Đất ca trù 200 năm tuổi
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ca trù đã được phát triển nhiều nơi trên quê hương Tuyên Hóa. Nghệ nhân Trần Văn Duể cho biết, riêng ca trù Phong Châu đã được du nhập và lưu truyền gần 200 năm. Trước đây do một vị quan chưởng ấn triều đình nhà Nguyễn tên là Nguyễn Đình Hanh vốn rất say mê và yêu thích các làn điệu ca trù nên đã đưa về truyền bá lại cho làng Uyên Phong.
Kế theo đó là phường hát của cố Nguyễn Bình, rồi cố Nguyễn Khư và sau này là cố Nguyễn Đình Bổng tập luyện cho thôn Kinh Châu và lưu truyền lại cho đến ngày nay. Trước đây các nghệ nhân ca trù Phong Châu đã từng qua Lào, đi các tỉnh biểu diễn. Đặc biệt tại Hội diễn văn nghệ toàn tỉnh năm 2007, đội ca trù Phong Châu đã đoạt giải Nhì về hát ca trù và năm 2010 được Bộ VHTTDL tặng bằng khen.
Ông Trần Văn Duể đang đánh trống cho bà con hát ca trù.
Trải qua 2 cuộc chiến tranh và đặc biệt từ khi hoà bình lập lại cho đến nay, do tân nhạc phát triển mạnh nên ca trù Phong Châu dần dần bị mai một. Tháng 10.2009, ca trù Việt Nam đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể.
Với tấm lòng hoài cổ và không muốn để cho một loại hình nghệ thuật đáng trân trọng đã lưu truyền qua nhiều thế hệ bị lãng quên nên năm 2010, được sự cộng tác đắc lực của ông Phan Xuân Thuyết, ông Trần Văn Duể đã đứng ra vận động nhiều cụ ông, cụ bà trong làng Uyên Phong và Kinh Châu thành lập đội ca trù của 2 thôn Uyên Phong và Kinh Châu, lấy tên là đội ca trù Phong Châu. Đến ngày 12.2.2011 Câu lạc bộ (CLB) Ca trù Phong Châu được UBND xã Châu Hoá ra quyết định thành lập trên cơ sở đội ca trù của 2 thôn trước đây để mong giữ lại một nét đẹp về bản sắc văn hoá của dân tộc cho quê hương. Ông Trần Văn Duể được giao nhiệm vụ làm chủ nhiệm CLB.
Từ đó đến nay được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng chính quyền địa phương và sự nỗ lực cố gắng của ông Duể, CLB Ca trù Phong Châu tiếp tục được duy trì và phát triển. Nối tiếp các thế hệ trước đây, bây giờ cụ Nguyễn Thanh Đàm - con trai cụ Nguyễn Đình Bổng cùng với nhiều cụ ông, cụ bà trong CLB vẫn tiếp tục truyền lại cho con cháu.
Ông Trần Văn Duể cho biết, ca trù có rất nhiều làn điệu, riêng ca trù xã Châu Hoá hiện còn lưu giữ được 9 làn điệu như hát phú, hát nam, hát bắc, hát láy, hát kim tiền, hát luyện, hát điệu tỳ bà, hát múa sinh và múa quạt. Nội dung các bài hát trước Cách mạng Tháng Tám thường ca ngợi cảnh đẹp của thiên nhiên của quê hương, đất nước, tôn thờ các vị thần linh, ghi nhớ công ơn sau nặng của tổ tiên ông bà, cha mẹ, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Sau 1945, các nghệ nhân đã đặt nhiều lời mới cho ca trù ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ, công lao các anh hùng liệt sĩ, mừng xuân, mừng thọ…
Say mê giữ lửa
Câu lạc bộ Ca trù Phong Châu hiện nay có 25 thành viên (15 nữ, 10 nam), chia làm 2 đội cùng luyện tập: Đội già có 17 người, đội trẻ (35- 40 tuổi) có 8 người. Trong đó người cao tuổi nhất là ông Đặng Thiệt 94 tuổi (có 65 năm tuổi Đảng), thấp tuổi nhất là chị Phạm Thị Hồng - 35 tuổi. Có nhiều cụ ông và cụ bà trên 70, 80 tuổi vừa hăng hái sưu tầm lại các bài hát cổ, vừa say mê luyện tập truyền bá lại cho thế hệ hậu sinh. Cụ Nguyễn Thị Thanh năm nay đã gần 80 tuổi nhưng có giọng hát vẫn mượt mà uyển chuyển, thuộc rất nhiều bài hát trước đây. Hàng ngày, ngoài việc luyện tập cụ còn dành thời gian chỉ bảo, dạy thêm cho các cháu trong CLB. Cụ kể với chúng tôi, cụ học hát ca trù từ khi 14 tuổi, đến 16 tuổi khi hòa bình lập lại cụ đã theo cụ Nguyễn Đình Bổng và đội ca trù của làng đi biểu diễn nhiều nơi trong huyện và các huyện bạn, tỉnh bạn.
Đến lúc có chồng sinh con được 3 tháng, nhưng theo yêu cầu, cụ vẫn gửi con ở nhà để đi biểu diễn. Trong kháng chiến chống Mỹ là dân công hỏa tuyến, cụ đã nhiều lần hát ca trù cho bộ đội, dân công nghe. Ngoài việc luyện hát, đi biểu diễn, cụ còn tranh thủ dạy cho nhiều người trong làng trong xã hát ca trù, tính đến nay đã có hơn 100 người qua nhiều thế hệ đã được cụ Thanh dạy hát ca trù.
Theo ông Duể, hiện nay CLB Ca trù Phong Châu cũng đang gặp nhiều khó khăn, trang thiết bị chưa có gì, đầu năm 2013 huyện Tuyên Hóa cấp cho 10 triệu đồng mới mua được một bộ âm thanh loa máy, còn lại từ nhạc cụ đến trang phục các thành viên đều tự mua sắm.
Mặc dầu ông Duể đã cố gắng đi các cơ quan đơn vị xin hỗ trợ kinh phí nhưng cũng chưa đủ để bồi dưỡng cho các thành viên CLB khi luyện tập. Mặt khác, các thành viên trong đội hầu hết đều là nông dân nên gặp khó khăn trong hoạt động. Tuy vậy, cứ đến kỳ luyện tập (1 tháng 2 lần) là bà con tập hợp đông đủ và luyện tập một cách say mê. Đặc biệt khi có chủ trương của trên là CLB sẵn sàng tổ chức cho các thành viên đi biểu diễn phục vụ ở xã cũng như ở huyện.
Mặc dù trải qua nhiều thế hệ và sự thăng trầm của lịch sử nhưng ca trù Phong Châu vẫn được người dân gìn giữ và tồn tại cho đến ngày nay. Mong rằng các cấp các ngành quan tâm giúp đỡ để CLB Ca trù Phong Châu tiếp tục được duy trì hoạt động góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn ca trù – Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ông Phan Huy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Hóa cho biết: “Mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn nhưng CLB Ca trù Phong Châu ra đời và duy trì hoạt động cho đến nay là nhờ công lao của ông Trần Văn Duể. Ông Duể là người nông dân mộc mạc, chân quê nhưng lại rất nhiệt tình với phong trào ca trù, có thể nói ông là người giữ lửa cho ca trù Phong Châu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.