Người anh hùng chưa được tôn vinh

Chủ nhật, ngày 30/12/2012 14:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người ta gọi ông là “Dũng sĩ diệt máy bay”, “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Vua bãi nổi”... còn tôi chỉ muốn gọi ông là “Người anh hùng chưa được tôn vinh” với một hệ thống thành tích dày đặc...
Bình luận 0

... bắn rơi và bị thương 14 máy bay Mỹ, tiêu diệt hơn 200 lính Mỹ, cứu tài sản xã hội chủ nghĩa, để rồi bị vu mưu sát... Ông là thương binh 2/4 Phạm Duy Thiệu, thường trú tại phường Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội.

Trận đánh để đời

Đó là cú “đụng độ” cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp ngắn ngủi (1965 – 1969) của ông Thiệu. Trận đánh diễn ra tại cao điểm 69 (Bản Thùng, xã Sơn Long, Quế Sơn, Quảng Nam) nhằm bảo vệ đường rút an toàn cho tiểu đoàn phòng không duy nhất và là lực lượng dự trữ chiến lược cho “Mậu Thân 1968” của Quân khu V.

img
Ông Thiệu kể về “trận đánh để đời”.

Ngay từ mờ sáng ngày 6.11.1967, địch đã hội quân từ các căn cứ Quế Sơn, cầu Ông Triệu, đồi Núi Đất và cả từ ngoài khơi cấp tập nã đạn pháo vào cao điểm 69 suốt gần nửa giờ. Vì đất đá quá cứng, công sự chỉ đào được đến ngang đầu gối, khi chúi đầu xuống công sự tránh đạn pháo, chân lơ lửng trên mặt đất, ông Thiệu đã bị thương vào chân trái ngay từ loạt đạn đầu tiên. Mặc dầu vậy, ông vẫn quyết tâm “bắn tới viên đạn cuối cùng”.

“Anh nào bảo đi đánh nhau không sợ chết chỉ là nói phét” - ông Thiệu nói như quát lên với ai đó rồi bồi hồi nhớ lại: Ngay từ lúc dứt loạt pháo tọa độ, ngoi lên khỏi công sự, đối mặt với bốn - năm chục trực thăng quần đảo như bầy nhặng đổ quân xuống bãi đất trống trước mặt, người tôi run bắn lên, răng va vào nhau lập cập. Song chỉ sau vài loạt điểm xạ ngắn, chứng kiến tận mắt tụi lính rằn ri Mỹ to kềnh càng đổ gục, tôi mới tự tin trở lại. Tiêu diệt hết bọn rằn ri dưới đất (để nó đừng đánh mình), ông mới ngóc nòng khẩu 12 ly 7 lên trời bắn thẳng vào lũ trực thăng lăm le tìm cách đổ quân. 1 chiếc… 2 chiếc… rồi 3 chiếc bốc cháy ngùn ngụt, lao cắm đầu vào núi.

Bị đánh đau, lũ chỉ huy cho trực thăng dãn ra, điều pháo binh bắn cấp tập dọn bãi. Một lần nữa đạn pháo lại xới tung cả cao điểm 69. Nhưng ở vào vị trí đắc địa, nên tiểu đội ông chỉ bị thương 3 người. Sau khi bị ông Thiệu xơi tái thêm 2 chiếc trực thăng nữa, địch lại phải cho trực thăng dãn ra, điều máy bay phản lực đến ném bom rải thảm. Và đó chính là cơ hội để ông Thiệu đưa vào “bộ sưu tập diệt máy bay” của mình thêm 1 chiếc phản lực B57 nữa.

Trận đánh để đời ấy kết thúc khi khẩu 12 ly 7 của Phạm Duy Thiệu không còn một viên đạn nào nữa, và ông đã tháo khóa nòng theo nguyên tắc chiến trường. Ông Thiệu được cấp cứu trong tình trạng thoi thóp, cơ thể nát bươm với 19 vết thương trầm trọng.

Trận đánh để đời kết thúc khi khẩu 12 ly 7 của Phạm Duy Thiệu không còn một viên đạn. Ông Thiệu được cấp cứu trong tình trạng thoi thóp, cơ thể nát bươm với 19 vết thương trầm trọng.

Ngôi biệt thự để đời

Trở về đời thường năm 1969 với 9 mảnh đạn còn găm trong cơ thể, trong đó có một mảnh trong hộp sọ, một mảnh cận kề tim, anh thương binh trẻ 23 tuổi Phạm Duy Thiệu đã vật lộn sinh nhai với đủ thứ nghề, từ hớt tóc, sửa xe đạp đến ép đậu phụ… mà vẫn không đủ ăn.

Một ngày áp Tết Nguyên đán năm 1987, ông buột miệng hỏi đứa con lớn: “Tết này con thích gì?”, đứa trẻ hồn nhiên nói: “Con chỉ ước gì nhà mình có một nồi cơm trắng và một bát thịt kho thôi bố ạ”. Ước mơ giản dị của con trẻ khiến ông đắng cả miệng, và đó cũng chính là động lực thúc đẩy ông ra bãi giữa sông Hồng một mình tuyên chiến với đói nghèo.

Đồng đội của ông lúc ấy là 2 chú cún con, là cuốc, là xẻng, là dao, và hàng trăm chiếc bẫy chuột tự chế. Ngày vét bùn ao thả cá, lên liếp gieo hạt trồng rau, đêm đặt bẫy chuột làm thức ăn nuôi người và nuôi lợn.

Ròng rã 5 năm trời làm “Rô-bin-sơn” ở bãi giữa sông Hồng như thế, Phạm Duy Thiệu đã chiến thắng đói nghèo. Ông được báo chí lúc ấy phong tặng nhiều danh hiệu đặc biệt: “Vua bãi nổi”, “Vua bãi rều”, “Triệu phú sông Hồng”…

Năm 1993, ông Thiệu nhường lại cơ ngơi ở bãi giữa cho những người nông dân thiếu đất ở Hưng Yên, Hải Dương canh tác. Ông vào bãi ngoài Tứ Liên để thực hiện 2 dự án lớn mà ông đã nung nấu từ lâu. Một là cải tạo đất hoang hoá ở bãi giữa, lấp ao (vốn là dòng chảy của sông Hồng) sâu hàng chục mét để dựng ngôi biệt thự lớn vào bậc nhất ở bãi Tứ Liên lúc ấy bằng chính những đồng tiền mà ông đã tích cóp từ rau, cá, chuột, lợn ở bãi giữa. Hai là luyện thi vào khoa Luật thuộc Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để tiếp tục “cuộc chiến” chống tiêu cực tại địa phương mà ông đã “khai hỏa” từ những năm 70 của thế kỷ XX.

Nỗi trăn trở để đời

Năm 1995, khi đang là sinh viên khoa Luật, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của ông đã mang lại kết quả làm nức lòng dân, với hàng chục cán bộ bị khai trừ khỏi Đảng, trong đó có 2 cán bộ là chủ tịch và bí thư Đảng ủy xã Tứ Liên kiêm huyện ủy viên Từ Liêm phải hầu tòa lĩnh án treo.

Cùng năm đó, ngày 5.10, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 có Công văn số 45/CV và số 283/CV gửi Tổng cục Chính trị và Cục Chính sách Bộ Quốc phòng đề nghị Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Thiệu. Bộ hồ sơ đính kèm công văn bao gồm: Giấy chứng nhận bắn cháy 10 máy bay Mỹ, bắn bị thương 4 chiếc khác, giấy chứng nhận Dũng sĩ diệt máy bay, Dũng sĩ diệt Mỹ, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Hai, hạng Ba và hàng loạt huân - huy chương khác.

Điều này khiến cho các phần tử đã bị khai trừ khỏi Đảng câu kết với cán bộ đương chức tại phường Tứ Liên đang bị ông tố cáo phạm pháp trở giáo phản công vu cáo ông 3 tội: Lấn chiếm đất công, mạt sát cán bộ, thổi phồng thành tích sản xuất. Tội “lấn chiếm đất công” đã được Thanh tra thành phố Hà Nội hóa giải tại Công văn số 323/TTHN, ký ngày 6.10.1994: “Mảnh đất ông Thiệu đang sử dụng hiện nay tại xóm 1 Tứ Liên là đất ao sâu ngoài bãi sông Hồng do ông tự thuê đổ đất san lấp một phần để xây dựng nhà và vườn. Đến nay địa phương đang làm các thủ tục để xin hợp thức 644m2 cho gia đình ông Thiệu”.

Tội “mạt sát cán bộ” và “thổi phồng thành tích sản xuất” cũng đã được Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội hóa giải bằng Kết luận số 74/KL-KT ký ngày 25.4.1996: “Đồng chí (Thiệu) đã tích cực lao động sản xuất và công tác, dũng cảm cứu người bị nạn, tham gia các hoạt động từ thiện”.

Mặc dầu vậy, chính quyền xã Tứ Liên vẫn không buông tha ông. Ngày 5.4.1995, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bá Diên xác nhận vào bản thành tích cá nhân đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho ông, thì ngày 12.12.1995 lại cũng chính tay ông Diên ký công văn số 94/CVUB gửi Chủ tịch nước phản đối việc phong tặng Anh hùng cho ông Thiệu.

Việc phong danh hiệu Anh hùng cho ông Phạm Duy Thiệu bị ách tắc tới tận hôm nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem