Người dân đăng ký đi xe đạp công cộng gia tăng, TP.HCM đề xuất mở rộng thêm làn đường

Chinh Hoàng Thứ hai, ngày 21/03/2022 12:39 PM (GMT+7)
Hiện nay, lượng tài khoản đăng ký sử dụng xe đạp công cộng gia tăng. Dự kiến, TP.HCM sẽ mở rộng mô hình này ra một số quận, huyện sau một năm hoạt động.
Bình luận 0

Người dân sử dụng xe đạp công cộng chủ yếu vào chiều tối

Theo nhiều ý kiến của người dân sống ở quận 1, họ chủ yếu đăng kí thuê xe đạp công cộng để tập thể dục và trải nghiệm. Tuy nhiên, vì điều kiện thời tiết ở TP.HCM nóng bức nên phần lớn họ chọn chiều tối là khoảng thời gian thích hợp để dạo quanh thành phố bằng xe đạp.

Bà Nguyễn Thị Huyền (ngụ phường Bến Nghé, quận 1) cho biết, trước kia vào cuối giờ chiều, bà thường xuyên chạy bộ ở khu vực công viên Tao Đàn. Từ khi có dịch vụ xe đạp công cộng, bà chuyển qua đạp xe để tập thể dục.

Người dân đăng ký đi xe đạp công cộng gia tăng TP.HCM đề xuất mở rộng thêm làn đường  - Ảnh 1.

Người dân ở TP.HCM chủ yếu thuê xe đạp để tập thể dục, dạo quanh thành phố vào buổi chiều tối. Ảnh: Chinh Hoàng

"Thông thường, tôi bận việc mua bán từ sáng đến hơn 17h, thời gian nghỉ tôi đăng ký thuê xe đạp, vừa tập thể dục, vừa chở cháu đi dạo quanh thành phố. Giá cả thuê xe rẻ 1 tiếng 10 nghìn đồng, vậy nên nhiều người là bạn bè của tôi cũng lựa chọn phương án này để giải khuây sau giờ làm việc buổi chiều".

Tương tự, ông Đặng Phát, một người dân từng thuê xe đạp trải nghiệm chia sẻ: "Tôi đã đi thử, xe đạp chạy tốt, giá cả phù hợp, nhưng chỉ đi tập thể dục và chiều tối mát mẻ chạy lòng vòng, giải trí thì phù hợp hơn".

Người dân đăng ký đi xe đạp công cộng gia tăng TP.HCM đề xuất mở rộng thêm làn đường  - Ảnh 2.

Đăng ký xe đạp công cộng gia tăng, TP.HCM dự kiến mở rộng thêm ở các quận... Ảnh: Chinh Hoàng

Trước đó, tại buổi họp báo chiều 17/3 thông tin về tình hình Covid-19 và một số mặt của đời sống tại TP.HCM, ông Phạm Đức Hải - Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, đã thông tin về tình hình hoạt động của mô hình xe đạp công cộng trên địa bàn quận 1 sau 55 ngày thí điểm.

"Từ ngày 16/12/2021 đến ngày 8/2/2022 (55 ngày), mô hình hoạt động xe đạp công cộng (500 chiếc tại 43 trạm) trên địa bàn quận 1 có 80.897 tài khoản đăng ký mới, trung bình 1.470 tài khoản/ngày. 

Số khách sử dụng lại dịch vụ (từ 2 chuyến trở lên) là 15.625 khách hàng. Có 85.256 chuyến đi, trung bình 1.579 chuyến/ngày, 65.7 chuyến/giờ, tổng quãng đường là 390.810km, trung bình 4.58km/chuyến.

Tổng thời lượng sử dụng là 5.050.500 phút (tương đương 84.175 giờ), trung bình 59.52 phút/chuyến. Tần suất hoạt động: 100% thời gian trong ngày đều có khách sử dụng dịch vụ" - ông Hải cho biết.

Mở rộng dịch vụ xe đạp công cộng lân cận ở các quận

Cũng theo ông Hải, tới đây, TP.HCM dự kiến đề xuất mở rộng dịch vụ ra các quận lân cận như: quận 2, 3, 7, Bình Thạnh và quận Phú Nhuận sau thời gian thí điểm, ưu tiên khu vực quanh nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 1, các tuyến xe buýt.

Dịch vụ xe đạp công cộng tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm TP.Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy dịch vụ xe đạp công cộng tăng cường tính hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (MRT, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy…), hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Người dân đăng ký đi xe đạp công cộng gia tăng TP.HCM đề xuất mở rộng thêm làn đường  - Ảnh 4.

55 ngày thí điểm cho thấy sự đón nhận của người dân đang có phần vượt mức kỳ vọng. Hầu hết người dân đều sử dụng dịch vụ một cách văn minh, trả xe đúng nơi quy định, xếp xe gọn gàng. Ảnh: Chinh Hoàng

Qua 55 ngày thí điểm cho thấy sự đón nhận của người dân đang có phần vượt mức kỳ vọng. Hầu hết người dân đều sử dụng dịch vụ một cách văn minh, trả xe đúng nơi quy định, xếp xe gọn gàng. Ngay cả trong trường hợp trạm hết chỗ để, người dân vẫn xếp xe ngay ngắn theo hàng bên cạnh.

"Đối với phản ứng của khách hàng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cũng rất tích cực cả về trải nghiệm đạp xe lẫn chất lượng dịch vụ. Thời điểm khách sử dụng dịch vụ nhiều nhất vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều đến tối. Lượng xe sử dụng luôn lớn hơn 50%, đặc biệt các trạm trung tâm như: Nguyễn Huệ, Hàm Nghi, Vincom…, thường xuyên sử dụng hết xe", ông Hải cho biết thêm.

Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), ông Đỗ Ngọc Hải cho hay: Để tránh đi vào "vết xe đổ" của Hà Nội, đơn vị đã triển khai ứng dụng công nghệ trong mô hình xe đạp công cộng, nhằm tạo sự thuận tiện nhất cho người dân.

"Về lâu dài, thành phố sẽ phải nghiên cứu đến việc thiết kế phần đường dành riêng cho xe đạp để đảm bảo an toàn. Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ để làm sao có thể kết nối phần mềm quản lý người đi xe đạp với xe buýt và metro. Phần mềm này có thể cảnh báo sớm vị trí ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc giao thông để cho người dùng được thuận tiện hơn", ông Hải nói.

Dịch vụ xe đạp công cộng tại TP.HCM được khai trương ngày 26/12/2021. Sở GTVT TP cùng Tập đoàn Trí Nam đã chuẩn bị chính sách, phương tiện với 100% vốn xã hội hóa để đưa vào 500 xe đạp ở 43 vị trí khu vực trung tâm TP. Mục đích là thêm sự lựa chọn đi lại cho người dân, góp phần giảm người đi xe cá nhân.

Giá cho thuê xe đạp là 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Người thuê xe có thể sử dụng phương thức đóng, mở khóa xe bằng cách sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh đề xuất quét mã QR Code được in trên khóa.

Đồng thời, người dùng cũng có thể đặt xe trước thông qua ứng dụng di động, website và sử dụng quét mã QR Code hoặc dùng thẻ từ để mở khóa xe tại trạm. Phương thức thanh toán có thể trả tiền qua các ứng dụng thẻ điện tử như ví MoMo, Visa hay Mastercard…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem