Cuốn sách của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn (trái) được cho là đạo văn từ luận án và luận văn của người khác.
Luận văn của sinh viên Cao Thị Thu được cho là đã được ông Nguyễn Đức Tồn "chép lại một phần".
Trao đổi với Dân Việt, PGS Tạ Văn Thông - người từng là Phó Bí thư Chi bộ Viện Ngôn ngữ học cũng đã khẳng định công trình Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác" của ông Nguyễn Đức Tồn đã đạo văn nhiều người khác.
PGS.TS Tạ Văn Thông cho biết từng công tác tại Viện Ngôn ngữ từ năm 1977 - 2008. Hiện ông đang làm việc ở Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.
Ông Thông nhớ lại ở thời kỳ đó, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (tên hiện nay - PV) đã phải họp khoảng 17 - 18 lần liên quan đến ông Nguyễn Đức Tồn, trong đó có nghi vấn đạo văn này.
Còn Chi bộ cơ sở Viện Ngôn ngữ học cũng phải họp hành thường xuyên, nhiều hơn so với số lần họp kể trên.
Thậm chí vào thời kì đó, ngay tại Viện Ngôn ngữ học còn có một phòng dành riêng trưng bày những bằng chứng, tài liệu liên quan đến những vụ việc nói trên để mọi người cùng tìm hiểu.
PGS.TS Tạ Văn Thông cho biết, trong những cuốn sách của ông Nguyễn Đức Tồn có nhiều chỗ giống với luận án của tác giả Nguyễn Thúy Khanh, bài báo của Nguyễn Thị Thanh Hà và luận văn của sinh viên Cao Thị Thu (đã công bố trước đó) về ý, về lời văn. Có một số chỗ thay đổi chút ít nhưng vẫn dễ dàng nhận ra.
“Trong đó có những chương sách và luận án giống nhau đến mức phải gọi là song sinh” – PGS Tạ Văn Thông nhận xét.
“Chính vì vậy, lần thứ nhất ông Nguyễn Đức Tồn đã không được xét phong Giáo sư. Thế nhưng, chưa rõ vì sao đến năm 2008 ông Nguyễn Đức Tồn vẫn được phong hàm Giáo sư, chưa ai giải thích được điều đấy?" ông Thông đặt câu hỏi.
Ông Tạ Văn Thông cho rằng: “Nếu đúng như tài liệu đã công bố thì ông Tồn không thể được phong làm Giáo sư ở lần xét thứ hai (sau lần một), vì lần hai vẫn là những công trình bị nghi đạo văn ấy. Đây là một điều thực sự khó hiểu cho đến nay tôi chưa rõ.
Người ta nói nhà khoa học phải đứng trên vai người khác. Nhưng cách “đứng trên vai” không phải như thế, không thể sao chép văn người khác làm nghiên cứu của mình, lấy chỗ nọ đặt vào chỗ kia, mà không có ghi chú nào cả.
Ngay với giải thích sau này của ông Tồn rằng giống nhau như thế là do luận án của nghiên cứu sinh trước đó mình hướng dẫn, mình đã “cho”, cũng không chấp nhận được.
Bởi khi khi thực hiện khóa luận hay luận văn luận án thì người học (sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh) phải tự làm, thầy không thể nhận đã “làm thay” nghiên cứu sinh hay “cho mượn”, rồi sau đó “lấy lại”.
Nếu vậy, thầy có thể “lấy lại” tất cả các công trình khoa học mà học viên đã cam kết là “của riêng tôi”. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, điều này khó có thể chấp nhận”.
“Tôi không có thù oán, khúc mắc với bất kì ai, chỉ mong những cá nhân có liên quan đến sự việc này hãy đặt đại cục lên trên cá nhân. Trước hết, cần làm rõ sự thật và tôn trọng sự thật, tránh gây xì xào, nửa tin nửa ngờ và mất lòng tin trong cơ quan và trong ngành Ngôn ngữ học” – PGS Tạ Văn Thông.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.