Nghiêm ngặt giữ nguyên kiến trúc thành nhà Hồ

Thứ tư, ngày 29/06/2011 06:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới là niềm tự hào, cùng với đó, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích cũng đang trở nên nóng hơn.
Bình luận 0

Đừng can thiệp sâu vào kiến trúc

Để bảo tồn, tôn tạo, tu bổ Thành nhà Hồ, ngày 21.9.2010, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ trên cơ sở BQL di tích Thành nhà Hồ. Từ khi thành lập, trung tâm đã khảo cổ tổng thể di tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông phát hiện hàng nghìn di vật và kiến trúc cổ thời Trần, Hồ và Lê như: Sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá.

Cùng với khảo cổ, khai quật Đàn tế Nam Giao, Giếng Vua, La Thành, tu bổ di tích lịch sử văn hóa đền thờ, bia ký nàng Bình Khương… là việc xây dựng một nhà trưng bày và nhà làm việc thích hợp trong khu vực để lưu trữ và giới thiệu tài liệu, hiện vật sưu tầm cho du khách.

img
Cổng Nam của Thành nhà Hồ- Di sản văn hóa thế giới ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.

Theo ông Lê Quang Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc, hiện nay huyện đã phối hợp với trung tâm bảo vệ các di tích động sản, bất động sản... ngăn chặn mọi hành vi xâm hại đến di tích, tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo vệ.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, hiện trạng của quần thể Thành nhà Hồ vẫn còn khá nguyên vẹn. Nếu can thiệp quá sâu về kiến trúc, sẽ dễ dẫn đến phá vỡ cảnh quan. Do đó, công việc cần thiết hiện nay là bảo vệ và giữ gìn Di sản văn hóa thế giới này theo nguyên trạng.

Chỉ phát triển không gian phụ trợ

Thành nhà Hồ (còn gọi là thành Tây Đô), tọa lạc tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, (Thanh Hóa), do Vua Hồ Quý Ly cho xây dựng năm 1397. Kỹ thuật xây dựng đá lớn độc đáo duy nhất của VN được thấy ở đây đã được kết hợp sáng tạo, tài tình với truyền thống kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng ở VN, Đông Á và Đông Nam Á với một hệ thống thao tác kỹ thuật thủ công liên hoàn như khai thác đá, gia công đá, vận chuyển các khối đá nặng từ 10-26 tấn. Xử lý móng nền đá, nâng các khối đá lớn lên độ cao trên 10m...

Trao đổi với Dân Việt sáng 28.6 qua điện thoại từ Pháp, ông Vương Văn Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn tham dự cuộc họp lần thứ 35 Ủy ban Di sản văn hóa thế giới tại Paris, cho biết: “Tới đây, chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện nguyên tắc bảo vệ, quản lý di sản Thành nhà Hồ theo đúng Công ước quốc tế về di sản văn hóa. Đồng thời sẽ xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản văn hóa này, để giữ nguyên giá trị của Thành nhà Hồ là một di sản văn hóa đã được thế giới công nhận”.

Ông Lê Quang Tuấn chia sẻ: Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới là niềm vinh dự, không chỉ của huyện Vĩnh Lộc, người dân Thanh Hóa, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc VN. Là địa phương có di sản văn hóa thế giới, chúng tôi sẽ thực hiện tốt những quy định nghiêm ngặt trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của di sản.

“Trong tương lai gần, Vĩnh Lộc sẽ là điểm đến của du khách nhiều nơi. Do đó, huyện đã có kế hoạch phát triển không gian văn hoá phụ trợ của di tích như khôi phục những làng nghề thủ công truyền thống, trong đó sản vật đặc sản là chè lam Phủ Quảng, để phục vụ du khách khi đến tham quan di sản này”- ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem