Ngời sáng những tấm lòng người mẹ

Thứ bảy, ngày 15/06/2013 06:14 AM (GMT+7)
Dân Việt - Có người bán vé số, người đi làm mướn, người từng đi bán máu kiếm sống… là những câu chuyện vô cùng cảm động của các bà mẹ trong 100 tấm gương hiến máu tình nguyện (HMTN) được tôn vinh ngày 14.6.
Bình luận 0

Món nợ đồng lần

Bà Lê Thị Tám, 51 tuổi (trú tại xã Long Hữu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã hiến máu 18 lần. Tâm sự về cơ duyên trở thành người HMTN, bà Tám cho biết, cách đây hơn 20 năm, con trai bà đã bị sốt xuất huyết nặng, phải chuyển lên bệnh viện Nhi đồng I (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu.

Nhưng lúc đó, trong túi bà chỉ có đủ tiền đi xe đò, lên đến viện, không đủ cả tiền ăn. Đến khi bác sĩ nói phải mua máu để truyền mới mong cứu sống con. Bà chỉ còn biết khóc. Nhưng một người xa lạ đã tình nguyện hiến máu cho con trai bà, miễn phí. Nhờ những giọt máu nghĩa tình đó, con bà đã qua cơn hiểm nghèo.

img
Hai người mẹ: Đỗ Thị Tám (trái) và Nguyễn Thị Thanh Thủy

“Bắt đầu từ đó, tôi theo các nhóm từ thiện đi nấu cháo, phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện. Tôi chứng kiến nhiều cảnh khốn cùng của những người nghèo, không có tiền ăn, không có tiền mua máu, cùng cực như tôi ngày xưa. Do vậy, tôi cũng muốn được giúp đỡ, như ngày trước, có người đã từng giúp mẹ con tôi”.

Bà Tám là người bán vé số, bạn bè, chị em bà đều cùng nghề bán vé số, bán hàng rong, bán nước dạo vỉa hè. Tuy cuộc sống khó khăn nhưng mọi người đều yêu thương, chia sẻ vui buồn với nhau. Biết việc làm nghĩa tình của bà, nhiều người theo bà đi hiến máu, bà Tám cũng vận động thêm nhiều người nữa. Đến nay bà vận động được hơn 500 người cùng hiến máu, thu hàng nghìn đơn vị máu, cứu giúp hàng chục nghìn người. “Mọi người đều vui, đều chung ý nguyện: không có tiền thì giúp người bằng máu của chính mình” – bà Tám cho biết.

Bà Tám vui vì cuộc sống của bà đã đỡ cực nhọc, 3 con đã lớn, cùng chia sẻ nghĩa cử hiến máu với mẹ. Duy chỉ có điều khiến bà hơi buồn là chồng bà vẫn chưa thông cảm với việc làm của vợ, bà phải trốn chồng để tham dự Lễ tôn vinh tại Hà Nội.

Ngoài việc tình nguyện hiến máu và vận động mọi người tham gia hiến máu, bà Tám còn đi nấu cháo, thổi cơm phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo, thấy ai tội nghiệp, khó khăn, bà lại móc nốt vài đồng bạc lẻ trong túi ra giúp đỡ. “Mình khỏe đã là tài sản vô giá rồi”- bà Tám cười giản dị.

Từ bán máu thành hiến máu

Đối với bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, 46 tuổi (trú tại phường 3 quận 11, Tp Hồ Chí Minh), số lần HMTN gần ngang bằng số tuổi (44 lần). Cả cuộc đời bà đã sống vì người khác. Năm bà 21 tuổi, vợ chồng người anh trai ly hôn, bố bỏ đi lấy vợ, mẹ bỏ đi lấy chồng, bỏ lại cho bà 4 đứa cháu nheo nhách. Đứa lớn mới 7 tuổi, đứa bé mới mười mấy tháng.

Bà không nỡ và không thể vứt bỏ các cháu, trở thành bà mẹ một nách 4 con giữa lúc còn thanh nữ. Lúc đó, bà cũng chỉ đi làm mướn cho người ta, không đủ tiền mua gạo nuôi các cháu. Lúc bần cùng, bà đi bộ hàng chục cây lên bệnh viện xa nhà để bán máu, mỗi tháng một lần. Cũng có lúc vẫn chưa đủ tiền, bà phải giật nóng tiền của “cò máu” tiêu trước, đến kỳ lại bán máu. “Bán xong là cò thu hết tiền, lại về tay trắng. Có những lúc tôi muốn bán thêm nhưng bác sĩ đuổi về, vì tôi xanh lướt như tàu lá, gày gò, ốm yếu” – bà cho biết.

img
Những gương mặt tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện được tôn vinh.

Trong một lần tình cờ, bà gặp một nhà báo, rồi câu chuyện của “bà mẹ” bán máu nuôi 4 con đã được lên báo. Mọi người tìm đến, giúp đỡ mẹ con bà. Người cho tiền, kẻ cho sữa, người cho quần áo, người vài cân gạo, chai nước mắm. Số tiền mọi người cho, bà có chút vốn buôn bán nhì nhằng, bán thêm vé số, làm mướn cho người ta, dần dần, cuộc sống khấm khá hơn, bà có thể ngóc đầu lên được.

Nhớ lại món nợ với cuộc đời, bà lại tiếp tục tìm đến bệnh viện, nhưng lần này không để bán máu mà cho máu, hiến máu. Mỗi năm đều đặn 3 lần.

Bà Thủy cho biết, đến giờ các cháu bà đã lớn, đã đi làm tự kiếm sống. Bà không có gia đình riêng. Còn bà có một quán hủ tiếu, cũng đủ sống tùng tiệm, sống vui, sống khỏe để tiếp tục hiến máu cứu người. Khi được hỏi “Bà có cảm thấy mình bị thiệt thòi khi hy sinh hạnh phúc riêng, cực khổ nuôi các cháu và chắt chiu từng giọt máu cứu người dưng?”, bà Thủy lắc đầu. Bà cho biết, đó là niềm vui của cuộc đời bà.

Bà khoe, khi bà ra Hà Nội, một cô cháu đã biếu bà 1 triệu để đi đường. Bà Thủy cười một cách mãn nguyện. Như thể, đối với bà, đó đã là sự trả ơn đầy đủ, đó đã là hạnh phúc tròn đầy.

 Làm mướn hiến máu

Cũng ở TP Hồ Chí Minh, bà Đỗ Thị Tám (Phú Kiểng, Nhà Bè) chỉ là một phụ nữ đi làm mướn cho người ta, nhưng bà đã hiến máu 34 lần. Cuộc đời của bà vô cùng vất vả. Con trai mất năm 2002 vì tai nạn giao thông, chồng mất năm 2004 vì bạo bệnh, hiện giờ bà sống cùng với một cậu con trai còn lại. Bà đã trải qua đủ nghề đề kiếm sống, nấu ăn, làm lao công ở bệnh viện, làm người giúp việc.

img
Bà Lê Thị Tám

Nhưng cho dù đau khổ, cực nhọc, bà vẫn khát khao được làm từ thiện, được chia sẻ chân tình của mình với mọi người. Đối với bà, dòng máu là thứ duy nhất bà có thể tích cóp được. “Tôi vô cùng hạnh phúc khi biết rằng, một đơn vị máu (250cc) có thể cứu giúp được 3-4 người”. Suốt 11 năm nay, bà đều đặn đi hiến máu mỗi năm 3 lần, không băn khoăn, không hối tiếc. Bà cũng vận động anh chị em trong nhà đi hiến máu cũng mình.

Khi được Hội chữ thập đỏ thành phố mời đi dự Lễ tôn vinh ngoài Hà Nội, bà Tám còn từ chối không dám đi. Bà chưa một lần ra Hà Nội, bà khao khát được thăm Lăng Bác. Tuy nhiên, bà sợ ra Hà Nội sẽ tốn kém, cũng không có tiền mua quà cho mọi người. Nhưng bà chủ nhà đã động viên bà tham gia, cho bà vay trước tiền công để đi, còn hứa sẽ không trừ lương khi bà nghỉ mấy ngày.

“Nếu tôi không đi hiến máu, cả đời tôi có thể không bao giờ biết Thủ đô, không một lần được thăm Lăng Bác” – bà Tám cười đôn hậu. Bà cho biết, nếu còn đủ sức khỏe, bà sẽ tiếp tục hiến máu để lương tâm lúc nào cũng được vui tươi, thanh thản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem