Ngư dân mê công nghệ đánh bắt hiện đại

Thứ ba, ngày 31/07/2012 10:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việc thuyền trưởng Nguyễn Gia Viễn ở Quảng Ngãi đã trúng lớn trong một mẻ lưới với kỷ lục sản lượng thu được 30 tấn cá không chỉ là may mắn mà là kết quả của việc đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, thuyền trưởng Nguyễn Gia Viễn (40 tuổi, ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã trúng lớn trong một mẻ lưới với kỷ lục sản lượng thu được 30 tấn cá. Đây không chỉ là may mắn mà là kết quả của việc đầu tư công nghệ đánh bắt hiện đại.

Tin vào máy móc

Dù rất có điều kiện học hành, cha lại là thầy giáo nhưng anh Viễn đã bỏ ngang đèn sách để xuống tàu ra khơi. “Vì mê biển quá!” - anh giải thích. Sau gần 10 năm đi bạn (làm công), từ số tiền tích cóp được, anh Viễn và 15 người bạn chung tiền mua lại chiếc tàu cá cũ, công suất 80CV, trị giá gần 300 triệu đồng. Ngư dân lúc bây giờ đánh bắt chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và trông chờ vào sự may rủi. Sau khi đưa tàu đến khu vực đánh bắt, ngư dân thường dò tìm luồng cá bằng cách rọi đèn rồi thả câu để xác định có cá hay không và số lượng cá nhiều, ít thế nào... Dĩ nhiên là việc xác định chỉ dựa vào kinh nghiệm của ngư dân. Vì vậy thu nhập sau mỗi chuyến đi của anh em trên tàu rất thất thường.

img
Thuyền trưởng Viễn chuyển cá lên bờ khi tàu vừa về bến.

Nhận thấy nếu cứ ra khơi theo kiểu này thì cuộc sống của mấy anh em khó mà khấm khá lên được, sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Viễn bàn tính với các ngư dân đầu tư 11 triệu đồng mua máy dò đứng để cải thiện tình hình đánh bắt. Nhờ vậy chỉ vài chuyến sau đó, hiệu quả khai thác đã tăng lên rõ rệt. Nếu trước đó, mỗi mẻ lưới chỉ thu được 5-7 tấn cá, thì từ ngày có máy dò đứng, lượng cá tăng lên từ 1,5-2 lần. Nhờ vậy, 3 năm sau, anh Viễn và bạn bè đã có tiền mua chiếc tàu mới công suất 120CV, đồng thời đóng thêm 2 chiếc tàu mới, với công suất từ 120-180CV/chiếc.

Sau khi đã thắng lợi với máy dò đứng, vào năm 2010, thuyền trưởng Viễn cùng anh em ngư dân mua máy dò ngang C250 trị giá 320 triệu đồng, rồi 1 năm sau là máy C300 hiện đại hơn, trị giá 480 triệu đồng. Ngay sau đó, một mẻ lưới, anh em đánh được 20-25 tấn cá - một điều trước kia chỉ là mơ ước. Và đến tháng 7.2011, anh Viễn cùng các ngư dân đã lập nên kỷ lục chưa có ở Lý Sơn: Một mẻ lưới đánh được 30 tấn cá. Ngay cả anh em trên tàu khi kéo lưới lên còn không tin vào mắt mình, nó vượt qua sự tưởng tượng của nhiều thế hệ ngư dân Lý Sơn. Riêng mẻ lưới đó, tiền cá bán được khoảng 600 triệu đồng. Tổng kết vụ đánh bắt của năm 2011, lượng hải sản mà tàu anh Viễn đã khai thác được gần 400 tấn, trị giá gần 10 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ngư dân trên tàu được chia lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/người, riêng anh Viễn được trên 1 tỷ đồng.

Tiếp tục đầu tư cho công nghệ tiên tiến

Cùng với đi tiên phong trong đầu tư tiền tỷ để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác, thuyền trưởng Nguyễn Gia Viễn còn là người đầu tiên ở đảo Lý Sơn đề ra những nội quy hoạt động rất độc đáo cho cả nhóm ngư dân của mình. “Làm ăn chung mà không có sự đoàn kết, mỗi người làm mỗi kiểu, thích thì đi, không thích thì nghỉ ở nhà, dù tàu to máy lớn, thiết bị hiện đại cũng bằng thừa” - thuyền trưởng Viễn bày tỏ. Vì vậy khi chung tiền mua chiếc tàu đầu tiên, thuyền trưởng Viễn đã đề ra một số quy định cùng với lời tuyên bố thẳng: Nếu ai không thích thì cứ việc rút lui. Theo đó đối với người góp vốn, nếu tự động bỏ 1 phiên mà không có lý do chính đáng, ngoài phải chịu phần tổn phí của chuyến đi đó, sẽ không được chia lợi nhuận thu được. Nếu vi phạm 3 lần thì bị trả lại phần hùn. Đối với đi bạn (làm công), nghỉ 2 lần không lý do sẽ bị đuổi việc... “Nhờ vậy mà suốt nhiều năm qua, ít có trường hợp thuyền viên nào vi phạm đến lần thứ 2” - thuyền trưởng Viễn cho biết.

“Làm ăn chung mà không có sự đoàn kết, mỗi người làm mỗi kiểu, thích thì đi, không thích thì nghỉ ở nhà, dù tàu to máy lớn, thiết bị hiện đại cũng bằng thừa”.

Suốt 10 năm qua, hiếm có chuyến ra khơi nào mà thuyền trưởng Viễn và nhóm ngư dân của mình trở về lỗ vốn. Thu nhập bình quân của các ngư dân đạt từ 40 - 100 triệu đồng/người/chuyến. Nói về dự định trong thời gian tới, anh Viễn cho biết: “3 chiếc tàu của tôi thực hiện 3 nhiệm vụ khác nhau, nhưng đều nhằm hỗ trợ cho nhau. Chiếc 560CV đảm nhận khai thác, chiếc 120CV chuyên đi dò tìm luồng cá và chiếc 180 CV để chở cá vào bến, chở nguyên liệu ra tiếp tế... Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng đầu tư để mua máy dò hiện đại trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng để nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác trên biển”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem