiếp. Nhưng có những người, mục đích để được công nhận giáo sư, phó giáo sư không phải là để làm nghiên cứu. Những vấn đề này, ở bất cứ một trường ĐH nào, lãnh đạo trường đều biết” - vị lãnh đạo này cho hay.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016, trong đó giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng 6,6%). Số giáo sư làm việc trong các trường ĐH là 574 người, số phó giáo sư là 4.113 người.

Liên quan đến điều kiện làm việc của giáo sư, phó giáo sư tại các trường ĐH, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã có quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020.

Trong quyết định này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu  trong tương lai gần các phó giáo sư và giáo sư đang làm việc tại các cơ sở đào tạo sư phạm trên cả nước sẽ được bố trí phòng làm việc riêng, ít nhất 10m2 /người. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ GD&ĐT cũng chưa có tổng kết hay có số liệu thống kê cụ thể về vấn đề này.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, thì tại một số trường ĐH sư phạm mới chỉ đảm bảo giáo sư có phòng làm việc riêng còn các phó giáo sư thì làm việc tại bộ môn hoặc một số phó giáo sư chung một phòng làm việc.

Nguyên nhân là do điều kiện cơ sở vật chất cũng như quan điểm của trường về việc bố trí phòng làm việc riêng cho phó giáo sư. Đối với các trường sư phạm, Bộ GD&ĐT có yêu cầu cụ thể về vấn đề này, với các trường ĐH khác, điều kiện làm việc của các giáo sư có lẽ cũng là bài toán đáng bàn. Và điều có thể dễ thấy nhất, đó là liệu mỗi giáo sư, phó giáo sư đã có một chỗ ngồi làm việc đúng nghĩa?

Năm 1960, Việt Nam có 29 giáo sư, trong đó có 14 giáo sư trong y học, còn 15 giáo sư là trong ngành khoa học công nghệ. Cho đến nay, sau hơn hơn 50 năm, cả nước có 1.600 giáo sư. Tuy nhiên, số giáo sư còn đang nghiên cứu chỉ khoảng 200-300.

Nghiêm Huê (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem