Người dân đứng ngồi không yên vì quyết định bất nhất của UBND tỉnh Đắk Lắk

Duy Hậu Thứ sáu, ngày 18/09/2020 08:50 AM (GMT+7)
Hơn hai tháng qua, hàng trăm người dân tỉnh Đắk Lắk hết sức bức xúc vì không thể thực hiện được nghĩa vụ thuế để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nguyên nhân của tình trạng này lại xuất phát từ một quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk.
Bình luận 0

Chậm nhưng… không chắc

Căn cứ Nghị định 96/2019/NĐ-CP ngày 19/12/2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất, ngày 22/5/2020, HĐND tỉnh Đắk Lắk đã ra Nghị quyết số 01 về Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh giai đoạn 2020-2024. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2020.

Dựa theo Nghị quyết này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định (QĐ) số 22 ngày 3/7 ban hành Bảng giá và quy định Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2020-2024. 

QĐ này thay thế cho QĐ số 43 ngày 22/12/2014 quy định bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, so với Nghị quyết 01 của HĐND tỉnh Đắk Lắk, QĐ 22 của UBND tỉnh Đắk Lắk được ban hành chậm hơn 1 tháng.

Tuy nhiên, sau 2 tháng có hiệu lực, QĐ 22 của UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn không thể thực hiện được. Bởi điều tréo ngoe ở đây là theo quy định sau khi QĐ được ký 10 ngày thì sẽ có hiệu lực, tức ngày 13/7, QĐ 22 của UBND tỉnh Đắk Lắk mới chính thức được áp dụng. 

Việc này thể hiện tại điều 5 của QĐ 22. Song cũng trong QĐ 22, tại điều 1 lại nêu: "Bảng giá các loại đất áp dụng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố áp dụng kể từ ngày Nghị quyết 01/2020/NQ-HĐND ngày 22/5/2020 của HĐND tỉnh có hiệu lực thi hành (ngày 1/6/2020)".

Cơ quan thuế "bó tay"

Ông Ngô Việt Hồng, Phó cục trưởng Cục Thuế Đắk Lắk cho biết, do sự "đá nhau" trong cùng một QĐ đã khiến cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất. Cơ quan thuế đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh về vấn đề này.

Người dân đứng ngồi không yên vì quyết định tréo ngoe của UBND tỉnh Đắk Lắk - Ảnh 3.

Anh D.D.A.T, một người dân tại phường Tân An, TP.Buôn Ma Thuột bức xúc về việc bị "giam hồ sơ trong thời gian dài.

Theo đó, do từ ngày 1/6 đến ngày 3/7 UBND tỉnh chưa ban hành bảng giá đất mới (QĐ 22) nên cơ quan thuế đã căn cứ bảng giá đất cũ (QĐ 43) để xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất. 

Từ 1/6 đến 12/7 (trước khi QĐ 22 có hiệu lực), số hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính cơ quan thuế đã tiếp nhận là gần 11 ngàn bộ. Trong đó, có hơn 10 ngàn bộ đã thông báo nộp nghĩa vụ tài chính theo QĐ 43, 278 hồ sơ theo QĐ 22 và hơn 500 hồ sơ chưa thông báo nghĩa vụ tài chính. 

Trong đó, số hồ sơ thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính theo QĐ 22 là do người sử dụng đất có nhu cầu và cam kết thực hiện. Tổng số tiền người dân sử dụng đất đã nộp là 147, 976 tỷ đồng.

Cũng ông Hồng: "Nếu áp dụng nghĩa vụ tài chính theo QĐ 22 kể từ ngày 1/6 thì sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất do chênh lệch giá (tăng khoảng 40%) so với QĐ 43. 

Việc truy thu sẽ làm ảnh hưởng đến hàng ngàn người và sẽ tạo tâm lý không đồng thuận trong nhân dân, dẫn đến tình trạng khiếu nại kéo dài đông người gây mất trật tự an toàn xã hội. 

Bên cạnh đó, đối với cơ quan nhà nước, việc này sẽ tạo ra một khối công việc rất lớn. Cơ quan Tài nguyên và Môi trường phải thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đã cấp, hủy gần 11 ngàn hồ sơ đã thực hiện theo QĐ 43 để ban hành chừng ấy hồ sơ theo QĐ 22. 

Cơ quan thuế cũng phải hủy gần 11 ngàn hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính của người dân theo QĐ 43 để ban hành lại theo QĐ 22. Không chỉ thế, việc truy thu tiền thuế đối với gần 11 ngàn hồ sơ sẽ gây một áp lực rất lớn đối với cơ quan nhà nước do nhiều người đã chuyển nhượng hoặc di chuyển đi nơi khác, thế chấp ngân hàng, khó khăn về tài chính, không đồng tình…".

Trả lời về vấn đề này, ông Bùi Hồng Quý, Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện nay UBND tỉnh đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các sở ngành khác tham mưu để sửa đổi, bổ sung QĐ 22. 

"Hiện nay, thời gian chính thức để thực hiện QĐ 22 vẫn đang còn chờ QĐ chỉnh sửa, bổ sung. Trước mắt, UBND tỉnh chỉ đạo, đối với những hồ sơ nhận từ 1/6 đến 12/7 thì tạm thời khoanh lại chờ QĐ mới. Riêng các hồ sơ nộp sau ngày 13/7 thì sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính theo QĐ 22" - ông Quý nói thêm.

Người dân bức xúc

Anh D.D.A.T (trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, trong tháng 6 anh làm thủ tục chuyển đổi mục đích từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để phân chia tài sản với 2 người chủ đất. Ngày 19/6 Phòng Tài nguyên – Môi trường TP.Buôn Ma Thuột tiếp nhận hồ sơ và ghi phiếu hẹn ngày trả thông báo thuế là 30/7. Tuy nhiên, sau đó anh T. nhiều lần đến Chi cục Thuế TP Buôn Ma Thuột nhưng đều nhận được câu trả lời chưa có.

“Cán bộ thuế trả lời miệng với tôi rằng chưa có thông báo thuế vì đang áp dụng thuế mới nên Phòng TN-MT chưa chuyển lên. Tôi nộp hồ sơ bằng văn bản nên mong muốn cơ quan chức năng phải trả lời bằng văn bản để tôi còn trả lời cho 2 người đồng sở hữu đất với tôi biết. Việc chậm trễ này khiến công việc không thể xử lý gây ảnh hưởng đến kinh tế”- anh T. nói.

Tương tự chị N.T.H (trú huyện Krông Pắk) cho biết, gia đình chị có mua một thửa đất tại phường Ea Tam (TP Buôn Ma Thuột) để xây nhà và đã nộp hồ sơ để chuyển quyền sử dụng đất vào ngày 7/7. Phiếu hẹn ghi rõ ngày 16/7 sẽ nhận thông báo thuế. Thế nhưng đến hẹn, Chi cục thuế lại báo là chưa có.

“Họ hẹn đến ngày 30/7 sẽ có nhưng đến tận tháng 9 vẫn chưa có. Cứ hẹn lên hẹn xuống, bảo hồ sơ chưa về, tôi bỏ công bỏ việc đi đi về về rất mệt mỏi. Lô đất này tôi định xây nhà nhưng không có giấy tờ nên không xin được giấy phép xây dựng. Trong khi đó thợ tôi đã thuê, vật liệu đã hợp đồng rồi mà phải ngưng lại hết”- chị H. bức xúc.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem