Bộ LĐTBXH vừa chính thức công bố số hộ nghèo sau đợt tổng điều tra năm 2011. Tuy nhiên, theo các cán bộ điều tra thì vẫn chưa thống kê được lao động di cư nghèo thuộc diện 3 không: Không có chỗ ở, việc làm ổn định, không đăng ký tạm trú…
|
Lao động nghèo di cư thường bị gạt ra khỏi các chính sách xã hội. |
Nghèo không ai biết
Ở Hà Nội được gần 10 năm nhưng chị Phạm Thị Hà (quê huyện Thanh Hà, Hải Dương, trú tại thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm) chưa hề đăng ký tạm trú. Sáng, chị cùng 3-4 chị em ra chợ rau đầu mối ở Dịch Vọng mua rau, rồi đi bán rong cho tới chiều tối. Chồng chị mất sớm, sau lưng chị là 4 đứa con, mẹ chồng già yếu, còn bố mẹ đẻ nghèo và giờ cũng rất yếu. Vì vậy, tất cả tiền chị kiếm được đều gửi hết về quê nuôi con, nuôi bố mẹ già.
Chị Hà tính toán: “Một tháng, tôi gửi về nhà khoảng 1 triệu đồng, tính ra chia cho 5 người thì được 200.000 đồng/người. Theo chuẩn nghèo nông thôn mà tôi biết (350.000 đồng/người/tháng) thì nhà tôi dưới ngưỡng nghèo, nhưng ở quê các anh ấy không xét vì chí ít nhà tôi còn có người đi làm gửi tiền về. Còn ở Hà Nội, tôi có biết chính quyền ở đâu mà đòi quyền lợi”.
Tương tự, cặp vợ chồng Bùi Thị Mai - Phạm Văn Hải (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang làm việc ở Khu công nghiệp Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội) cho biết, vợ chồng họ 3 tháng nay thiếu việc làm, thu nhập chỉ khoảng 2-3 triệu đồng/tháng. “Đấy là em còn tranh thủ chạy xe ôm mới có thu nhập chừng đó”- Hải nói.
Trước đó, khi chưa lấy chồng, Mai còn gửi tiền về hỗ trợ mẹ ở nhà nuôi các em và nuôi bố ốm. Mai chia sẻ: “Giờ đã lập gia đình, em không thể gửi tiền về cho bố mẹ nữa, 2-3 triệu đồng cho 1 gia đình nhỏ ở Hà Nội là quá chật vật. Bọn em thuê nhà đã hết 1,2 triệu đồng/tháng, chưa tính chi phí khác. Nếu xét diện nghèo thì bọn em chắc là đứng đầu bảng. Nhưng chưa bao giờ em thấy cán bộ xã tới hỏi.
Đừng “bỏ quên” lao động di cư
Theo một nghiên cứu cỡ mẫu nhỏ của Chương trình chung về bình đẳng giới có tên “Giới và tiền chuyển về của lao động di cư”, có tới hơn 74,2% lao động ở nông thôn di cư ra thành phố một mình, số còn lại “đèo bòng” thêm gia đình (vợ, chồng, con cái hoặc anh em). Gần 50% trong số này là lao động phổ thông. Mức chi tiêu của họ là khoảng 1 triệu đồng/tháng (nam 1,2 triệu, nữ 900.000 đồng), trong đó phần lớn (73,2%) phải chia sẻ khoản tiền ít ỏi đó để thuê nhà ở, số còn lại ở nhờ nhà họ hàng. Làm việc cật lực như vậy mà mỗi tháng họ cũng chỉ gửi được về cho gia đình 1,2 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ LĐTBXH, cả nước có 2,5 triệu hộ nghèo (chiếm 11,7%), số hộ cận nghèo là trên 1,5 triệu hộ (chiếm khoảng 7%). Miền núi Tây Bắc có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất với 33%.
Với mức tiền gửi nói trên, nếu gia đình nào có 2-3 con nhỏ, có người ốm thì không thể đảm bảo chi tiêu. Thế nhưng, hầu hết họ đều bị từ chối bình chọn hộ nghèo ở cả 2 “đầu cầu” (nơi đi và nơi đến). Báo cáo “Theo dõi nghèo đô thị theo phương pháp cùng tham gia” năm 2011 do Tổ chức Oxfam thực hiện tại Hà Nội, Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, cuộc sống của những hộ nghèo đô thị, lao động di cư gặp rất nhiều khó khăn sau cú sốc lạm phát tăng cao trong năm 2011, trong khi họ không có khả năng chuyển đổi sinh kế. Ví dụ, những người đi bán rong, làm thợ hồ... khó có thể tiếp cận tìm việc làm ổn định.
Theo Ths Trần Thị Quang Hồng - Phó Trưởng ban Nghiên cứu pháp luật dân sự - kinh tế (Viện Khoa học Pháp lý), một trong những vấn đề đặt ra với các nhà hoạch định chính sách về an sinh xã hội hiện nay chính là vấn đề về khả năng tiếp cận với những người bị rơi vào tình huống khó khăn.
Cụ thể ở đây là lao động di cư - nhóm lao động đã buộc phải rời bỏ làng quê do thiếu việc làm, do đời sống quá khó khăn. Vì thế, cần phải tạo cơ hội cho họ được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ an sinh xã hội, thiết lập các biện pháp hỗ trợ cần thiết để giúp người nghèo di cư được hưởng chính sách bình đẳng với hộ nghèo trong cả nước.
Minh Nguyệt- Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.