Thương lục có độc ở tất cả các bộ phận
Thương lục, còn gọi Bạch Mẫu Kê, Sơn La Bạc, Dã La Bạc, Kim Thất Nương, Trưởng Bất Lão, có tên khoa học Phytolacca acinosa Roxb. (Phytolacca esculenta Van Houtte). Loài cây này xuất xứ ở Bắc Mỹ, được thuần hoá ở Âu châu và nhiều nước khác.
|
Hũ rượu ngâm củ thương lục bị nhầm tưởng “nhân sâm Hàn Quốc” đã gây ngộ độc cho sáu người ở huyện Đak Đoa, Gia Lai ngày 4.7 vừa qua. Ảnh: Nguyễn Giác |
Cây mới du nhập vào Việt Nam khoảng mười năm trở lại đây. Trước đó, tại Việt Nam cũng có sẵn một loài thương lục, ít phổ biến hơn, có tên khoa học Phytolacca decandra L., còn gọi thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.), dân gian quen gọi “sâm voi” vì cây mau lớn, sau 6 – 7 tháng cho rễ củ to bằng cổ tay, rất giống củ sâm.
Nhận diện cây thương lục
Cây thảo sống nhiều năm, cao tới 1,5m. Rễ củ mập. Thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh. Lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12 – 25cm, rộng 5 – 10cm, cuống lá 3cm, đầu lá nhọn tù, gốc lá nhọn.
Chùm hoa đối diện với lá nhưng không gắn trước lá, cao 15 – 20cm, 5 lá đài trắng, nhuỵ 8, lá noãn 8 – 10. Quả mọng, hình cầu dẹt, có 8 – 10 quả đại với vòi nhị tồn tại, khi chín có màu tía đen, hạt đen, dẹp, hình thận hay tròn.
Một số người đã đào rễ về, cắt bỏ rễ con, rửa sạch, cắt rễ củ thành lát, đem phơi khô hay âm can. Có người muốn cho mùi vị rễ giống mùi nhân sâm, đem rễ ngâm vào rượu 40 độ có pha mật ong.
Thương lục là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy trong rễ củ, quả, lá… thương lục có một chất độc, đắng, gọi là phytolaccatoxin.
Khi ăn phải lượng nhiều sẽ có cảm giác tê môi, đầu lưỡi; đau bụng, vã mồ hôi, giãn đồng tử, tăng tiết đờm nhớt, nôn mửa, tụt huyết áp, co giật, liệt hô hấp, hôn mê và có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Ngoài ra, trong rễ còn có steroid saponin (chất này được cho là có tác dụng diệt tinh trùng), nhiều muối kali nitrat, axít oxymyristinic,... quả thương lục chứa axít phytolaccic, tanin, sáp, chất béo, pectin, chất nhầy, glucose, các protid, anthocyanosid...
Trong lá thương lục có glucoside (cũng là độc chất), flavonoid, vitamin C... Thương lục có tác dụng long đàm nhưng không giảm ho suyễn; ức chế với mức độ khác nhau đối với một số trực khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da; nâng cao tính miễn dịch của cơ thể...
|
Cây thương lục |
Loại thuốc hạ phẩm trong đông y
Thương lục là vị thuốc được dùng từ lâu đời trong y học cổ truyền phương Đông. Trong tài liệu sách thuốc đầu tiên của y học cổ truyền Thần Nông bản thảo kinh, xuất hiện cách đây gần 2.000 năm, đã ghi chép tỉ mỉ vị thuốc thương lục nhưng xếp chúng vào nhóm hạ phẩm, nghĩa là có tác dụng chữa bệnh nhưng cũng có độc tính. Theo đó, thương lục vị đắng, tính hàn, có độc, quy kinh phế thận đại tràng, lợi niệu trục thuỷ, tiêu thũng tán kết, chủ trị các chứng thuỷ thũng, phức thuỷ, ung thũng (dùng ngoài)…
Trong hầu hết các tài liệu dược học của Việt Nam khi viết về cây thuốc thương lục đều có lưu ý phải rất thận trọng khi sử dụng. Trong sách Trồng hái và dùng cây thuốc của tác giả Lê Trần Đức, lưu ý: “Hiện nay củ thương lục được bán ở Hà Nội và chở vào miền Nam bán với tên giả mạo hồng sâm hay phòng sâm. Củ thương lục chính là một vị thuốc công hạ mãnh liệt, có thể gây sẩy thai...
Dù người khoẻ mạnh mà dùng luôn thì cũng tổn thương gân cốt và hại thận”. Trong đông y, thương lục tuy là vị thuốc chữa một số bệnh nhưng không được chỉ định dùng nhiều và lâu dài. Đặc biệt phải hết sức lưu ý, không dùng thương lục cho phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược. Do cây có độc nên khi sử dụng rất cần hướng dẫn của thầy thuốc. Tự ý dùng có thể gây bệnh và nguy hiểm tính mạng.
Theo SGTT
Vui lòng nhập nội dung bình luận.