Mưu thần, trí thánh, Trần Thủ Độ quê Thái Bình với công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp, giữ nghiệp nhà Trần

Chủ nhật, ngày 10/03/2024 13:19 PM (GMT+7)
Thái sư Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194 - 1264) ở vùng đất Hải Ấp, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là trụ cột, là linh hồn kỳ vĩ trong công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần.
Bình luận 0
Thái sư Trần Thủ Độ sinh năm Giáp Dần (1194 - 1264) ở vùng đất Hải Ấp, nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là trụ cột, là linh hồn kỳ vĩ trong công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp và giữ nghiệp của vương triều Trần.

Theo các nguồn sử liệu thì tổ tiên họ Trần làm nghề chài lưới, suốt tháng quanh năm vào sông ra bể, khi ngược Đông Triều (nay thuộc Quảng Ninh), lúc xuôi Tức Mặc (nay thuộc Nam Định). 

Đến năm Quý Sửu (1133), Trần Hấp thấy vùng Hải Ấp là nơi cát địa, bèn di dời mộ tổ về đặt ở Mả Sao, hương Thái Đường, nay thuộc huyện Hưng Hà rồi lên bờ định cư, phát nghiệp nông tang, sinh ra Trần Lý và trở nên giàu có. 

Từ vùng quê này, Trần Lý đã cùng các con trai của mình là Trần Thừa, Trần Tự Khánh và cháu thúc bá là Trần Thủ Độ từng bước tiến thân vào vũ đài chính trị.

Vào năm Kỷ Tỵ 1209, dưới thời Lý Cao Tông, binh biến xảy ra tại kinh thành Thăng Long. Vương triều nghiêng ngả. Giặc Quách Bốc đánh chiếm kinh thành và dựng con nhỏ của Lý Cao Tông lên làm ngụy vương. 

Tô Trung Từ là em vợ của Trần Lý cùng anh em, con cháu họ Trần đã mở đường đưa Cao Tông đi trốn ở vùng Quy Hóa, đưa hoàng tử Sảm về lánh nạn ở nhà Trần Lý tại thôn Lưu Gia, miền Hải Ấp. Duyên trời và mưu người sắp đặt, hoàng tử Sảm đã lấy Trần Thị Dung, con gái Trần Lý làm vợ.

Mưu thần, trí thánh, Trần Thủ Độ quê Thái Bình với công cuộc sáng nghiệp, hưng nghiệp, giữ nghiệp nhà Trần- Ảnh 1.

Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ đặt tại xã Phù Ngự, nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà (tỉnh Thái Bình), cận kề với lăng mộ Linh Từ Quốc Mẫu.

Trần Thủ Độ cùng anh em, con cháu họ Trần ở Hải Ấp đã tập hợp hương binh dẹp loạn Quách Bốc, lấy lại kinh thành, đón Cao Tông và hoàng tử Sảm về cung. 

Cao Tông nhường ngôi cho hoàng tử Sảm, miếu hiệu Huệ Tông. Trần Thị Dung được đón về cung phong làm hoàng hậu. Lý Huệ Tông cùng hoàng hậu Trần Thị sinh được hai công chúa là Thuận Thiên và Phật Kim rồi mang bệnh trọng. 

Vào thời điểm ấy, mọi công việc triều chính đều dưới sự điều hành của Trần Tự Khánh và anh em nhà họ Trần. Sau khi Tự Khánh mất, mọi công việc của triều đình đều do quan Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ định liệu.

Bằng mưu thần, trí thánh, Trần Thủ Độ đã cùng Trần Thị Dung sắp đặt chuỗi sự kiện lịch sử để làm cuộc chuyển giao vương triều từ họ Lý về cho họ Trần; từ sự kiện Lý Huệ Tông truyền ngôi cho công chúa Phật Kim miếu hiệu Chiêu Hoàng đến sự kiện Chiêu Hoàng thành thân với Trần Cảnh khi chưa đầy 10 tuổi và chung cục là sự kiện Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh…

Trần Cảnh là cháu đời thứ tư của dòng họ Trần từ vùng quê Long Hưng lên ngôi ở tuổi ấu thơ. Mọi việc triều chính đều phải cậy nhờ vào Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ. 

Sau khi Lý Huệ Tông băng hà, hoàng hậu Trần Thị Dung đổi làm Thiên Cực công chúa và thành thân với Trần Thủ Độ. Trần Thái Tông phong cho bà là Linh Từ Quốc Mẫu. 

Bằng thiên tài kinh bang tế thế kiệt xuất, Thái sư đã cùng Linh Từ toàn tâm, toàn ý chăm lo hưng nghiệp và giữ nghiệp vương. 

Khi luận định về hai vị có công đầu sáng nghiệp nhà Trần, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả...” và “Trời sinh ra Linh Từ để mở nghiệp nhà Trần”.

Những năm đầu triều Trần, Thái sư Trần Thủ Độ đã triển khai hàng loạt giải pháp để chấn hưng đất nước như: xây dựng bộ máy trung ương tập quyền vững mạnh, thống nhất từ triều đình đến làng xã; thiết định kỷ cương, đề cao pháp chế, định ra luật lệ, điển chương, đặt lệ thi cử kén chọn người tài giỏi...

Cùng với đẩy mạnh công cuộc trị thủy, khẩn hoang, khuyến khích phát triển nông nghiệp, triều Trần đã sớm chăm lo xây dựng quân đội, dự trữ lương thảo, sẵn sàng đối phó khi giang sơn có biến.

Khi giặc Nguyên tràn sang xâm lược, bằng thiên tài quân sự của mình, với trọng trách là Thống quốc Thái sư, Trần Thủ Độ đã chủ động sắp đặt để nhà Trần triển khai kế sách “vườn không nhà trống”, “ngụ nông ư binh”. 

Vùng đất Long Hưng là nơi tựa dựa để triển khai kháng chiến. Triều đình đã giao cho Trần Thị Dung đưa hoàng thân, quốc thích về sơ tán tại quê cha, đất tổ. 

Nơi đây cũng là địa bàn chiến lược mà nhà Trần đã chăm lo xây dựng thành một phòng tuyến hiểm yếu để triển khai thế trận thủy chiến và cũng là một hậu phương vững chắc để huy động binh lương phục vụ cho kháng chiến.

Giặc Nguyên hung hãn, thế như chẻ tre tiến thẳng vào kinh thành Thăng Long, Trần Thái Tông phải cùng các quần thần xuôi thuyền lánh tạm xuống vùng hạ lưu. 

Trong tình thế hiểm nghèo, quan trong triều đã có người nao núng, Thái Tông hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, ông đã đáp lời vua: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”. Câu nói bất hủ này có sức mạnh hơn cả vạn binh, góp thêm phần làm bừng lên hào khí Đông A, củng cố ý chí của quân dân Đại Việt quyết đánh, quyết thắng giặc Nguyên và Trần Thủ Độ đã trở thành linh hồn của cuộc kháng chiến.

Cuộc đời Trần Thủ Độ là cuộc đời của một con người tài ba, thao lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế, có bản lĩnh chính trị và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, quả quyết theo ý chí của mình, ít khi để cho tình cảm sai khiến nhằm cai trị đất nước một cách nghiêm minh nhất.

Gần 800 năm qua, nhiều nhà sử học ở các thời đại đã thừa nhận và đánh giá cao về tài năng và tâm đức của Trần Thủ Độ. 

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã có nhiều trang dòng luận bình về Trần Thủ Độ trong bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư: “Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài lược hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua”; “Thủ Độ tuy làm tể tướng mà phàm công việc không việc gì là không để ý. Vì thế mà giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết”...

Sau khi Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ qua đời, triều đình truy tặng Thượng phụ Thái sư Trung Vũ Đại Vương. Lăng mộ đặt tại xã Phù Ngự, nay thuộc xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà, (tỉnh Thái Bình) cận kề với lăng mộ Linh Từ Quốc Mẫu. 

Nhiều làng quê khác trong nước cũng đã tôn thờ ông làm Thành hoàng tại đình làng hoặc lập đền miếu thờ ông. 

Cho đến nay, những nơi thờ ông trên các miền đất nước đều đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Tại ngôi đền thờ ông trên đồi Lim (Bắc Ninh) có đôi câu đối:

Công đáo vu kim bất đãn Trần gia nhị bách tải,

Luận định thiên cổ kỳ tại Nam thiên đệ nhất lưu.

Nghĩa là:

Công đức để lại đến nay không chỉ bó hẹp trong hai trăm năm nhà Trần,

 Sau nghìn đời công luận đã định ông đáng liệt vào bậc nhất dưới trời Nam.

Những thập niên gần đây, khu lưu niệm Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp, huyện Hưng Hà đã từng bước được tôn tạo khá khang trang. Tại thành phố Thái Bình và ba thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều đã có đường mang tên Trần Thủ Độ.

Nguyễn Thanh (Báo Thái Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem