Người hồi sinh vùng chè Lai Châu

Thứ năm, ngày 12/09/2013 10:35 AM (GMT+7)
Bằng vốn hiểu biết, sự quả cảm, người phụ nữ quê lúa Thái Bình đã vực dậy một nhà máy chế biến chè và hồi sinh một vùng nguyên liệu chè quan trọng của tỉnh Lai Châu.
Bình luận 0
Chị là Phạm Thị Nụ, hội viên Hội ND phường Tân Phong, thị xã Lai Châu, người được đề cử bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013”.

 Chị Phạm Thị Nụ (trái) trao đổi với nông dân trồng chè xã Sùng Phài (Tam Đường).
Chị Phạm Thị Nụ (trái) trao đổi với nông dân trồng chè xã Sùng Phài (Tam Đường).

Xã Sùng Phài, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu giờ đây phủ một màu xanh bát ngát của những đồi chè. Ít ai nghĩ rằng, đã một thời gian dài, đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Giáy ở đây để mặc những đồi chè xơ xác do giá bán quá thấp. Vợ chồng chị Phạm Thị Nụ đã đưa đồng bào quay trở lại công việc chăm sóc chè, sống được bằng nghề trồng chè.

Mua lại nhà máy sắp phá sản

img

Một phần diện tích chè ở phường Tân Phong, thị xã Lai Châu và xã Sùng Phài, huyện Tam Đường trước đây là vùng nguyên liệu của một nông trường chè quốc doanh. Năm 1982, chị Nụ rời quê lúa Thái Bình lên đây làm công nhân trồng chè. Năm 2002, vợ chồng chị về nghỉ chờ chế độ hưu trí. Đóng trên địa bàn phường Tân Phong có Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh. Năm 2002, doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, vùng nguyên liệu giảm sản lượng và chất lượng do không được đầu tư. Vợ chồng chị đã mua lại doanh nghiệp sắp phá sản này với giá 500 triệu đồng.

“Ai cũng can khi thấy vợ chồng tôi đi gom góp tiền mua lại công ty. Có người nói thẳng, vợ chồng tôi cả gan, đi mua một công ty sắp sập. Nhưng vợ chồng tôi có lý lẽ riêng. Chúng tôi cũng đã từng nhiều năm đắm đuối với cây chè, nhìn ra được nguyên nhân khiến công ty thua lỗ”- chị Nụ tâm sự.

Nguyên nhân đó cũng là những thách thức, khó khăn của vợ chồng chị Nụ khi tiếp quản công ty. Đó là thị trường đầu ra của chè thành phẩm biến động; vốn sản xuất kinh doanh hạn hẹp và công nghệ chế biến lạc hậu. “Điều quan trọng nhất vợ chồng tôi xác định là phải vực dậy vùng nguyên liệu đang bị bỏ rơi. Phải làm cho bà con tin tưởng quay lại với công việc chăm sóc đồi chè. Vùng chè nguyên liệu phải lấy lại màu xanh trù phú. Chưa kịp bắt tay vào làm thì trụ sở công ty bị giải tỏa để địa phương xây dựng trụ sở của một đơn vị sự nghiệp. Vợ chồng tôi phải bán nhà, vay thêm ngân hàng 1 tỷ đồng để chuyển nhà máy, trụ trở công ty tới xã Sùng Phài thuộc huyện Tam Đường”- chị Nụ nhớ lại.

Hồi sinh vùng nguyên liệu

Sau khi ổn định trụ sở công ty, chị xắn tay ngay vào việc gây dựng, hồi sinh lại vùng chè nguyên liệu. Chị Nụ lý giải: “Trước kia thu nhập của người trồng chè thấp vì phải bán nguyên liệu chè búp qua nhiều trung gian. Hơn nữa, một thời gian dài tay nghề của người trồng chè chưa được bổ túc, bồi dưỡng nên họ làm chưa đúng kỹ thuật. Năm 2005, vợ chồng tôi bỏ ra 200 triệu đồng đầu tư phân bón, vật tư cho ND xã Sùng Phài cải tạo, trồng mới hàng chục ha chè. Cùng với Hội ND thị xã, công ty đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm, kiến thức kỹ thuật thâm canh, thu hái, bảo quản chè búp tươi cho bà con”.

“Năm 2012, Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh thu mua 2.000 tấn chè búp tươi, chế biến 400 tấn chè khô đạt doanh thu 14 tỷ đồng. Chị Phạm Thị Nụ đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng của các cấp, ngành từ T.Ư và địa phương, trong đó có bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 bởi thành tích tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu giai đoạn 2006-2010”.


Đầu tư hiện đại hóa công nghệ chế biến chè búp tươi và tìm kiếm thị trường tiêu thụ là hai việc vợ chồng chị thực hiện sau khi ổn định vùng nguyên liệu. Ngoài việc nâng cao hiệu quả dây chuyền chè viên với 17 tấn chè khô thành phẩm/năm, chị còn đầu tư lắp mới dây chuyền sản xuất chè xanh hiện đại với công suất 1.300 tấn chè tươi/năm. Vợ chồng chị đã dày công tìm kiếm, đặt quan hệ đối tác tiêu thụ lâu dài chè thành phẩm. Đến nay, các sản phẩm chè của Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh do chị Nụ làm giám đốc đang xuất khẩu ổn định sang 2 thị trường trọng điểm là Trung Quốc, Pakistan…

Đưa một doanh nghiệp bết bát đi lên thành công, hồi sinh một vùng chè nguyên liệu có tiếng, vợ chồng chị Nụ không chỉ làm giàu cho bản thân, nộp ngân sách cho Nhà nước mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng trăm lao động từ công nhân tới hộ trồng chè. Hiện, Công ty TNHH Chè Shan Trúc Thanh có 40 công nhân với lương từ 4-4,5 triệu đồng/tháng. Nhiều hộ vùng nguyên liệu của công ty đời sống khấm khá nhờ giá chè ổn định. Bản thân gia đình chị Nụ đã giúp đỡ, hỗ trợ 20 hộ ND thoát nghèo…
Phương Đông (Phương Đông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem