Ngôi làng vùng biên viễn

XuânTrường - Phan Phương Thứ năm, ngày 20/02/2014 10:07 AM (GMT+7)
Nằm giữa đất nước, ngay trên Quốc lộ 1, trùng tuyến thiên lý mã ngày xưa nhưng theo tiến sĩ sử học Nguyễn Quang Thái, làng Cao Lao Hạ quê hương nhà thơ Lưu Trọng Lư là một ngôi làng mang đặc thù vùng biên viễn.
Bình luận 0
Sống hòa thuận với “ma”

Trong lịch sử mở mang bờ cõi về phương Nam, làng Cao Lao Hạ (xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) là mảnh đất đẫm đầy nước mắt của những cư dân nước Việt, khi đặt chân lên bến bờ đầu tiên nơi bờ Nam sông Gianh, ngoảnh nhìn lại thấy đất Bắc đã khuất dạng hoàn toàn sau dãy Hoành Sơn.

Cao Lao Hạ như điểm nút ly - hợp của cộng đồng người Việt, ngôi làng ấy cũng thật lạ, rất khó tìm thấy trên toàn đất nước một bản sao nào như thế.
Đường làng (Nguồn ảnh: Web Caolaoha)
Đường làng (Nguồn ảnh: Website Caolaoha)
“Đất này nhiều ma lắm - cụ Lê Văn Viên 79 tuổi- cựu giáo chức làng Cao Lao Hạ kể với chúng tôi- Nhưng dân đây không sợ ma mà tôn trọng, trẻ con thì còn đùa với ma”. Xưa, thời cụ Viên còn là trẻ trâu, thường tụ nhau ngoài đồng chơi trò nường roi. Đại thể chọn đám đất hoang, có nhiều mô đất nhỏ như mồ mả, mà cũng có thể là mả cũ thật, vô chủ hay năm tháng quên đi không người chăm.

Đám trẻ chừng chục đứa, chọn một đứa “nhẹ vía” bịt mắt cầm roi ngồi giữa vòng, một đứa đứng hát cho đứa trẻ nhẹ vía ấy lên đồng, cầm roi chạy đuổi cả đám mà quất. Đuổi nhau tít mù, cười nghiêng ngả, chạy mệt, đồng tự thăng. Nhưng cũng có trường hợp đồng nhập sâu quá, không “thăng” cho… hãi, cả hội lại xúm vào đuổi ngược lại để bắt đứa trẻ nhập đồng, đè ra… tè vào mặt. Có đứa ngất ngư mấy ngày, người lớn quát nạt, sợ cũng được mấy ngày, rồi lại chơi tiếp. Trò này thất truyền đến mấy chục năm chỉ người già trong làng như cụ Viên mới biết.

Lắm ma tất nhiều thánh thần, có lẽ không làng nào lắm miếu như ở Cao Lao Hạ, riêng tuyến bờ sông Gianh có đến 4 ngôi miếu Nậy (tên dòng chính sông Gianh- Rào Nậy). Vào phía trong khu vực giáp thành Lồi, tòa thành tương truyền có từ thời Chiêm Thành cũng có đến mấy chục ngôi miếu đa phần do 24 dòng họ sống trong làng lập nên.

Ở Cao Lao Hạ, lễ Thanh Minh cúng vào rằm tháng 3 âm lịch, đặc biệt lớn, với đầy đủ nghi lễ như ở lễ hội làng cúng thành hoàng làng. Lễ Thanh Minh tổ chức ở Nghĩa trủng Cồn Cui. Sự hình thành Nghĩa trủng này các cụ cũng không biết tự bao giờ, nhưng lễ Thanh Minh ở đây chưa bao giờ bỏ, dòng họ nào cũng cúng, cả trăm mâm cỗ. Cụ Viên giải thích: “Cúng vậy cũng là làm tảo mộ cho những người viễn xứ nằm lại đất này nhiều lắm”.

Ngôi làng của những cuộc chiến


Làng Cao Lao Hạ hôm nay có từ 558 năm trước, tiền thân của nó, theo tiến sĩ Nguyễn Quang Thái: Là một doanh trấn quân sự của xứ Chiêm Thành. Đây cũng có thể là một thương cảng của người Chăm. Về quy hoạch, Cao Lao Hạ khác với tất cả các ngôi làng ở đất Bắc, đất Quảng Bình, cũng như dẻo đất miền Trung.
Đường làng (Nguồn ảnh: Website Caolaoha)
Đường làng (Nguồn ảnh: Website Caolaoha)
Làng có hình con thuyền nhìn ngang, hai tuyến đường Bản và đường Quan như mạn thuyền và đáy, 18 tuyến đường ngang chia làng thành 20 xóm, vuông như bàn cờ. Tất cả các ngôi nhà đều quay mở cửa theo hướng Nam – Tây Nam, lệch với hướng nhà truyền thống ở Quảng Bình: Đông – Nam.

Để vào được làng theo hướng Bắc phải qua trập trùng “thành lũy”: Đầu tiên giáp sông Gianh là tuyến đê, cũng là lũy, đến đồng, hói (mương dẫn nước) rồi lại đồng. Qua những chướng ngại tự nhiên này đến thành Lồi có từ thời Chiêm Thành cùng các ụ phòng thủ, vượt tiếp lũy tre dày mới vào được làng.

Trong làng có những cái kho đặc biệt: kho nước ngọt, 3 chiếc ao, nằm rất đều dọc theo chiều dài làng, những chiếc ao không “tự nhiên” là kho dự trữ nước ngọt để đối phó với cả mùa khô nước mặn xung quanh và cho những trận chiến dài mà nước ngọt cũng là quân lương.

Sự thích nghi với những cuộc chiến dữ dội, liên miên khiến cư dân Cao Lao Hạ không chỉ cố thủ mà còn phải rút khi cần. Ngoài làng chính, những người lập làng cũng đã xây dựng khu trú ẩn dự phòng dưới chân núi Lệ Đệ. Làng phụ cách làng chính khoảng 10km, sâu trong rừng, có nương rẫy, giếng nước thậm chí cả chùa, miếu để có thể ở cả năm.

Cụ Viên kể, thời Cần Vương sau khi Vua Hàm Nghi rút qua đây, quân Pháp tràn lên, dân làng lánh lên đó, người Pháp chịu, cuối cùng cũng phải rút. Khu làng phụ sau hòa bình, khi họa chiến tranh qua đi đã mở mang thành xóm, đưa một bộ phận dân cư làng chính vào sinh sống.

Dân Cao Lao Hạ được coi là dân hiếu học, thành đạt. Theo TS Nguyễn Quang Thái: “Đất nghèo, nằm ở điểm dừng trong mạch giao lưu của dòng tri thức và văn hóa thì sự cầu tiến bằng đường học của con người nơi đây là lẽ dĩ nhiên”.

Theo duy tâm, một nhà địa lý khi thấy đình làng đã phán: “Đình làng mở hướng ra ngã ba sông Gianh, đón trọn tinh hoa hội tụ nên thịnh về sự học”. Năm 2010, kỷ niệm 555 năm lập làng, các cụ đếm riêng thời nay làng có 12 tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân khoảng 3-4 trăm người. Vì sự thành đạt ấy, Cao Lao Hạ hôm nay đang “già” đi vì người trẻ… học xong không về. Cụ Viên nói vui: “Nếu về hết, lấy chỗ nào mà chứa”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem