Người đi về phía rừng

Thứ hai, ngày 02/09/2013 14:39 PM (GMT+7)
Một con người mà cộng đồng dân tộc Chăm Hroi hết sức tự hào. Một đời ông tìm chữ viết cho dân tộc mình, đắm say khảo cứu trường ca Tây Nguyên, dứt áo quan lại về với màu xanh núi rừng…
Bình luận 0
Cuộc đời nhà nghiên cứu văn hóa Ka Sô Liễng lặng lẽ và sâu trầm như bóng cây kơ nia sừng sững giữa đại ngàn Trường Sơn.

Tạo chữ viết Chăm Hroi

80 rồi, ông vẫn còn chắc nịch, nhất là từ khi rời căn nhà tiện nghi ở TP.Tuy Hòa về rừng ở buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, Phú Yên). Với trăn trở “sao người Chăm Hroi không có chữ viết?”, Ka Sô Liễng đã suốt đời đi tìm và thành công trong tạo tác chữ viết cho dân tộc mình. Nhớ lại những tác phẩm đầu tiên sưu tầm văn nghệ dân gian Tây Nguyên, phải mượn chữ Ê Đê để ghi chép ký âm, ông nói: “Tôi thấy không ổn, bởi không thể hiện hết cái hồn của tiếng đồng bào Chăm Hroi”.

Ông Ka Sô Liễng đang dạy chữ Chăm Hroi cho các em học sinh.
Ông Ka Sô Liễng đang dạy chữ Chăm Hroi cho các em học sinh.

Thế là ông mày mò suy nghĩ, mượn một phần chữ Ê Đê cùng mẫu tự Latinh, rồi sáng chế ra chữ viết cho người Chăm Hroi. Cần mẫn ký âm, ghi chép, đối chiếu các bài hát, trường ca Chăm Hroi, rồi ông kiểm chứng qua các già làng người bản địa và các nhà ngôn ngữ học. Được nhiều người công nhận là một hướng đi, cách làm khoa học, ông càng say mê với hệ thống chữ viết cho người Chăm Hroi. Bộ chữ Chăm Hroi do Ka Sô Liễng sáng tạo đã cơ bản hoàn chỉnh vào năm 2010 và được chuyển đến Viện Ngôn ngữ học Việt Nam thẩm định công nhận.

Đã có nhiều tác phẩm được ông sử dụng bộ chữ này, do nhiều nhà xuất bản trong nước in song ngữ Việt - Chăm Hroi, như các trường ca: Tiếng cồng ông bà HBia Lơ Đă, HBia Ta Lúi – Ka li Pu, Anh em Chư BLưng... Ông còn kiên trì mở lớp dạy chữ cho nhiều con em đồng bào mình. Hai biên dịch kiêm phát thanh viên Chương trình tiếng Chăm Hroi của Đài PTTH Phú Yên hiện nay (Hờ Nguyệt và Nguyễn Ninh) là do ông Ka Sô Liễng dạy chữ, đào luyện.

Theo Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ đã có chữ viết; riêng người Chăm Hroi ở Phú Yên và Bình Định (trên 30.000 người) thì chưa có chữ viết, nên việc sáng tạo bộ chữ của ông Ka Sô Liễng có ý nghĩa hết sức giá trị.

Ông Ka Sô Liễng tâm sự: “Làm được cái chữ cho dân tộc mình, tôi thấy rất phấn khởi và tự hào. Nhờ có chữ viết, những trường ca của người Chăm Hroi tiếp tục được lưu truyền cho các thế hệ mai sau. Hễ ngày nào còn sức khỏe là tôi còn cố công sưu tầm, ghi chép để lớp trẻ sau này tự hào về dân tộc mình”.

Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Linh Nga Niê Kdăm nhận xét: “Ka Sô Liễng cần mẫn với việc dùng những giọt mồ hôi của mình đổ ra, để rửa sạch những viên ngọc lâu nay nằm im dưới những lớp tro bụi thời gian, của một người làm công tác sưu tầm và dịch thuật. Anh chỉ có một mối day dứt, bận tâm duy nhất: Sau mình, lớp trẻ người dân tộc có ai say mê với văn hóa dân gian nữa không?”.

Trồng cây cho đất thở

Bát ngát quanh nhà ông là những hàng xà cừ, keo, bạch đàn, huỳnh đàn, xoan, điều... Cây ăn quả có mít, xoài, dừa, chuối, bưởi, đu đủ... Những cây có giống từ ngoài Bắc cũng được đưa vào trồng thử như lồ ô, cọ, vầu. Rồi còn rất nhiều cây cảnh. Chưa hết, ông còn nuôi trên 100 con gà giống bản địa để lấy trứng và bán thịt. Lại còn nuôi cá nước ngọt và dự định sẽ nuôi thỏ, cheo và tắc kè. “Mình đã có hàng trăm con tắc kè con để làm giống rồi” - ông cười rạng rỡ.

Nhà nghiên cứu Ka Sô Liễng người dân tộc Chăm Hroi, sinh năm 1936 tại Phú Yên. Ông tốt nghiệp khoa Đạo diễn Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, từng giảng dạy mỹ học, đạo diễn sân khấu, Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Phú Yên. Ông đã sưu tầm, dịch và giới thiệu các trường ca Tây Nguyên như: Xing Chi Ôn, Chi Lơ Kok, Giàng Hlắc xấu bụng, Hbia Ta Lúi – Ka li Pu, Tiếng cồng ông bà Hbia Lơ Đă, Tìm lại chị em Jông Uốt...; cùng các tác phẩm nghiên cứu: Vài nét về văn hóa Chăm, Ghi chép trên đường đi…


15 năm rồi, ông như bẵng quên những “hội họp, ký tá, lên xe, xuống ngựa”. Để lại ngôi nhà ở phố Tuy Hòa cho con ở, ông về sống với mấy ha đất đồi, nơi có nhiều đá dăm, đá tảng mà dân ở đây chê là đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Vợ chồng ông xây nhà, khoan giếng, đào ao, cất trại chăn nuôi... vui thú điền viên. Đêm đêm, cửa sổ nhà ông hắt lên ánh sáng tĩnh lặng, hàng xóm khẽ bảo: “Ông Liễng đang thức nghiên cứu, sưu tập và viết sách văn hóa dân tộc đấy”.

Còn già Liễng thì cười hiền: “Từ khi thoát khỏi cảnh tù túng ở phố về sống với núi rừng, lắc xắc công việc làm vườn vậy mà thảnh thơi, tui luôn thấy mình khỏe ra! Mình già rồi, có ăn uống gì nhiều đâu mà phải nai lưng kiếm tiền, trồng cho vui ấy mà! Tui muốn chứng minh rằng, không có đất nào là xấu, chỉ có mình siêng năng và biết làm hay không mà thôi, vì trước đây ai cũng chê chỗ này là đất cằn”.

Ông Ka Sô Liễng trong vườn rừng của mình.
Ông Ka Sô Liễng trong vườn rừng của mình.

Ông lại rủ rỉ: “Mình chỉ nghĩ đơn giản, trồng cây là một thú vui như đi sưu tầm, viết sách về văn hoá dân tộc; trồng cây cho xanh vườn, xanh nhà, mát mắt là sướng rồi. Rừng tự nhiên tranh nhau khai thác cạn kiệt, đất vườn nhà trơ trọi không một bóng cây. Đấy là cái tội của con người xử tệ với đất. Tôi muốn nói với mọi người: Hãy trồng cây cho đất thở. Đất thở là để mình sống”. Nghe ông giảng giải, thấy kết quả ông làm; chúng tôi thầm nghĩ, không phải đi đâu xa, cứ đến vườn rừng nhà bác Liễng mà học cách sử dụng đất cho hiệu quả. Ông đã lặng lẽ làm nên cuộc “cách mạng vườn” cho cộng đồng bà con miền núi Sơn Hòa.

Tuổi cao rồi, nhưng vị trưởng lão người Chăm Hroi Ka Sô Liễng vẫn một lòng đau đáu với đại ngàn, với dân tộc mình…

Chia tay ông, chúng tôi như còn nghe giọng ông hồn nhiên trầm ấm với bài hát ru của người Chăm Hroi: “Ơ… con trâu cái mình cũng đẹp/cặp sừng uốn cong cong, cũng đẹp/đôi mắt cũng đẹp/cổ thon dài, đầu ngửng cao/trọn hiến cho ông Trời/ông bà Trời vừa lòng lắm…”.
Đức Tuấn - Mạnh Tâm (Đức Tuấn - Mạnh Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem