Một nghiên cứu năm 1993 về đời sống tình dục của loài chuột đã nhận được giải Ig Nobel Sinh sản năm nay (Ảnh: Annals of Improbable Research)
Nghiên cứu khoa học về việc những chiếc quần làm bằng polyester ảnh hưởng đến đời sống tình dục của chuột như thế nào là một trong nhiều tác phẩm khoa học được vinh danh tại giải thưởng Ig Nobel năm nay.
Giải thưởng Ig Nobel lần thứ 26 được tổ chức tại trường Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts nước Mỹ ngày 22.9. Một nhóm các nhà khoa học đoạt giải Nobel “xịn” đã đến để trao thưởng cho những những thành tựu khoa học, nhân văn hài hước và bất ngờ.
Giải Ig Nobel là giải thưởng nhái lại giải Nobel, được trao tặng vào đầu mùa thu hàng năm, gần với thời gian mà giải Nobel chính thức được công bố. Ig Nobel tôn vinh 10 thành tựu có thể gây cười lúc ban đầu, nhưng sau đó sẽ khiến chúng ta phải suy ngẫm. Mục đích chính của giải là tạo không khí vui vẻ nhằm khuyến khích nghiên cứu. Tên gọi của giải thưởng này bắt nguồn từ một từ tiếng Anh “ignoble” (ti tiện, thấp hèn).
"Giải thưởng được trao cho những thứ khá bất thường", Marc Abrahams, biên tập viên của tạp chí Annals of Improbable Research, và cũng là người dẫn chương trình buổi lễ trao giải nói.
Atsugi Higashiyama đến từ Nhật Bản nhận giải Ig Nobel Nhận thức cho một nghiên cứu về sự khác nhau của vật thể khi nhìn mọi thứ qua “háng” (Ảnh:Reuters)
Ig Nobel cũng có một đặc điểm khác lạ nữa đó là yếu tố “phi thời gian”. GIải Ig Nobel Sinh sản năm nay được trao cho nhà khoa học quá cố Ahmed Shafik của Ai Cập, người qua đời năm 2007. Năm 1993, ông đã công bố một tài liệu khoa học kết luận rằng chuột mặc quần vải polyester hoặc polyester pha với cotton sẽ ít quan hệ tình dục hơn những con mặc quần cotton, quần len hoặc không mặc quần.
Tài liệu cũng cho rằng "trường tĩnh điện" tạo ra bởi quần polyester có thể khiến chuột bị “bất lực”.
"Chúng tôi chưa bao giờ nghe nói về bất cứ ai nghiên cứu rất cẩn thận về chuyện gì xảy ra với đời sống tình dục của chuột nếu chúng mặc quần", Abrahams nói.
Thomas Thwaites lên nhận giải Ig Nobel Sinh học (Ảnh:Reuters)
Ông đã sáng chế ra một bộ chân giả, dài hơn chân người thường, để sống như một con dê ở Thụy Sĩ (Ảnh: BBC)
Giải Ig Nobel Sinh học năm nay thuộc về 2 người Anh. Charles Foster, đến từ Đại học Oxford, được vinh danh cho cuốn sách "Being a Beast", ghi lại trải nghiệm của ông trong thời gian sống như một con lửng, bao gồm việc đào một cái hang để ngủ và ăn sâu.
Tác phẩm của Thomas Thwaites cũng khá tương đồng. Ông đã sáng chế ra một bộ chân giả, dài hơn chân người thường, để sống như một con dê ở Thụy Sĩ.
Atsuki Higashiyama và Kohei Adachi đến từ Nhật Bản đoạt giải Ig Nobel Nhận thức cho một nghiên cứu về sự khác nhau của vật thể khi nhìn mọi thứ qua “háng”.
Màn ném máy bay giấy truyền thống của lễ trao giải Ig Nobel (Ảnh:Reuters)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.