Người Mông giã từ “tiệc ma”

Thứ năm, ngày 24/01/2013 09:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tiệc ma tốn kém lắm. Nhiều người cả đời trả không hết nợ. Giờ thì tiệc ma không còn nữa. Người Mông ở Mường Cai đã thay đổi nhiều rồi” - anh Sùng A Vừ - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cai, huyện Sông Mã (Sơn La) nói vậy.
Bình luận 0

Hủ tục như dây buộc cổ...

Mường Cai là xã khó khăn nhất của huyện, là nơi cư trú của gần 900 hộ dân gồm các tộc người: Mông, Thái, Sinh Mun, Khơ Mú...

Trong bữa cơm tối cùng Đội xây dựng cơ sở số 5 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La-đơn vị đóng trên địa bàn xã Mường Cai, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về những hủ tục đau lòng, từng diễn ra trên mảnh đất này.

img
Trưởng bản Pá Vệ Giàng Chứ Sồng bắt tay và hứa với bộ đội Bộ CHQS tỉnh Sơn La quyết tâm xây dựng nếp sống văn hoá mới.

Trung tá Hà Thế Bằng - Đội trưởng Đội số 5 kể: Bà con vùng cao, nhất là đồng bào Mông từng có nhiều hủ tục rất lạc hậu. Những hủ tục ấy đã làm khổ chính cuộc sống của họ, kéo dài những phận nghèo, gây nên những cái chết oan uổng. Chuyện cúng ma ở vùng cao xảy ra như cơm bữa, cứ cái gì khó hiểu xảy ra trong cuộc sống thường ngày là cúng ma.

Ngay cả con trâu, con bò ốm bà con cũng cúng ma. Cúng đến khi nó chết thì lại mổ thịt ra mà cúng ma nữa để xin con ma đừng bắt con người, đừng bắt trâu, bò, lợn khác phải "đi theo". “Trong rất nhiều hủ tục ấy thì hủ tục “tiệc ma” gây tốn kém và đau khổ nhất cho những người đang sống. Có nhiều người mang nợ cả đời chỉ bởi hủ tục này. Tuy bây giờ hủ tục không còn nữa nhưng dấu ấn của nó thì người đàn ông Mông nào cũng khó mà quên được…” - anh Bằng khẳng định.

Bỏ tiệc ma là thêm chữ hiếu

Bản Pá Vệ của xã Mường Cai nằm gần biên giới Việt-Lào, là nơi sinh sống của mấy chục hộ đồng bào Mông. Trưởng bản Giàng Chứ Sồng, 53 tuổi, trầm tư kể: Hủ tục của người Mông ta thì nhiều lắm, kể cả ngày cũng không hết cái khổ do nó gây ra đâu.

Ngay như ta khi lấy vợ, nếu không có 120 đồng bạc trắng để làm sính lễ thì cũng phải ngậm ngùi chia tay người mình yêu. Còn cái chuyện tiệc ma thì đúng là gây khổ bao đời nay. Là con trai Mông, khi bố mẹ chết là phải có ít nhất 1 con trâu, bò để cúng ma. Nhà có 7-8 người con cũng vậy, cứ theo tục mà làm. Không lo được đầu trâu, bò là coi như bất hiếu, bị dân bản khinh rẻ; dòng họ ruồng rẫy. Bởi thế không ít người phải vay, mượn để có trâu, bò cúng ma.

Theo Phó Chủ tịch Sùng A Vừ, ở Mường Cai giờ chẳng ai để ma dài ngày và ăn uống linh đình nữa. Người ốm đau, phụ nữ khi sinh nở đều đến cơ sở y tế điều trị. Những cái chết oan uổng không còn, những cái nghèo do hủ tục đã chấm dứt. Cuộc sống mới đang mở hướng tươi sáng…

Người Mông trước đây vốn nghèo khổ, cả đời làm quần quật vẫn chẳng có nổi một con trâu, bò; nếu vay mượn thì lấy gì mà trả. Thế là cứ nợ lần lữa, trả mãi không xong, đói nghèo đeo đẳng.

Mà đâu chỉ có thế. Đám ma mổ nhiều trâu, bò thì cũng có nghĩa là tiệc đưa ma cứ kéo dài ngày này sang ngày khác, người chết cứ để tới 5-7 ngày... “Nhưng đó là chuyện cũ rồi. Ngày nay người Mông ở Mường Cai đã làm theo lời cán bộ, bỏ đi những hủ tục lạc hậu, tìm học những cái hay, cái đẹp cho cuộc sống mới” - ông Sồng nói.

Quá trình tuyên truyền để đẩy lùi luật tục lạc hậu ở đây cũng không đơn giản, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cai - anh Sùng A Vừ cho biết: Ngay như việc từ bỏ tiệc ma là việc rất khó vì đấy là tín ngưỡng lâu đời của người Mông, lại thuộc phạm trù đạo đức, nên phải giải thích rất cụ thể, hợp lý, hợp tình và kiên trì mới tháo gỡ được quan niệm cũ.

Khi bà con đã hiểu được rằng nếu bỏ tiệc ma thì không những môi trường làng bản trong sạch, lại không phải chi phí tốn kém, con cháu thêm điều kiện phát triển sau này… như vậy mới là có hiếu, thì bà con sẽ làm theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem