Người gây mất điện toàn miền Nam phải chịu trách nhiệm ra sao?

Thứ năm, ngày 23/05/2013 17:45 PM (GMT+7)
Dân Việt - Theo LS Thiệp, qua những thông tin hiện nay thì trong vụ việc này thấy phần trách nhiệm dân sự của người tài xế cẩu cây rõ ràng hơn trách nhiệm hình sự.
Bình luận 0

Sau sự cố mất điện toàn bộ khu vực các tỉnh miền Nam, cơ quan công an đã đưa người tài xế Ngô Tấn Thảo về trụ sở để làm rõ.

Theo xác định ban đầu, khoảng 14 giờ ngày 22.5, tài xê Ngô Tấn Thảo (SN 1986) ở Trà Vinh đang thực hiện việc cẩu cây dầu từ vườn cây do Công ty cây xanh Becamex Bình Dương quản lý lên xe tải chở đi nơi khác trồng.

img
Cây dầu 10m dính vào lưới điện 500KV

Khi anh này cẩu một cây dài 17,5 m lên xe thì cây đã chạm vào đường điện 500KV gây sự cố làm mất điện trên diện rộng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện xe tải do Ngô Tấn Thảo lái có vết phóng điện ở mâm bánh, khiến bánh xe bị hư hỏng.

>> Cận cảnh chiếc xe cẩu - "thủ phạm" gây mất điện toàn miền Nam

Về hậu quả trong vụ việc này là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của người tài xế và những người có liên quan trong việc cẩu cây (nếu có) sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao?

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP Hà Nội) thì, qua thông tin ban đầu có thể đây là lỗi vô ý. Trong hoạt động công việc của mình người tài xế đã vi phạm vào hành lang bảo vệ an toàn lưới điện đã dẫn tới hậu quả nặng nề.

Theo LS Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), qua vụ việc này thấy dấu hiệu hình sự từ hành vi vi phạm của người cẩu cây là tương đối mờ. Ở đây bước đầu có thể thấy rõ việc cẩu cây của người lái xe đã vô ý dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Điều 10 Bộ Luật HS Vô ý phạm tội : 1. Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; 2. Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Trong luật hình sự có 2 tội danh liên quan đến hành vi dẫn đến việc xảy ra sự cố mất điện trên. Đó là điều 227 Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người. Điều 231 Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia. Tuy nhiên để áp dụng xử lý theo 1 trong 2 tội danh này thì phải xác định người có hành vi sai phạm phải xuất phát từ sự cố ý. Vô ý mà gây hậu quả chết người pháp luật hình sự quy định, nhưng vô ý gây thiệt hại vật chất thì chưa đề cập.

Theo LS Thiệp, qua những thông tin hiện nay thì trong vụ việc này thấy phần trách nhiệm dân sự của người tài xế cẩu cây rõ ràng hơn trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm anh phải đền bù thiệt hại để ngành điện lực đầu tư khắc phục sự cố; trách nhiệm đền bù thiệt hại trong thời gian xảy ra sự cố không bán được điện.

“Bên cạnh đó còn có thiệt hại phi vật chất từ sự cố dẫn tới 22 tỉnh thành miền Nam mất điện, sản xuất đình đốn, giao thông rối loạn, sinh hoạt của con người bị đảo lộn, nhưng đây là thiệt hại rất khó xác định để xác định bồi thường”- LS Thiệp nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem