Ngư dân sướng, khổ cùng chủ nậu

Thứ hai, ngày 28/11/2011 08:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ tiền các chủ cơ sở thu mua hải sản (gọi là chủ nậu) cho mượn, hàng trăm chủ tàu cá ở Quảng Ngãi có điều kiện tiếp tục ra khơi. Tuy nhiên, đổi lại, chủ tàu phải bán toàn bộ sản phẩm cho chủ nậu...
Bình luận 0

Theo lời các chủ tàu đánh bắt xa bờ ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, chi phí mua dầu, lương thực, thực phẩm... cho mỗi chuyến ra khơi từ 200- 400 triệu đồng/tàu. Nhiều chuyến đánh bắt không hiệu quả, tiền bán hải sản không đủ chi phí, nếu không có tiền chủ nậu cho mượn thì tàu chỉ còn cách neo bờ.

img
Vợ của ngư dân tập kết cá để bán cho một chủ nậu ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn.

Ngư dân cần chủ nậu

Tại xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) hiện có khoảng 12 đầu nậu hoạt động. Khoảng 2/3 trong tổng số gần 120 tàu đánh bắt xa bờ ở đây đã phải mượn tiền chủ nậu để mua nhiên liệu, thức ăn... ra khơi. Vợ chồng anh Nguyễn Tấn Thành (49 tuổi), ở thôn Định Tân, cho biết họ đang cho khoảng 10 chủ tàu vay mượn, với số tiền từ 200- 500 triệu đồng/người để mua nhiên liệu, đóng mới tàu.

Đại diện chính quyền các xã ven biển trong tỉnh đều cho hay: Khoảng 1/3 số chủ tàu thuyền đánh bắt xa bờ ở địa phương mình là chủ động được nguồn vốn cho mỗi chuyến ra khơi. Cựu lão ngư Trần Văn Nhân (64 tuổi), ở xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, khẳng định: Ở xã ven biển nào cũng vậy, số chủ tàu mà không vay mượn tiền của chủ nậu chỉ tính trên đầu ngón tay.

Nhiều chủ nậu ở Phổ Thạnh, Phổ Quang, huyện Đức Phổ; Bình Châu, Bình Chánh, huyện Bình Sơn... cho biết: Số cơ sở, điểm thu mua hải sản mỗi ngày một nhiều, nhưng lượng tôm cá đánh bắt giảm. Để cạnh tranh, ngoài nâng giá, mua chịu giùm lương thực, thực phẩm, thì cho ngư dân mượn tiền để đóng, sửa chữa phương tiện... được xem là giải pháp số 1 để “kéo” các chủ tàu đem tôm, cá đến bán, tạo ổn định "đầu vào" cho cơ sở mình.

“Ở Quảng Ngãi này 99% chủ nậu cho chủ tàu mượn tiền. Ít thì 5-7 trăm triệu đồng/tàu, thường số tiền mà chủ nậu cho ngư dân mượn phải tính bằng con số tỷ đồng” - anh T, quê ở Đức Phổ, - chủ cơ sở chế biến hải sản lớn và cũng là người cho các chủ tàu ở các địa phương mượn tổng số tiền trên 3 tỷ đồng, khẳng định.

Lạt mềm buộc chặt

Không phải làm nhiều thủ tục và mất thời gian như đi vay ở ngân hàng, khi nào cần tiền để sửa chữa, đóng mới phương tiện hay mua nhiên liệu, gạo, thức ăn để ra khơi... ngư dân chỉ cần gọi điện nói trước là các chủ nậu ở địa phương đều lo đủ. Chủ tàu chỉ cần ký vào sổ là đã mượn số tiền bấy nhiêu là xong.

Muốn mượn tiền của chủ nậu thì "luật bất thành văn" là ngư dân phải phải bán toàn bộ hải sản khai thác được cho họ.

Chị Võ Thị Thu - chủ nậu ở xã Phổ Thạnh, xác nhận: Đa số các trường hợp cho các chủ tàu vay mượn tiền, dù là một vài triệu đồng hay hàng trăm triệu đồng đều bằng hình thức tín chấp. Và muốn mượn tiền của chủ nậu thì "luật bất thành văn": Ngư dân phải phải bán toàn bộ hải sản khai thác được cho họ. Nhưng không phải chủ nậu nào cũng sẵn sàng mở hầu bao cho chủ tàu mượn. Ngoài việc nhìn vào tài sản hiện có của gia đình chủ tàu, một trong những điều kiện để chủ nậu quyết định cho vay mượn, số tiền nhiều, ít, đó là uy tín của chủ tàu.

Vấn đề là không phải chuyến ra khơi nào ngư dân cũng thuận buồm xuôi gió. Vì vậy chuyện chủ tàu chưa trả hết tiền cũ lại tiếp tục hỏi mượn thêm; rồi chủ nậu bị nợ tiền kéo dài nhiều tháng... thường xuyên xảy ra. Do đó, chuyện chủ nậu ép giá mua hải sản của ngư dân để bù vào phần lãi cũng là điều dễ hiểu.

Từ thực tế về quan hệ chủ tàu- chủ nậu ở Quảng Ngãi, thiết nghĩ Nhà nước cần có nhiều sự trợ giúp hơn nữa để những ngư dân thiếu vốn có điều kiện tiếp cận vốn của ngân hàng, tránh những thiệt thòi vì sự vay mượn của tư nhân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem