Ngôi chùa cổ ở Thủ đô được ví như một bức tranh "sơn thủy hữu tình"
Ngôi chùa cổ ở Thủ đô được ví có phong cảnh như bức tranh "sơn thủy hữu tình"
Song Phúc – Duy Huy
Chủ nhật, ngày 02/07/2023 15:10 PM (GMT+7)
Đến với chùa Trầm (Hà Nội), người dân sẽ bắt gặp một phong cảnh non nước hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc, với bóng núi ôm sông, các con đường nhỏ uốn lượn và hàng cây cổ thụ xanh mát vi vu đón gió....
Video chùa Trầm nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn. Thực hiện: Song Phúc - Duy Huy.
Ngôi chùa đi cùng lịch sử
Chùa Trầm tọa lạc trên núi Trầm hay còn gọi là Tử Trầm Sơn, là một quần thể nhiều ngôi chùa thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, cách trung tâm Hà Nội khoảng 24 km về phía Tây.
Theo sử sách ghi lại, chùa Trầm được xây dựng vào thế kỉ 16, năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) do Tướng quân Trần Văn Tăng khởi dựng. Ngôi chùa mang tên gọi của ngọn núi nơi nó dựa vào, là "Tử Trầm sơn". Xưa kia, nơi này là hành cung của vua Lê, chúa Trịnh, với lợi thế khung cảnh yên tĩnh, thanh tịnh của sông Đáy, núi Trầm.
Theo lời ông Đặng Đình Điền - Trưởng Ban Quản lý di tích chùa Trầm, ngôi chùa này có từ mấy trăm năm, được mệnh danh là một trong tứ đại danh thắng xứ Đoài.
Ngôi chùa gắn liền với cuộc sống nhiều đời của làng này, luôn là nơi người dân bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng với các vị thần linh.
Chùa Trầm nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan mê hồn, bởi tọa lạc trên ngọn núi Trầm, đột khởi giữa vùng đồng bằng màu mỡ, với núi, non, sông, nước gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông.
Chùa Trầm được coi là một trong bốn ngôi chùa thiêng thuộc hàng "tứ đại danh thắng của xứ Đoài", bên cạnh các chùa như: chùa Trăm Gian, chùa Thầy và chùa Tây Phương. Ngôi chùa mang đậm dấu ấn kiến trúc văn hóa tâm linh đặc trưng của cư dân đồng bằng Bắc Bộ.
Chùa Trầm tuy nhỏ, nhưng lại mang vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm với thế "tọa sơn quan thủy", lưng tựa núi, trước mặt nhìn ra hồ sen bát ngát, xung quanh được bao bọc bởi những tán cây rừng dày đặc, xanh mát,...
Đậm dấu ấn kiến trúc cư dân đồng bằng Bắc Bộ
Ông Đặng Đình Điền cho biết thêm, ngôi chùa đã qua nhiều lần trùng tu và hiện nay còn giữ được nhiều tượng Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18-19 với những nét chạm khắc công phu, tinh tế. Đến đây, du khách không chỉ được thắp hương lễ Phật mà còn được chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên đặc sắc xung quanh quần thể kiến trúc của chùa.
Cổng chùa Trầm dẫn thẳng vào một sân gạch rất rộng, nhuốm vẻ u tịch dưới bóng núi và tán lá các cổ thụ. Bước qua lớp bậc đá đầu tiên, du khách mới lên tới sân của chùa chính, sân lát gạch đỏ trang trí cây cảnh hai bên.
Tòa Tam bảo được xây theo kiểu hình chữ "Đinh" ở mé trái sân, khách lên phải leo qua ba thềm gạch cao tổng cộng 17 bậc. Lên bậc tam cấp bước vào nhà Trung điện 5 gian mái ngói, hàng cột hiên được dựng bằng đá vô cùng vững chắc.
Bên trong thượng điện bài trí trang nghiêm, hệ thống tượng Phật khá đầy đủ, sinh động. Nhìn từ xa ngôi chùa nằm thu mình bên cạnh núi, cảm giác như nhỏ bé nhưng kết cấu "thượng thu hạ thách" lại vững như bàn thạch.
Đi tiếp vào là Hậu cung - nơi tôn nghiêm người ngoài không được phép tự ý vào. Thường chỉ những ngày mùng một, rằm, lễ tết sư thầy mới mở cửa Hậu cung để vào bao sái, quen dọn, thực hành cúng lễ.
Bên trong chùa có nhiều đồ thờ quý giá, cũng như các lối kiến trúc độc đáo với nhiều mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, trên bức khảm. Ngoài ra còn có nhiều di vật đặc trưng như: Các cặp câu đối, hoành phi sơn son thiếp vàng, án thờ, ngai thờ, tượng phật …
Ghé vào chùa Trầm nhân dịp cuối tuần cùng gia đình, anh Đào Xuân Bách (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: "Đặt chân đến cổng, mình đã cảm nhận được không khí trong lành, yên bình nhưng không kém phần trang nghiêm, cổ kính. Chùa Trầm vừa là địa điểm tâm linh vừa là nơi chúng tôi thường chọn lui tới, đến với không gian núi rừng trong những ngày nóng của Thủ đô".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.