Người có uy tín giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm "sống dậy" những làng nghề, điệu hát độc đáo

Thiên Ngân Thứ ba, ngày 12/12/2023 18:36 PM (GMT+7)
Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được người có uy tín lưu giữ và phát huy, điển hình như Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông, hát Then của dân tộc Tày, hát Song Hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan, nhà Gươl của người Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế...
Bình luận 0

Người có uy tín phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu

Theo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc cho biết, đối với vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì hệ thống luật tục mang đậm nét bản sắc dân tộc, chi phối, tác động ảnh hưởng rất mạnh đến đời sống sinh hoạt của người dân và cả cộng đồng dân cư. 

Người có uy tín thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, bằng hành động, việc làm cụ thể để làm gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, trong dòng họ và cộng đồng tham gia bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Bên cạnh đó, những người có uy tín, các già làng, trưởng bản cũng góp phần rất lớn vào việc giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, các lễ hội truyền thống của các dân tộc và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang. 

Theo đó, rất nhiều phong tục tập quán độc đáo được gìn giữ và phát triển như Lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông; lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày; lễ hội xuống đồng của dân tộc Giáy tỉnh Lào Cai; Arieuping, mừng lúa mới của người Tà Ôi; các làn điệu dân ca, tục đi Sim của người Vân Kiều… 

Người có uy tín giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm "sống dậy" những làng nghề, điệu hát độc đáo  - Ảnh 1.

Già làng K'Tiếu chỉ cho các học trò của mình đánh chiêng ngay tại sân của UBND xã Đinh Lạc trước khi vào hỗ trợ phần thi Bí thư Chi bộ giỏi cho Bí thư Chi bộ thôn Duệ, Mhiu Nguyên. Ảnh: Văn Long.

Khi phong tục tập quán được gìn giữ và phát huy thì các nghề truyền thống cũng có "đất sống", thậm chí trở thành nét đẹp ở nhiều bản làng, thu hút sự quan tâm của du khách gần xa, như nghề gốm ở Bình Đức, nghề dệt thổ cẩm ở Phan Hòa, nghề đan lát… của đồng bào Raglay, Cơ Ho tỉnh Bình Thuận được khôi phục và phát triển. 

Đặc biệt, nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, lễ hội truyền thống đã được người có uy tín lưu giữ và phát huy, điển hình như những làn điệu hát Then của người dân tộc Tày, hát Song Hao của dân tộc Nùng, hát Sình Ca của Dân tộc Cao Lan, dân ca Soọng Cô của dân tộc Sán Dìu; nhà Gươl của dân tộc Cơ Tu ở tỉnh Thừa Thiên Huế...; lễ hội Chợ tình Khâu Vai của dân tộc Nùng, lễ hội cầu mưa của dân tộc Lô Lô ở Hà Giang; Lễ ra tháng của người Sán Chỉ; Lễ cấp sắc của người Dao; Lễ hội Ka tê của dân tộc Chăm ở Bình Thuận; Lễ hội Cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo, Tết Chôl Chnăm Thmây của dân tộc Khmer… 

Trong lĩnh vực này đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như ông Hà Văn Thuấn, sinh năm 1942, dân tộc Tày ở thôn Tân Hợp, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực khai thác sưu tầm những bài hát Then, hát Cọi, hát Phong Slư theo lời cổ và sưu tầm dịch phổ nhạc hơn 10 bài lời cổ, sáng tác lời mới theo các làn điệu của dân tộc được trên 50 bài như hát theo làn điệu Then. Đồng thời, ông Thuấn cũng mở lớp dạy đàn hát Then cho các cháu thanh thiếu nhi, nhằm lưu giữ lại vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. 

Người có uy tín giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, làm "sống dậy" những làng nghề, điệu hát độc đáo  - Ảnh 2.

Nghệ nhân K'Tiếu dạy các học trò của mình đánh chiêng ngay tại nhà. Ảnh: Nam Phong.

Là người có 57 năm đánh cồng chiêng cùng với mọi người trong buôn làng, đến nay khi cuộc sống ấm no, yên bình, song già làng K’Tiếu (thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) vẫn giữ lửa đam mê, truyền dạy đánh chiêng cho các bạn trẻ, học sinh tại địa phương.

Già làng K’Tiếu cũng cho hay, bài chiêng của người K’ho tại Di Linh không nhiều. Người dân chỉ chơi khoảng 5 bài, sau này ông sáng tác thêm 2 bài nữa. Do người dân trong làng đã quên, ít chơi chiêng nên các giai điệu truyền thống đã bị mai một. Chính vì vậy, căn nhà của giàn làng K’Tiếu lại trở thành trường, nơi chắp cánh đam mê cồng chiêng cho nhiều bạn trẻ trong làng.

Già làng K’Tiếu cũng rất tự hào khi nói về việc mình mới được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích trong bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trước đó, năm 2015, ông K’Tiếu được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận Nghệ nhân cồng chiêng. Sau đó, năm 2022, ông tiếp tục được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

"Mình thì cứ vô tư chơi và dạy các cháu đánh chiêng cho thỏa đam mê. Đến năm 2005 thì xã Đinh Lạc đã phát hiện ra và chọn tôi làm người truyền dạy, mở lớp dạy bài bản hơn. Đến nay, tôi đã dạy chắc ngót nghét 200 người rồi" - ông K'Tiếu tâm sự. 

Trước đây, ông K'Tiếu hầu như chỉ dạy cho con trai, đàn ông trong làng. Tuy nhiên, theo phong tục của người K’ho Sre theo chế độ mẫu hệ, phụ nữ bắt chồng. Chính vì vậy, khi con trai học cồng chiêng xong, họ đi lấy vợ ở tứ xứ, nghề đánh chiêng của mình cũng cứ thế mà lụi dần, không còn mạnh nữa. "Chính vì vậy, tôi đã thay đổi suy nghĩ là dạy những người phụ nữ trong làng để họ bảo tồn, phát huy truyền thống của dân tộc" - ông K'Tiếu nói thêm. 

Tích cực tuyên truyền nhân dân thực hiện nếp sống mới

Cũng theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, thời gian qua người có uy tín trên cả nước đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Họ bỏ nhiều thời gian, công sức để vận động bà con dân bản loại bỏ những hủ tục lạc hậu như: Người chết không để lâu trong nhà, cưới xin không thách cưới, tổ chức tiệc tùng dài ngày; người dân đã ăn, ở hợp vệ sinh; thực hiện di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở; vận động nhân dân tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, tinh thần, không tin, không nghe theo các loại tà đạo, đạo lạ gây ảnh hưởng đến tâm lý, đời sống văn hóa và tình hình an ninh trật tự tại địa bàn. 

Tiêu biểu như các tấm gương của ông Sùng A Tu, dân tộc Mông, tỉnh Cao Bằng; ông Chảo Láo Lở, dân tộc Dao huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; ông Sầm Văn Dừn, dân tộc Sán Chay, tỉnh Tuyên Quang; ông Lý Viết Thảy, dân tộc Nùng tỉnh Lạng Sơn; ông Đô Hô Sên, dân tộc Chăm, già làng Điểu Văn Cao, dân tộc Chơ ro tỉnh Đồng Nai…

Người có uy tín giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc  - Ảnh 1.

Vợ chồng ông Vừ Sua Ly tuyên truyền, giáo dục con, cháu chấp hành pháp luật. Ảnh: Mạnh Tùng

Năm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng vợ chồng ông Vừ Sua Ly - người có uy tín ở bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La vẫn đều đặn cùng nhau đi đến từng nhà trong dòng họ để nắm tình hình, tâm tư, tình cảm và tuyên truyền, giáo dục, vận động con, cháu trong dòng họ mình chấp hành  quy định của pháp luật, không vi phạm tệ nạn xã hội…

"Tôi tuổi đã già rồi, nhưng để con cháu mình có cuộc sống tốt cùng sự phát triển của xã hội, tôi luôn tuyên truyền cho con cháu mình về các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước, chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương, thôn bản… Con trẻ thì chịu khó học tập, giúp đỡ gia đình, không dính vào tệ nạn xã hội" - ông Vừ Sua Ly cho biết.

Tương tự, ông Vì Khua Nu, Trưởng dòng họ "Vì" ở bản Nong Vai, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu (Sơn La) cũng luôn gương mẫu đi đầu, tích cực vận động người thân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền, dụ dỗ, lôi kéo của kẻ xấu tham gia thành lập "Nhà nước Mông"; tích cực lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo...

Nói về việc phát huy vai trò, trách nhiệm của bản thân, ông Vì Khua Nu chia sẻ: "Với cương vị, trách nhiệm của người trưởng dòng họ và có uy tín trong bản, rất đông dòng họ, trước hết là mình động viên, vận động người thân, người nhà của mình xong mới đến các dòng họ khác. Bản thân mình cũng phải thường xuyên phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và các ban ngành của bản tham mưu cho đồng chí Bí thư chi bộ về công tác nắm tình hình, an ninh trật tự trên địa bàn". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem