Bất tri tam bách dư niên hậu – Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Độc Tiểu Thanh ký)
Một trưa nắng chang chang nơi bãi biển Xuân Thành, Hà Tĩnh, bất giác tôi lạnh sống lưng khi nghe một bản dịch lạ về hai câu kinh điển kia: Ba trăm năm nữa, mơ màng – Ai trong thiên hạ khóc chàng Tố Như… Dù còn có nhiều tranh cãi về chữ “chàng” và “nàng” nhưng câu thơ dịch ấy vẫn là tuyệt cú, thể hiện hết được sự khắc khoải của tiếng khóc Nguyễn Du gửi lại cho hậu thế.
Bản dịch ấy là của nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Đăng Vinh – con người chỉ khi “Bảy lăm, tuổi hạc ngụ quê nhà – Bến nước Lam Kiều ngỡ Thủy Ba” (thơ tự bạch của ông) mới chắt lọc nguồn cảm hứng Đường thi suốt cả đời người để có tập thơ “Ký ức thời gian”.
Cầm súng đi khắp các miền quê đánh Pháp từ năm 17 tuổi, ra Hà Nội học Đại học Tổng hợp, dạy học ở Học viện Quân chính rồi Đại học Thủy lợi, lên Tây Nguyên tham gia lập Trường Trung cấp Thủy lợi tại Buôn Ma Thuột… đến khi hưu trí, ông Vinh nhàn tản tuổi hạc bên dòng La.
Chính vì thế những bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đăng Vinh trong phần “vịnh” nhuốm màu cảnh sắc của tất cả những nơi ông đã qua: Có một Tây Nguyên “Ngàn non ác lặn, bóng chim bay – Ven bờ sông bạc, thuyền chao sóng”, có Hà Nội: “Cổ Ngư gió lộng, đường Vương rộn – Nùng, Tản mây ngời, sóng Nhị xô”, có cố đô Huế: “Áo trắng thướt tha chiều Huế mộng - Dâu xanh thấp thoáng bến Tuần mơ” - … nhưng lúc nào lòng ông cũng hướng về “Bến cũ xuôi dòng trắng nước mây”.
Nhưng lạ một điều, khác với những tập Đường thi khác, sau phần “vịnh” có nét sầu man mác thì đến phần “cảm”, người ta thấy ở thi sĩ Nguyễn Đăng Vinh một sự phấn khích, một niềm thiết tha với cuộc đời, tuyệt nhiên không có “oán, sầu, ưu, hận”… Một tập thơ Đường lạ, đầy đặn và đầy âm hưởng cuộc đời, nó cũng đề huề như cảnh già nhàn tản của ông giáo già. Mừng cho ông vì đã đạt được sở nguyện cuộc đời:
Bao giờ bão tố, mây tan hết
Dong cánh buồm nâu dạo biển trời.
(Bài Lão Ngư)
Tuấn Lệ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.