Người Hà Nội sắp được xem trứng đà điểu hoá... rồng

Thứ hai, ngày 30/08/2010 09:12 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công chúng sắp được xem những hình tượng rồng lớn được tạo nên từ một nghìn con rồng nhỏ với nguyên vật liệu là mực tàu và... trứng đà điểu.
Bình luận 0
img
Những quả trứng đà điểu đã được các nghệ sĩ trình bày chữ “Long”.

Cảm hứng nguồn cội

Thư pháp Tiền Vệ của nhóm The Zenei Gang of Five đang dần quen thuộc hơn với công chúng thưởng lãm thích xem những cái mới lạ. Từ triển lãm sắp đặt thư pháp “Vô Ngôn” tổ chức trước Tết Canh Dần của cả 5 người ở ArtVietnam gallery số 7 Nguyễn Khắc Nhu (Hà Nội) với những ống sớ xanh đỏ… chi chít những chữ và những cuốn sách bị ép “chết cứng” trong các khối bê tông, đến triển lãm cá nhân sắp đặt thư pháp Tiền Vệ của hoạ sĩ Lê Quốc Việt tại Mỹ mới đây, công chúng thấy loại hình này đang chuyển mình mạnh mẽ.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, mới “chân ướt chân ráo” vào VN, những tác phẩm đầu tiên của các thành viên trong nhóm còn bị ca thán là loằng ngoằng, mờ mịt, viết không hiểu gì!

Từ ngày 2 đến 5-9 tại Thiên đường Bảo Sơn, trong không gian ngôi nhà cổ Đông Hồ, nhóm thư pháp Tiền Vệ tiếp tục thăng hoa trong hình tượng và những ý nghĩa của trứng và rồng với những cảm hứng về sự phi thường, biến ảo của loài vật thiêng.

Nghệ sĩ thư pháp trẻ Trần Thanh Bình - người đang giúp các tác giả thực hiện triển lãm nhận định: Sự tương tác này sẽ hấp dẫn khách tham quan và cả trẻ em! Tác phẩm thư pháp với công chúng gồm cả người chủ ý đến lẫn người đi qua, sẽ trở nên không khoảng cách. Không còn “kính nhi viễn chi” như trước, người ta sẽ cùng nhập cuộc bởi triển lãm là một phần của mỗi người.

Đây là công trình của hai nghệ sĩ – nhà nghiên cứu hiện đang công tác tại Viện Hán Nôm là Nguyễn Quang Thắng và Trần Trọng Dương. Về ý tưởng ban đầu cho sự hình thành triển lãm này, Nguyễn Quang Thắng nhắc lại huyền thoại bọc trăm trứng nở trăm con đã đóng dấu vào tiềm thức dân tộc ý nghĩa “con rồng cháu tiên”, “đồng bào”...

Từ đó, hình ảnh “trứng rồng” có thể coi là biểu tượng cho sự hình thành nguồn gốc và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Và theo tiến trình lịch sử, hình tượng rồng đi cùng các triều đại, đi vào văn hoá dân gian với huyền thoại cá chép vượt vũ môn hoá rồng, rồng đã trở thành hiện thân của thần mưa, thần nước, làm cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt…

“Thực ra, ý tưởng là thế, nhưng thể hiện thế nào cho mới và mang không khí hôm nay là thách thức lớn” - nghệ sĩ Nguyễn Quang Thắng cho biết.

img
Vẽ lên trứng đà điểu để chuẩn bị cho triển lãm sắp đặt

Công chúng tham gia sáng tạo

Nhờ có “mối quan hệ lâu năm” với… ngành chăn nuôi, nghệ sĩ Trần Trọng Dương xin được vô vàn vỏ trứng đà điểu. Những tháng qua, nhóm nghệ sĩ vận chuyển số vỏ này về “trại” sáng tác ven sông Hồng ở bên kia cầu Long Biên và biến không gian này thành một “lò trứng” lớn, “sản xuất” những quả trứng cỡ lớn, trên đó thể hiện một cách đa dạng các kiểu viết chữ “Long” (rồng).

1.000 quả “trứng rồng” đang được sắp đặt tại Thiên đường Bảo Sơn chờ ngày khai cuộc. Nghệ sĩ Trần Trọng Dương cho biết: Trên 1.000 quả trứng, chúng tôi viết 1.000 chữ “Long” theo các thể chân, thảo, lệ, triện. Trong đó từng đơn nguyên tác phẩm chú ý tới tính tiền vệ, tạo hình. Lấy vẻ uốn lượn nhịp nhàng, uyển chuyển của rồng thời Lý làm chủ đạo, đây là lần đầu tiên thư pháp được thử nghiệm ấn tượng thị giác trên mặt cầu.

Thưởng thức những tổ hợp sắp đặt cũng như có thể “soi” đến từng quả trứng, người xem có thể nhìn từ những góc khác nhau. Một điểm đáng chú ý nữa là lần đầu tiên sự tương tác, tham dự của công chúng sẽ trở thành một nội dung của triển lãm thư pháp khi rất nhiều trứng được trải trên chái hiên, dại nhà cho công chúng tự tay viết “thư pháp trứng rồng”. Tất nhiên, sẽ có sự hướng dẫn của các nhà thư pháp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem