Người làng hoa học trồng hoa

Thứ năm, ngày 16/02/2012 08:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù có nghề trồng hoa từ nhiều năm nay, nhưng nhiều ND xã Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội) chưa bao giờ tham gia lớp học nghề trồng hoa bài bản.
Bình luận 0

Năm 2010, xã mở lớp trồng hoa kỹ thuật cao, nhờ đó chất lượng hoa và thu nhập của người dân đã tăng lên.

Vài chục năm trước, người dân xã Tây Tựu cũng chăm chỉ trồng lúa, rau màu. Nhận thấy nghề trồng hoa vừa nhàn hơn, vừa có thu nhập khá, một số người dân đã tìm về các vùng lân cận để học trồng hoa... Lúc đầu chỉ có vài hộ, sau đó tăng lên vài chục hộ và hiện nay tới 80% số hộ trong xã trồng hoa.

img
Hiện nay 85% số diện tích đất canh tác ở Tây Tựu trồng hoa.

Nắm vững kỹ thuật

Tuy nhiên, một điểm chung là người dân Tây Tựu chưa được học một bài bản kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa nên thu nhập chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra và đã có không ít người thất bát do chưa hiểu hoa. Anh Nguyễn Văn Hoàng - người có hàng chục năm gắn bó với nghề trồng hoa cho biết:

"Trước đây, tôi cũng trồng lúa và rau màu, thấy bà con trồng hoa lãi gấp 5 - 6 lần trồng lúa, nên tôi học hỏi trồng. Cứ người này mách người kia, rồi trong quá trình làm, mình rút ra kinh nghiệm, chứ chẳng có ai được học bài bản. Năm 2004, tôi lỗ gần 20 triệu đồng do không "bắt" được bệnh nên hơn 2 sào hoa loa kèn thối gốc chết rụi".

Anh Hoàng hiện có 4 sào hoa hồng, 2 sào hoa cúc và 2 sào hoa ly, đồng tiền, trung bình mỗi sào cho thu 40 triệu đồng/năm. Theo anh Hoàng, trong trồng hoa thì khâu kỹ thuật rất quan trọng. Nếu tưới phân, ánh sáng và trồng không đúng thời vụ, đặc biệt là kỹ năng "bắt bệnh" và trị bệnh cho hoa không rành, khả năng thất bại rất cao.

Nâng giá trị hoa

Để bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, đặc biệt là kỹ thuật trồng hoa công nghệ cao cho người dân, năm 2010, xã đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề, Trung tâm Khuyến nông huyện Từ Liêm mở 8 lớp dạy nghề. Ban đầu chỉ thu hút được vài chục người học nghề, bởi nhiều người nghĩ mình đã biết trồng hoa rồi nên chẳng cần học nữa. Nhưng khi tham gia khóa học, nhiều người mới thấy mình còn thiếu rất nhiều kiến thức về trồng và chăm sóc hoa.

Chị Nguyễn Thị Lý ở thôn 2 bày tỏ: "Mỗi khóa học chỉ 1 tháng, nhưng tôi đã học được rất nhiều kiến thức bổ ích, từ cách trồng, chăm sóc, phòng chữa bệnh cho hoa, cho đến bón phân, phun thuốc trừ sâu, rồi cách bảo quản hoa sao cho tươi lâu... Nếu nói không có kỹ thuật thì không phải, thực ra mình mới biết làm hoa chứ chưa thực sự hiểu hoa. Đến nay thì tôi đã có thể điều chỉnh hoa theo ý mình".

Ông Bùi Trung Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết, 85% số diện tích đất canh tác của xã Tây Tựu trồng hoa (khoảng 300ha), với hàng chục loại hoa hồng, cúc, đồng tiền, ly... đạt giá trị từ 350- 400 triệu đồng/ha/năm.

Tham gia lớp học, người dân Tây Tựu còn được hướng dẫn các kỹ thuật ghép giống và trồng hoa theo kỹ thuật công nghệ cao. Cụ thể là sử dụng giống lai ghép để tạo ra những loại hoa có nhiều màu sắc, có giá trị kinh tế cao. Sử dụng công nghệ vi sinh, nhà giàn, hệ thống tưới nước hiện đại... nhằm tạo ra những bông hoa có màu sắc đẹp, khỏe khoắn, đặc biệt là nở đúng dịp lễ, tết...

Phấn khởi vì "kìm" được lứa hoa ly nở đúng dịp Tết Nhâm Thìn, ông Nguyễn Văn Thưởng (thôn 3) khoe: "Làm hoa ly thì thời điểm trồng, thời tiết, ánh sáng rất quan trọng, sớm quá thì loa kèn bung hết, mà muộn thì loa bé. Nhờ được học nghề mà tôi đã biết cách "kìm" được 2 sào ly. Dịp Tết Nhâm Thìn này, tôi lãi gần 40 triệu đồng/sào hoa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem