Người gỡ vướng cho nông dân

Thứ bảy, ngày 26/10/2013 07:57 AM (GMT+7)
Có kinh nghiệm chăn nuôi động vật hoang dã, hết lòng giúp ND, khi ông Trần Văn Thưởng được Hội ND quận Liên Chiểu, Đà Nẵng chọn làm chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp lĩnh vực này của quận, hội viên rất phấn khởi.
Bình luận 0
Anh Lê Hồng Vinh - chủ trang trại nuôi chim trĩ đỏ phường Hoà Minh, chia sẻ: Điều hội viên cần nhất ở người chi hội trưởng là phải có kinh nghiệm về nghề, gỡ được các vướng mắc của ND và ông Thưởng đã làm tốt những điều này.

Giúp hội viên không điều kiện

Đúng như anh Vinh nhận xét, ông Thưởng có 15 năm trong nghề nuôi động vật hoang dã. Ông đã từng trắng tay nhiều lần mới có được thành công như hôm nay. Trang trại của ông rộng trên 1ha, lúc nào cũng có vài ngàn con rắn các loại, nhiều nhất là hổ mang phì, hổ trâu (những loại rắn thị trường rất chuộng). Mỗi năm, ông xuất bán từ 10 – 15 tấn rắn các loại, hơn chục tấn kỳ đà, vài trăm cặp nhím… Doanh thu năm nào cũng vài tỷ đồng, lãi ròng là hơn 500 triệu đồng. Với thành công này, ông đã được hội viên bầu làm chi hội trưởng chi hội ND khối phố Hòa Mỹ 6, Hòa Minh. “Điều hội viên quý ông Thưởng nhất là tấm lòng. Ông không giấu nghề, giúp được ai cái gì là ông giúp không điều kiện”- ông Nguyễn Thanh Bê - Chủ tịch Hội ND quận Liên Chiểu, nhận xét.
Ông Trần Văn Thưởng (phải) thăm trang trại chim trĩ đỏ của hội viên Lê Hồng Vinh.
Ông Trần Văn Thưởng (phải) thăm trang trại chim trĩ đỏ của hội viên Lê Hồng Vinh.

Hội viên Nguyễn Vũ, phường Hoà Khánh Nam, tâm sự: “Tôi nuôi nhím 5 năm không thấy đẻ. Nhím giống rất đắt (18-20 triệu đồng/cặp) mà nuôi hoài không đẻ thì lỗ chết. May mà anh Thưởng đã đến bày cách. Không phải nhím của tôi không đẻ mà đẻ vào ban đêm bị nhím bố ăn thịt mà mình không biết. Nghe anh Thưởng hướng dẫn, khi nhím cái mang thai, tôi tách nhím đực ra, và có ngay nhím con”.

Hội viên Trần Thị Hai, phường Hoà Hiệp Bắc nuôi hươu lấy nhung kể: “Ngày trước, mỗi lần lấy nhung cần cả 10 người, tốn trên chục triệu đồng. Từ khi anh Thưởng hướng dẫn, tôi lấy nhung vừa khoẻ, vừa không tốn kém, mỗi lần chỉ hết 300.000 đồng, chất lượng nhung lại tốt”.

Gỡ vướng cho hội viên

Điều hội viên tín nhiệm nhất đối với anh Thưởng là gỡ vướng cho bà con về pháp lý. Nhiều ND thấy nuôi động vật hoang dã có lợi là nhảy vô làm, đến khi có sản phẩm thì không bán được vì vướng thủ tục. Nếu không chứng nhận về nguồn gốc sản phẩm, theo quy định ngành kiểm lâm sẽ không cho xuất bán, thậm chí lập biên bản tịch thu, xử phạt. “Để giải quyết khâu này, phải có một tổ chức đứng ra đại diện lo pháp lý đầu ra sản phẩm cho bà con. Tôi đề xuất thành lập chi hội chăn nuôi động vật hoang dã thông thường và được Hội ND quận đồng ý” - ông Thưởng tâm sự.

"Chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp nuôi động vật hoang dã thông thường Trần Văn Thưởng đã giúp đỡ nhiều hội viên sống được bằng nghề này”.
Ông Nguyễn Kim Dũng
- Phó Chủ tịch Hội ND TP.Đà Nẵng


Đầu năm 2013, chi hội nghề nghiệp chăn nuôi động vật hoang dã thông thường thành lập, hội viên đăng ký tham gia rất đông, nhưng ông Thưởng đặt điều kiện: Tiêu chí đầu tiên tham gia chi hội là không đối phó với quy hoạch, di dời, giải toả (nhiều người nuôi vài con cho có để lấy cớ không chịu di dời, hoặc để đòi tiền đền bù...). Với tiêu chí này, ông chỉ chấp nhận 28 hội viên là những ND quyết tâm với nghề nuôi động vật hoang dã và đã có cơ sở chăn nuôi.

Ông Nguyễn Thanh Bê nhận định, hoạt động này nhanh chóng đạt hiệu quả như ông Phan Ngọc Lễ (phường Hoà Hiệp Bắc), trước kia nuôi heo rừng rất nhiều nhưng không bán được do vướng thủ tục. Tham gia chi hội nghề nghiệp, chỉ trong mấy tháng đầu năm 2013, ông liên tục xuất bán đi TP.Hồ Chí Minh, thu lãi trên 70 triệu đồng. Ông Phan Tấn Phong (phường Hoà Minh) nuôi hàng trăm con chim trĩ nhưng không bán được vì thủ tục. Ngay sau khi tham gia chi hội, đã bán một lô hàng 250 triệu đồng...

Khải Phong (Khải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem