Người Hàn đổ xô học tiếng Việt để tìm kiếm cơ hội làm ăn

Thứ sáu, ngày 20/04/2018 16:00 PM (GMT+7)
Việt Nam trở thành "vùng đất của cơ hội" với nhiều người Hàn sau khi Trung Quốc phát động phong trào tẩy chay hàng hóa và dịch vụ Hàn Quốc hồi năm ngoái.
Bình luận 0

8 trung tâm ngoại ngữ tư nhân ở một khu vực đông đúc gần ga tàu điện ngầm Gangnam, phía nam thủ đô Seoul, mở lớp học tiếng Việt, theo một bài báo đăng trên Chosun Ilbo ngày 19.4.

"Chúng tôi tăng số lượng lớp từ một lên 11 chỉ một tháng sau triển khai khóa học tiếng Việt. Số lượng giáo viên (tiếng Việt) cũng tăng từ 2 lên 5 người", nhân viên tại một trung tâm được tờ báo Hàn Quốc dẫn lời cho hay.

Theo Chosun Ilbo, Việt Nam đã trở thành "vùng đất của cơ hội" từ khi Trung Quốc phát động phong trào tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Hàn Quốc hồi đầu năm ngoái để phản đối việc Mỹ lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc.

Xuất khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam năm 2017 tăng 46,3% so với năm trước, theo bài báo.

img

Một lớp học tiếng Việt tại quận Gangnam, Seoul. Ảnh: Chosun Ilbo.

"Tôi tranh thủ giờ nghỉ trưa để học tiếng Việt, hiện là ngoại ngữ phổ biến hơn cả tiếng Trung", một nhân viên văn phòng 41 tuổi cho hay.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến của tiếng Việt tại xứ sở kim chi, bài báo viện dẫn làn sóng Hàn Quốc (hallyu) tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhiều người Hàn muốn đến Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn.

Tính đến cuối năm 2017, khoảng 5.500 doanh nghiệp Hàn Quốc có hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Ông Park Jong Woon, 54 tuổi, giám đốc một công ty xây dựng tại Seoul, mở văn phòng ở Việt Nam hồi tháng 2 và đã bắt đầu học tiếng Việt cùng gia sư là một du học sinh Việt Nam.

"Việt Nam thích hợp để kinh doanh vì (chúng tôi) ít sợ bị lộ công nghệ hơn tại Trung Quốc và đất nước cũng có nền chính trị ổn định", ông Park nói.

img

Người Trung Quốc biểu tình đòi tẩy chay Lotte tại tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc, ngày 5.3.2017

Một số công ty tự mở lớp học tiếng Việt. Chosun Ilbo dẫn trường hợp một công ty chế biến thực phẩm cho nhân viên theo học khóa học tiếng Việt vỡ lòng 2 đến 3 buổi một tuần, "vì món Hàn ngày càng phổ biến tại Việt Nam".

Ngày càng nhiều người Hàn muốn thi lấy chứng chỉ thành thạo tiếng Việt. Khoảng 800 người đã đăng ký bài thi nói vào năm 2017, tăng 15% so với năm trước. Hơn 80% thí sinh là nhân viên văn phòng ở độ tuổi 30, 40, không giống các chứng chỉ ngoại ngữ khác thường thu hút người dự thi ở độ tuổi 20.

Đông Phong (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem