'Người Dao chúng mình cũng biết làm nông thôn mới rồi!'

Thứ bảy, ngày 16/07/2016 07:32 AM (GMT+7)
Những năm qua, cộng đồng người Dao sinh sống tại huyện miền núi Sông Lô (Vĩnh Phúc) dù con gặp vô vàn khó khăn nhưng đã nỗ lực trở thành nòng cốt trong xây dựng NTM, góp phần đưa thôn, xã mình trở thành điểm sáng trong công cuộc xây dựng quê hương.
Bình luận 0

img

Cổng làng Thành Công, xã Lãng Công, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc

Nổi bật giữa núi rừng

Huyện Sông Lô là huyện miền núi có điều kiện, lợi thế phát triển kinh tế, văn hóa..., kém rất xa so với các huyện đồng bằng không chỉ trong địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mà của cả nước.

Vậy nhưng, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và đặc biệt là sự quyết tâm rất cao của nhân dân, trong đó có đồng bào Dao, huyện Sông Lô đã đạt được những kết quả nhất định trong công cuộc xây dựng NTM, với 9/16 xã đã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu đến năm 2017, huyện miền núi này sẽ trở thành huyện NTM.

Thành quả này không thể không ghi nhận sự đóng góp của đồng bào dân tộc Dao tại đây. Đồng bào Dao không chỉ nỗ lực, quyết tâm trong phát triển kinh tế gia đình, bà con còn chung tay tích cực xây dựng NTM tại địa phương trên tất cả các mặt trận văn hóa, xã hội, kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng... Trong đó, cộng đồng người Dao sinh sống tại thôn Thành Công, xã Lãng Công là một điển hình.

Trong giai đoạn 2010 - 2015, đồng bào Dao thôn Thành Công đã rất tích cực góp sức, của cải, trí tuệ, sáng kiến, mô hình vào công cuộc xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Đồng bào đã tự nguyện hiến đất vườn, đất ruộng để quy hoạch làm cơ sở hạ tầng của thôn, xã như đường, điện, hệ thống thủy lợi, cổng làng…, với tổng diện tích đất hiến lên đến hàng chục nghìn mét vuông. Đến nay, đường giao thông nông thôn đã được đổ bê tông khang trang, cổng làng to đẹp, hệ thống thủy lợi đáp ứng tốt hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chẳng vậy mà đi từ cổng làng vào ai cũng dễ dàng quan sát được đường làng ngõ xóm chạy quanh co khang trang sạch đẹp. 100% ngôi nhà của bà con được lợp mái ngói đỏ tươi và những điểm nhấn là nhà văn hóa thôn, công trình công cộng to đẹp… Đó là một diện mạo mới với đầy ắp hơi thở của cuộc sống mới ở vùng miền núi này.

Ông Lê Hồng Công - PCT UBND xã Lãng Công cho biết: “Đồng bào Dao thôn Thành Công đóng góp rất nhiều trong xây dựng cơ sở vật chất phúc lợi chung. Thôn Thành Công cũng là thôn có trình độ học cao nhất với nhiều con em thi đỗ đại học với kết quả cao nhất. Nhiều phong trào, nếp sống văn hóa… đều đi đầu”.

img

 Nhà văn hóa thôn Thành Công

Để đạt được thành quả này phải nói đến công tác tuyên truyền, vận động hiệu quả của chính quyền xã, thôn, để người dân hiểu được mình vừa là chủ thể, vừa là những người trực tiếp hưởng lợi từ thành quả công cuộc xây dựng NTM đem lại.

Bên cạnh đó là chương trình hỗ trợ và kích cầu của xã để khuyến khích bà con nông dân tự nguyện đóng góp tiền của và sức người, trực tiếp tổ chức thi công, giải phóng mặt bằng, mang lại hiệu quả cao. Sau hơn 1 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đời sống nhân dân thôn Thành Công đã ngày một nâng cao. Từ một thôn đồng bào dân tộc thiểu số với bộn bề khó khăn nay đã trở thành một trong những khu dân cư phát triển kiểu mẫu của huyện.

Kinh tế khởi sắc, thu nhập tăng cao

Đồng bào Dao ở đây ý thức rằng, phải đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao cuộc sống vật chất cho người dân. Mà muốn phát triển được kinh tế phải đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác.

Trước đây người dân trồng lúa trên ruộng bậc thang. Sau đó bà con thử nghiệm chuyển đổi cây trồng sang trồng bí, khoai tây, thanh hao theo chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng của tỉnh nhưng không thành công. Lý do là thổ nhưỡng đất đai không phù hợp và không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Do vậy bà con đã quay về tập trung vào trồng lúa nhưng là lúa chất lượng cao. Do áp dụng tốt tiến bộ KHKT và giống mới vào sản xuất mà năng suất đã tăng lên rất cao. Trước đây mỗi mùa vụ thu hoạch 1,8 - 2 tạ thóc/sào ruộng, nay tăng lên 2,5 - 3 tạ một sào, giá trị thì tăng gần gấp đôi. Ngoài trồng lúa, người dân còn làm ra các sản phẩm lâm nghiệp…

img

 Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Bên cạnh phát triển nông nghiệp, đồng bào Dao nơi đây tích cực chuyển đổi từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp và dịch vụ. Theo đó một bộ phận lớn người dân đã đi làm theo thời vụ tại các Cty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho thu nhập cao. Ngày mùa người dân tập trung làm ruộng, kết thúc mùa vụ lại đến Cty, doanh nghiệp làm thuê.

Đồng bào Dao cũng tích cực phát triển nghề có truyền thống lâu đời của mình là trồng, chế biến và bán thuốc nam để gia tăng thu nhập cho cuộc sống.

Ông Phùng Mạnh Hùng, Trưởng thôn Thành Công chia sẻ: “Từ lúc tôi mới làm trưởng thôn, hộ nghèo chiếm đến 40%. Thế mà đến nay cả thôn có trên 200 hộ, chỉ còn có 5 hộ nghèo… Thu nhập của bà con tăng từng ngày, mức thu nhập tăng ổn định. Nhiều hộ đủ ăn rồi tiến lên khá giả, giàu có. Làm thế nào được thế? Đó là do định hướng của Đảng, chính sách của Nhà nước đúng đắn, bà con nỗ lực, cố gắng và sáng tạo trong thực hiện, đặc biệt là trong phát triển kinh tế theo nhu cầu của thị trường, chuyển đổi lao động để làm công nhân theo nhu cầu của thị trường”.

Cùng với việc phát triển kinh tế cải thiện đời sống vật chất, Thành Công không quên chú trọng nâng cao đời sống tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người Dao có vốn văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú, lại tích cực trong công tác đoàn thể, vì vậy mà thôn Thành công là địa phương đi đầu trong xã về phong trào văn hóa, văn nghệ. Với truyền thống văn hóa “cha truyền con nối” đến nay, cộng đồng người Dao ở Thành Công vẫn giữ được nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần cổ truyền như miếu của dân tộc Dao, lễ cấp sắc, Tết nhảy, lễ tơ hồng trong cưới xin…

Ngọc Mai (Nông nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem