Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên - Kỳ cuối: Thách thức bảo tồn giống hồng quý
Ngược ngàn tìm trái hồng Vành khuyên - Kỳ cuối: Thách thức bảo tồn giống hồng quý
Gia Tưởng
Thứ hai, ngày 04/10/2021 15:02 PM (GMT+7)
Quả hồng Vành khuyên hiện tại đã trở thành biểu tượng của ngành nông nghiệp huyện Văn Lãng nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung. Tuy nhiên, hiện tại đã xuất hiện một số bất cập về sự phát triển nóng của cây hồng.
Nếu người dân và chính quyền không tỉnh táo, những rừng hồng Vành khuyên ở Văn Lãng rất dễ rơi vào tình trạng mai một do thoái hóa giống hay khủng hoảng thừa.
Bệnh lạ xuất hiện
Trước đây, gia đình ông Hoàng Viết Sầm thu đến 300 - 400 triệu đồng sau mỗi vụ hồng. Rừng hồng Vành khuyên không chỉ là niềm tự hào của gia đình ông Hoàng Viết Sầm, mà còn là điểm học tập kinh nghiệm trồng hồng của rất nhiều hội viên nông dân khắp cả nước.
"Mấy năm trước, rừng hồng nhà tôi lên đài báo nhiều lắm, nhưng bây giờ rừng hồng xơ xác, thương tâm lắm. Cây hồng cứ rụng lá rồi héo cành, chết khô dần đi" - ông Sầm buồn ra mặt.
Đã nhiều lần, kỹ sư trồng trọt của Phòng và Sở NNPTNT xuống rừng hồng bắt bệnh. Tuy nhiên, vẫn chưa ai tìm ra nguyên nhân khiến cho những cây hồng đang độ tuổi sung sức lại héo dần héo mòn, không còn chút sức sống.
Giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm, huyện Văn Lãng phát triển mới từ 50 - 70ha hồng. Hiện tại, cả huyện Văn Lãng có 1.270ha hồng Vành khuyên. Trong đó, có 224ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30ha được sản xuất theo công nghệ hữu cơ.
Ông Sầm cho biết, nếu mùa đông năm nay khi hồng rụng lá hết và sang xuân mà cây không ra lộc, ra hoa mới, ông sẽ buộc lòng phải đốn bỏ những cây bị bệnh, dùng cỏ đốt gốc để tiêu diệt mầm bệnh và trồng lứa hồng mới gối vào.
Còn ông Đinh Mạnh Khiêm - Phó Trưởng Phòng NNPTNT huyện Văn Lãng cũng chia sẻ thêm, ngoài một số bệnh thông thường, hiện nay trên cây hồng Vành khuyên bắt đầu xuất hiện tình trạng cây chết mà chưa rõ nguyên nhân. Hiện nay, cây hồng tổ của huyện Văn Lãng đã chết từ rất lâu. Toàn huyện Văn Lãng chỉ có 6 cây hồng đầu dòng đủ tiêu chuẩn ươm giống.
Tuy nhiên, bà con đang phát triển diện tích hồng rất nóng. Chỉ trong một vài năm gần đây, mỗi năm đã tăng lên 200ha trồng hồng. Do vậy, công tác quản lý, bảo tồn giống hồng Vành khuyên rất cần lưu ý, tránh bài học cây hồng Bảo Lâm đang có dấu hiệu cây bị thoái hóa sau nhiều năm được khai thác.
Căn cơ giá trị quả hồng
Những năm qua, trong số hàng loạt cách làm để xây dựng và nâng cao giá trị sản phẩm, không thể không nhắc đến việc phát triển vùng trồng gắn với sản xuất sạch, an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cụ thể giai đoạn 2015 - 2020, trung bình mỗi năm, toàn huyện Văn Lãng phát triển mới từ 50 - 70ha. Hiện tại, cả huyện Văn Lãng có 1.270ha hồng Vành khuyên. Trong đó, có 224ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 30ha được sản xuất theo công nghệ hữu cơ.
Anh Hoàng Văn Hưng (thôn Pò Pheo, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) cho biết: "Gia đình mình có 2ha hồng thì 3 năm qua được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Với quy trình này, năng suất, chất lượng quả cao hơn rõ rệt, sản phẩm có uy tín hơn, giúp cho giá bán nhỉnh hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg quả tươi. Trung bình mỗi năm, gia đình thu hoạch từ 10 - 12 tấn quả, cho thu nhập gần 200 triệu đồng".
Theo Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Văn Lãng, từ năm 2017 đến nay, huyện đã hỗ trợ, cấp hàng vạn hộp giấy đựng hồng (loại 3, 5, 10kg/hộp) cùng 500kg dây buộc, tem mác, túi bóng in logo nhận diện "hồng Vành khuyên"… đến UBND các xã, thị trấn, các HTX sản xuất, kinh doanh và đến tận tay các tư thương bán buôn, bán lẻ hồng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra việc sử dụng bao bì, nhãn mác được cấp.
Năm 2020, hồng Vành khuyên của HTX sản xuất, kinh doanh hồng Vành khuyên Nà Mò đã được UBND tỉnh Lạng Sơn công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao.
Trong việc kết nối các kênh tiêu thụ, UBND huyện Văn Lãng quan tâm phối hợp Sở NNPTNT và các sở, ngành liên quan tìm hiểu, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong các siêu thị lớn tại Hà Nội và các hội chợ thương mại ở trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt chú trọng tiêu thụ qua kênh phân phối, bán buôn, bán lẻ của các thương lái…
Chị Nguyễn Thanh Hiền, tư thương tỉnh Bắc Giang cho biết: "Hàng năm, tôi thường đến Văn Lãng thu mua hồng đem về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) phân phối đi khắp các tỉnh, thành trong nước và đạt gần 200 tấn quả tươi/vụ. Nhiều năm qua, loại quả này được khách hàng đánh giá là ngon, ngọt, giòn, đặc trưng không vùng miền nào có được nên rất ưa dùng".
Tới đây, huyện Văn Lãng sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển vùng hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2030 đối với hồng Vành khuyên.
Ông Nguyễn Tuấn Minh - Chủ tịch UBND huyện Văn Lãng cho hay, cùng với nhân rộng diện tích lên 2.000ha vào năm 2025 và đạt 2.300ha vào năm 2030, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo tận dụng tối đa nguồn vốn từ các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia để đa dạng hóa hơn nữa cách phát triển thương hiệu.
Trước mắt, UBND huyện Văn Lãng sẽ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ giống hồng Vành khuyên; nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, chế biến để đa dạng chủng loại sản phẩm (hồng sấy khô, sấy dẻo); chú trọng xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm quả hồng Vành khuyên…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.