PV Dân Việt đã phỏng vấn PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học để làm rõ hơn nghi vấn Giáo sư Nguyễn Đức Tồn “đạo văn” của học trò.
Ông biết đến thông tin Giáo sư Nguyễn Đức Tồn bị nghi đạo văn của học trò từ bao giờ?
Tôi đã biết việc này từ rất lâu, không chỉ dưới góc độ là người nghiên cứu về ngôn ngữ học mà còn là một người công tác tại Viện ngôn ngữ từ tháng 3.2003 đến tháng 8.2008. Thời gian công tác tại Viện ngôn ngữ tôi làm Trưởng ban Thanh tra nhân dân nên đã nhận được đơn thư phản ánh. Thực ra, những phản ánh này đã có từ trước (được lưu lại trong hồ sơ của Ban Thanh tra đợt trước). Việc của ông Nguyễn Đức Tồn đạo văn học trò, người không ở Viện Ngôn ngữ cũng biết.
Việc một vị từng làm Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học vốn là người cần phải hết sức gương mẫu, phải có thái độ hết sức nghiêm túc lại làm một việc trái với mọi nguyên tắc trong nghiên cứu khoa học.
Thưa Tiến sĩ, vì sao ông cho rằng ông Nguyễn Đức Tồn đã “đạo văn”?
Cuốn sách “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (Trong sự so sánh với những dân tộc khác)” NXB Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2002, cùng cuốn “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở” NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tháng 5.2001 của ông Nguyễn Đức Tồn vẫn còn đó, giấy trắng mực đen rõ ràng. “Đạo” được hiểu là lấy ý tưởng, nội dung của người khác một cách bất hợp pháp, không chú dẫn, coi là của mình.
Sách của ông Tồn lấy từ khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Cao Thị Thu, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh Nguyễn Thúy Khanh. Ai đọc đều thấy rõ, giấy trắng mực đen là đạo văn. Số lượng văn bản trong cuốn sách của ông Tồn sao chép từ luận án, luận văn của người khác nhiều chưa từng có.
PGS.TS Phạm Văn Tình – Tổng Thư ký Hội ngôn ngữ học cho rằng rõ ràng ông Nguyễn Đức Tồn đã "đạo văn"
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Tồn đã bác bỏ cáo buộc đạo văn, cho rằng đã sử dụng lại chính nghiên cứu của mình?
Tôi được biết ông Tồn cũng đã đưa ra lời giải thích rằng nội dung luận án tiến sĩ đã được ông Tồn thực hiện bên Nga, sau đó những người kia đọc được mới lấy lại. Rồi ông Tồn lại sử dụng trong cuốn sách của mình. Theo tôi, giải thích này không thỏa đáng, cần phải làm rõ được hai điều.
Một là phải chứng minh nội dung in trong sách nguyên văn trong bản tiếng Nga dịch sang tiếng Việt. Thế nhưng dù đúng như vậy, ông Tồn cũng đã sai. Bởi nếu anh là người dịch, người khác sử dụng anh phải biết chứ. Nếu như vậy luận án, luận văn do nghiên cứu sinh, sinh viên đó làm là phạm quy. Trong khi anh là người hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hiện luận án. Nếu luận án có nội dung lấy lại chủ yếu của anh thì còn gì là luận án nữa. Sự sai phạm này liên quan tới NCS và luận án Tiến sĩ của Nguyễn Thúy Khanh sẽ bị bác. Bây giờ xem lại, có thể tước bằng TS. Hơn nữa, người ta có thể đánh giá tư cách người thầy, không có thầy nào làm điều đó cả.
Hai là tính trung thực, đến bây giờ ông Tồn vẫn đang chống chế khi đẩy cho người khác lấy của mình. Khi luận án đã được bảo vệ thành công, đó là tài sản của người đã công bố. Về nguyên tắc, tài liệu nào công bố trước là tài liệu gốc, anh công bố sau mà giống của người trước, không có chú dẫn, nghĩa là đạo văn. Trong trường hợp ông Nguyễn Đức Tồn, có sự vi phạm bản quyền và không trung thực.
Tôi nhấn mạnh, đối với người nghiên cứu khoa học, tính trung thực là số 1. Bởi anh có quyền sử dụng chất xám người khác nhưng chỉ có mức độ và phải chú nguồn. Theo quy định của luận án, nếu trích dẫn từ 4 dòng trở lên phải thụt đầu dòng vào, không được trích dẫn quá nửa trang, phải đưa vào trong ngoặc kép và phải ghi xuất xứ. Trong nghiên cứu khoa học, chỉ cần một công trình lấy của người khác chỉ cần nửa trang không ghi xuất xứ đã có thể quy tội được rồi. Nếu đến 5-7 trang là vi phạm rất nặng!
Ngay cả khi bỏ qua trường hợp ông Tồn nói luận án của Nguyễn Thúy Khanh chép từ luận án của ông nên ông lấy lại cho vào sách của mình, thì việc sao chép công trình của Nguyễn Thanh Hà và Cao Thị Thu (đều rất nhiều) thì ông Tồn giải thích ra sao? Chỉ một trong hai trường hợp này cũng đã mắc lỗi nặng.
Trang 118 trong sách của ông Nguyễn Đức Tồn, có nhiều đoạn giống y chang luận án của nghiên cứu sinh đã ra đời trước đó 6 năm
Ông có rõ nguyên nhân vì sao sau này dù vẫn trình công trình nghiên cứu bị nghi đạo văn, ông Nguyễn Đức Tồn vẫn được phong hàm Giáo sư hay không?
Hội đồng chức danh Giáo sư cấp cơ sở trong năm 2002 đã không thông qua hồ sơ của ông Tồn, do nhiều yếu tố, trong đó có việc đạo văn kể trên. Nhưng đến Hội đồng lần sau, hồ sơ của ông Tồn lại được cho qua. Đây là vấn đề khá khó hiểu, đến nay tôi vẫn chưa rõ tại sao.
Sau đó, năm 2015, ông Nguyễn Đức Tồn cũng có trình một số công trình, trong đó có công trình bị nghi đạo văn dự Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng Hội đồng cơ sở đã bác.
Theo tôi, một khi đã vi phạm việc đạo văn, xét ở góc độ người nghiên cứu khoa học đã không xứng đáng rồi. Một sinh viên làm luận văn vi phạm chắc chắn bị đánh trượt, một người làm luận án Tiến sĩ cũng chắc chắn bị đánh trượt, tước bằng. Còn với học hàm học vị cao như Giáo sư càng không ai thừa nhận.
Tôi đề nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước cần xem xét lại trường hợp của Giáo sư Nguyễn Đức Tồn, nhiều người cũng có ý kiến như tôi. Đây là cách tốt nhất để làm minh bạch, trong sạch đội ngũ trí thức hiện nay.
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Phạm Văn Tình.
Ngày 2-3, TS Đặng Công Tráng, Trưởng khoa Luật Trường ĐH Công nghiệp TP HCM đã có đơn xin rút tên trong danh sách phó giáo...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.