Ngoài yếu tố thời tiết thì sự chủ quan, thờ ơ của người dân trong công tác phòng bệnh là nguyên nhân dẫn tới sự bùng phát dịch bệnh.
Cả buôn mắc SXH
Nhiều bệnh nhân SXH đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô. Ảnh: Khoa Điềm
Thời gian qua, chúng tôi đã làm rất mạnh, đã tổ chức chiến dịch người dân tự diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy để phòng chống bệnh Zika và SXH. Sau đó, đi kiểm tra lại thì công tác vệ sinh môi trường gần như không chuyển biến gì”.
Ông Đinh Hà Nam - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai
|
Gia Lai hiện là tỉnh có số người mắc SXH cao nhất khu vực Tây Nguyên với gần 3.800 trường hợp, tiếp đó là tỉnh Đăk Lăk với 2.200 ca bệnh. 100% huyện, thị xã, thành phố ở 2 tỉnh này đều có ca bệnh và có nơi, cả buôn đều mắc SXH. Chị HLưới Kpă, ở buôn Sek, xã Dlei Yang, huyện Ea Hleo (Đăk Lăk) cho biết: “Cả làng bị SXH rồi, có người thì 2 -3 lần sốt, mình mới bị sốt lần đầu tiên. Chưa đi bệnh viện vì đang điều trị ở nhà. Đi bệnh viện cũng vậy à”.
Do số ca mắc SXH tăng cao nên các bệnh viện trong khu vực đang trong tình trạng quá tải. Với trên 540 ca nhập viện điều trị, huyện Đăk Tô là địa phương có số bệnh nhân mắc SXH nhiều nhất Kon Tum. Bác sĩ Tô Ngọc Phấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô cho biết: “Hiện số bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm là 150, có lúc lên tới gần 160 ca. Khoa Y học nhiệt đới luôn trong tình trạng quá tải nên chúng tôi phải kê thêm giường để bệnh nhân nằm ghép với các khoa khác”.
Chủ quan với dịch bệnh
Ngay những tuần đầu mùa mưa, ngành y tế tỉnh Kon Tum đã lập các tổ xung kích, phun hóa chất kết hợp dọn dẹp vệ sinh môi trường, đồng thời cùng chính quyền địa phương xuống tận các hộ dân nhắc nhở, hướng dẫn cách phòng bệnh, chú ý việc diệt loăng quăng, bọ gậy. Nhưng theo bác sĩ Nguyễn Thị Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Kon Tum, thái độ lơ là và tâm lý chủ quan của người dân đã gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch SXH. “Người dân cứ nghĩ phun thuốc là phòng được bệnh, trong khi bệnh SXH phải tự đề phòng bằng cách diệt muỗi, làm sạch các dụng cụ chứa nước trong gia đình. Khi phun hóa chất, chúng tôi đều có thông báo, nhưng một số bà con không hợp tác để ở nhà mở cửa, thậm chí còn không đồng ý cho nhân viên vào nhà để phun hóa chất” - BS Vân cho hay.
Hàng ngày, vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Giang ở thôn 4, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô thường phải dậy từ khoảng nửa đêm để đi cạo mủ cao su. Mùa mưa muỗi trong lô cao su rất nhiều, trong thôn cũng đã có 4-5 người mắc SXH phải nhập viện điều trị, nhưng chị Liên và chồng vẫn chủ quan, hầu như không có biện pháp gì để phòng muỗi đốt. Hậu quả là ngày 30.7 vừa qua, anh Giang có biểu hiện bị sốt và phải nhập viện điều trị.
Theo điều tra của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên mới đây, tại Kon Tum, có 79% số người dân được hỏi có hiểu biết về phòng chống SXH nhưng thực hành đúng mới đạt 60%. Cụ thể như ở Đăk Tô, trước tình hình SXH bùng phát mạnh, cùng với ngành y tế, chính quyền địa phương đã thành lập Đội xung kích phòng chống dịch ở tất cả 67 thôn làng, tổ dân phố, song sau đợt xung kích, mọi chuyện lại đâu vào đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.