Ngựa xích thố huyền thoại của Quan Vũ, Lã Bố ngoài đời như thế nào?

Đăng Nguyễn - Tổng hợp Chủ nhật, ngày 17/03/2019 00:25 AM (GMT+7)
Ngựa Xích Thố là một con ngựa huyền thoại trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa và sử sách Trung Quốc từng nhắc đến một con ngựa quý như vậy.
Bình luận 0

img

Xích thố là một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong Tam quốc diễn nghĩa.

Ngựa Xích Thố thời Tam Quốc là một trong số những con ngựa nổi tiếng thời cổ đại. Con ngựa này được phác họa dài một trượng, cao tám thước, màu đỏ rực như lửa, tuyệt không có một sợi lông tạp, ngày đi ngàn dặm, trèo non vượt suối dễ dàng.

Ngựa Xích Thố trong Tam quốc diễn nghĩa

Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung phác họa ngựa Xích Thố từng qua tay rất nhiều chủ. Người đầu tiên là Đổng Trác (132-192), tướng nhà Đông Hán (năm 25-220).

Vì muốn tiếp cận và thu phục Lã Bố, Đổng Trác đã đem Xích Thố tặng cho Lã Bố. Lã Bố sau khi có được ngựa quý quả nhiên đã giết chết chủ cũ của mình là Đinh Nguyên, quy phục dưới chân Đổng Trác.

Lã Bố cưỡi ngựa Xích Thố, tả xung hữu đột trên chiến trường. Sau này, Lã Bố trúng kế của một đại thần nhà Đông Hán, giết chết Đổng Trác. Lã Bố cuối cùng bị Tào Tháo giết, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo.

Một lần nọ, Quan Vũ vì muốn bảo vệ hai phu nhân của Lưu Bị mà vô tình rơi vào tay Tào Tháo. Tào Tháo vô cùng quý mến nhân tài như Quan Vũ, nên bắt chước Đổng Trác tặng ngựa cho người anh hùng.

Nhưng Quan Vũ một lòng hướng về Lưu Bị, dùng ngựa Xích Thố để tìm đường về với anh trai kết nghĩa. Sau khi Quan Vũ bị giết, Xích Thố  rơi vào tay Mã Trung, một viên tướng nhà Đông Ngô. Lần này nó không còn ngoan ngoãn đi theo chủ nhân mà tuyệt thực đến chết.

Nguồn gốc tên gọi ngựa Xích Thố

Theo Best china News, chữ “Thố” trong tiếng Hán có nghĩa là thỏ, còn “Xích” để chỉ màu đỏ. Tên gọi này có phần kỳ lạ với một con ngựa quý như Xích Thố.

Người ta cho rằng cái tên Xích Thố được La Quán Trung sử dụng dựa trên nguyên mẫu của một con ngựa quý có thật trong lịch sử. Các cuốn Tam Quốc Chí, Ngụy Thư và Lã Bố truyện đều ghi chép về “một con ngựa quý với toàn thân màu đỏ”.

img

Hình tượng Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố.

La Quán Trung có thể khái quát ngựa Xích Thố để phù hợp với hình tượng nhân vật Lã Bố và Quan Vũ, rằng những chiến tướng như vậy phải cưỡi ngựa màu đỏ mạnh như mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi trên chiến trường.

Theo một số ghi chép trong lịch sử thời Tam Quốc, nếu đầu của một con ngựa có hình dáng gần giống với đầu của thỏ, thì nó được coi là một con tuấn mã.

Như vậy, ngựa Xích Thố trong Tam quốc diễn nghĩa có thể ám chỉ một con ngựa quý có màu đỏ, theo Best China News.

Ngựa Xích Thố ngoài đời thực ra sao?

Ngựa Xích thố ngoài đời thực tế như thế nào cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính thức.

Những người yêu Tam quốc coi giống ngựa hồng, với sắc lông màu nâu hồng, hoặc nâu hồng đỏ là loài ngựa gần giống nhất với ngựa Xích Thố.

Ngựa hồng từng được nhắc đến trong Sách Khải huyền của Thần thoại Kito giáo.

Chúng là biểu tượng của Sự chinh phục, Chiến tranh, Nạn đói và Cái chết. Chúng có màu sắc riêng biệt lần lượt là trắng, đỏ (hồng), đen và xanh xám hoặc xanh lá cây ánh vàng.

Những con ngựa hồng được huấn luyện kỹ lưỡng, tham gia vào các trường đua ngựa, có thể chạy một mạch 160km trong 10-12 giờ, gần tương tự như con số 200km/ngày mà ngựa Xích Thố đạt được trong tiểu thuyết.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đơn vị đo lường trong truyện Tam quốc khác biệt với ngày nay, nên mọi con số chỉ mang ý nghĩa tham khảo.

Theo cây viết Ryan Chew, các sử gia cho rằng, ngựa Xích Thố chính là giống ngựa Đại Uyển, hay còn được gọi là Thiên Mã. Người Trung Quốc thời xa xưa không thể bắt được loài ngựa này mà chỉ có thể dụ đem ngựa con về nuôi.

Giống ngựa này mồ hôi đỏ như máu, dai sức và cực khỏe nên còn được gọi là Hãn huyết mã. Tốc độ và sự dẻo dai của Hãn Huyết mã từ lâu đã nổi danh trong những trong lịch sử Trung Quốc.

Hán Vũ Đế (năm 141 - 87 TCN), vị vua thứ 7 dưới triều nhà Hán từng phát động hai cuộc chiến tranh chỉ nhằm đoạt được giống ngựa quý này.

img

Giống ngựa hồng ngày nay có màu giống với ngựa Xích Thố nhất.

Hãn Huyết mã sau này góp phần không nhỏ giúp Hoàng đế Trung Hoa xây dựng đội quân thiết kỵ vô địch thiên hạ.

Theo ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán, sau lần đầu tiên xuất binh thất bại, năm 104 TCN, Hán Vũ Đế cử khoảng 300.000 quân tấn công vương quốc Đại Uyển ở Tây Vực.

Quân nhà Hán chiến thắng trở về, mang theo mang về Trung Nguyên hàng chục con ngựa thượng đẳng và hơn 3.000 con ngựa trung đẳng.

Năm 2018, một tỷ phú Trung Quốc đã bỏ hàng trăm triệu USD để mua và nhân giống ngựa Akhal-teke có nguồn gốc từ Trung Á. Loài ngựa này được cho là có liên hệ gần nhất với Hãn huyết mã trong lịch sử.

Bắt đầu nhân giống Hãn Huyết mã từ năm 2009, tỷ phú Trung Quốc 55 tuổi đã có trong tay hơn 300 cá thể. Tình yêu của ông với loài ngựa bắt đầu khi ông lớn lên tại Tân Cương, nơi ngựa là một phần không thể thiếu trong cuộc sống trên những thảo nguyên rộng lớn.

Tuy vậy, giống ngựa Akhal-teke ngày nay không hề có màu đỏ như ngựa Xích Thố, dù chúng có tốc độ và sự dẻo dai hơn hẳn những loài ngựa khác.

_______________________

Thanh Long Yến Nguyệt đao gắn liền với hình tượng Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa. Thanh đao này như thế nào và liệu có thật hay không? Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ tới.

Quan Vũ tha mạng Tào Tháo có lợi cho phe Lưu Bị như thế nào?

Câu chuyện Quan Vũ tha mạng Tào Tháo trong trận Xích Bích có phần được hư cấu trong Tam quốc diễn nghĩa, nhưng không thể...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem