Bệnh nhân được chuyển đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sáng 31.12.2015 trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử bị tăng huyết áp, sỏi thận. Bác sĩ Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu bệnh viện cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc methanol, nguy cơ tử vong cao do hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng nề... Các bác sĩ đang điều trị tích cực, lọc máu liên tục.
Bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Theo người nhà, trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đã uống rất nhiều rượu. Chiều 30.12.2015, anh có biểu hiện nhìn ngày càng mờ, sau đó rối loạn ý thức.
Gia đình đưa anh đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khi đã hôn mê sâu, huyết áp tụt, đồng tử dãn. Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy, chẩn đoán hôn mê gan và chuyển đến khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ, các ca ngộ độc methanol vẫn rải rác xảy ra quanh năm, đặc biệt gia tăng vào dịp gần Tết. Ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong. Sau 1-2 ngày uống rượu ngộ độc methanol, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm, thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Để phòng ngộ độc rượu nên hạn chế uống rượu, nếu uống thì phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không đáp, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Hà An (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.