Sống dưới ánh đèn dầu
Trong 3 năm qua, 12 gia đình người Mông sống heo hút, biệt lập trên núi cao, thiếu thốn mọi bề. Chị Dương Thị Sỹ - một trong số gia đình di cư ấy kể: Năm 2009, chúng tôi từ tỉnh Thái Nguyên vào Dốc Phường sống, cuộc sống không điện, đường, trường, trạm và không có nhà ở ổn định. Ban ngày đi làm nạo sắn, chặt mía, tối về lọ mọ trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu leo lét. Ban đêm buồn lắm, nhìn khắp cả xóm, chỗ nào cũng tối như mực...
Sau một thời gian sống cảnh tối tăm ấy, đàn ông trong làng dốc sức đắp đập ngăn dòng nước sông Con làm thủy điện nhỏ, nhưng tuốc- bin phát điện yếu nên điện nhà có nhà không và lúc sáng lúc tắt vì thường hay hư cánh quạt, cháy tuốc- bin.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2013/images/2013-04-01/1434785692-78_15_nguoi-mong.jpg) |
Cuộc sống ở bản mới của người Mông sẽ no ấm, thuận lợi hơn. |
Muốn bán được nông sản, đồng bào phải mang vác hơn 6 cây số mới ra đường lộ đến chợ. Anh Vương Văn Sài - hàng xóm với chị Sỹ, nhớ lại: “Mỗi lần gánh nông sản đi chợ bán phải dậy từ sáng sớm. Chúng tôi phải vượt qua những dốc cao nhìn trật ót. Mùa mưa, đường đi nhão nhoẹt, trơn như bôi mỡ. Mỗi tháng, chúng tôi chỉ dám đi một lần vì quá khổ ải”.
... Cuộc sống khốn khổ ấy đã bắt đầu thành ký ức với người dân. Cách đây 3 tháng, bà con được tỉnh di dời về thôn Nam Giang, được hỗ trợ tiền và đất xây cất nhà.
Hòa nhập cuộc sống mới
“Tôi về đây sinh con trong ngôi nhà ấm cúng, ngoài việc được hỗ trợ nhà ở còn được hỗ trợ lương thực, điện, nước và sản xuất ổn định”.
Chị Ngô Thị Minh
Theo ông Ksor Y Tin - Trưởng phòng Dân tộc huyện Sông Hinh, 12 hộ đồng bào dân tộc Mông vừa di dời về nơi ở mới, mỗi hộ được hỗ trợ 8 triệu đồng và 500m2 đất dựng nhà ở. Việc di dời trên nhằm đưa bà con hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Sau khi di dời, địa phương đang hoàn tất các thủ tục nhập khẩu để con em người Mông được học hành gần nhà.
Chị Ngô Thị Minh - một cư dân Dốc Phường vừa về ở Nam Giang phấn khởi: “Tôi về đây ngoài việc được hỗ trợ nhà ở còn được hỗ trợ lương thực, điện, nước và sản xuất ổn định. Tết vừa qua, nhà có gạo, củi, gà, rượu tươm tất đón một cái tết vui vẻ sau 3 năm sống biệt lập ở núi rừng”.
Vừa cất nhà xong, dù túng thiếu, nhưng anh Vương Văn Sài vẫn đi mua một cái ti vi. “Bao nhiêu năm ở trong rừng không biết ti vi như thế nào. Bây giờ dù còn nghèo, tôi cũng phải mua một cái để coi cho biết mọi thứ...”- anh Sài nói.
Tết Nguyên đán Quý Tỵ vừa qua, nhiều gia đình tổ chức cúng tất niên mời dòng họ, bạn bè về dự, hàn huyên trong ngôi nhà mới. Cuộc sống mới, ấm no hơn, vui vẻ hơn đang dần đến với họ sau 3 năm sống ở giữa rừng với nhiều gian khổ, thiếu thốn.
Mạnh Lê
Vui lòng nhập nội dung bình luận.