Người Sila và giấc mơ có thật

Thứ hai, ngày 28/02/2011 16:57 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không còn lo thiếu cái ăn, con trẻ được đến trường, ốm đau có bác sĩ, bản sắc văn hoá của dân tộc được bảo tồn... những chuyện tưởng như mơ với đồng bào Sila nay đã thành hiện thực.
Bình luận 0

Từ thị xã Lai Châu, vượt hơn 200km, chúng tôi vào bản của đồng bào Sila, xã Can Hồ, huyện Mường Tè.

Nối đôi bờ yêu thương

img

Khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc Sila tại Trạm Y tế xã Can Hồ.

Ông Lỳ Chà Xoà, 75 tuổi, ở bản Sì Thau Chải nheo nheo đôi mắt chỉ sang bản Seo Hai, nói: “Nếu không có cây cầu Nhà nước làm thì người Sila của 2 bản chỉ được gặp nhau vào mùa nước cạn. Mùa mưa, muốn thăm hỏi nhau cũng chịu vì nước sông chảy xiết”.

Cây cầu dây văng và con đường nối 2 bản của người Sila chỉ là một trong những công trình Nhà nước đầu tư cho dân tộc dưới 1.000 người này. Ông Lý Pù Gớ - Chủ tịch UBND xã Can Hồ cho biết: “Nhờ Dự án Hỗ trợ phát triển dân tộc Sila của Ủy ban Dân tộc mà đồng bào đã có cầu, đường, trạm y tế, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình thuỷ lợi, được hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khoẻ...”.

Qua cây cầu dây văng, chúng tôi vào bản Seo Hai. Bản có 60 nóc nhà. “Trước đây bà con ở nhà lụp xụp. Ăn Tết xong là cái chày cái cối cũng không còn thóc lúa mà giã. Nay được ở trong nhà kiên cố, được bày cho cách trồng lúa nước 2 vụ nên có nhiều thóc lúa hơn. Năm nào mất mùa thì Nhà nước hỗ trợ gạo ăn” - Trưởng bản Giàng Chàng Ngời tâm sự.

Ước mơ có thực

Sila là 1 trong 5 dân tộc thiểu số ở Việt Nam có dân số dưới 1.000 người. Dân tộc Sila cư trú ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải, Mường Nhé, Điện Biên), bản Sì Thau Chải và Seo Hai thuộc xã Can Hồ (Mường Tè, Lai Châu).

“Cái ăn cái mặc giờ không còn là nỗi lo thường trực của người Sila ở Can Hồ nữa”- ông Lỳ Chà Xoà, nói. Cư trú ở Mường Tè hàng mấy trăm năm, nhưng hầu như sự tăng trưởng dân số của người Sila không đáng kể, thậm chí có thời điểm rơi vào tình trạng báo động suy giảm về số lượng và chất lượng dân số.

Một thời gian dài, người Sila sống khép kín, ít giao tiếp với các dân tộc khác. Con cháu của các họ trong nội bộ dân tộc kết hôn với nhau qua nhiều đời, dẫn tới hôn nhân cận huyết, “hữu sinh vô dưỡng”. Những năm gần đây, nhờ tăng cường giao lưu với các dân tộc khác, cùng với được chăm sóc sức khoẻ sinh sản, nên số lượng và chất lượng dân số người Sila ngày càng được cải thiện.

Chị Pờ Cố Ky (bản Sì Thau Chải) tâm sự: “Vợ chồng tôi có 3 con. Một cô lấy chồng dân tộc khác. Bây giờ rất nhiều phụ nữ bản tôi lấy người dân tộc khác, có thai được thăm khám từ khi mang thai và trong suốt quá trình nuôi con nhỏ. Có cầu, có đường, người Sila ra trạm y tế xã cũng không còn lo mỏi cái chân nữa”.

Theo anh Lý Nhù Gớ, đổi thay đáng mừng nhất là con trẻ Sila đều được đi học. Số người tốt nghiệp THPT tiếp tục học lên cao hơn ngày càng nhiều. Có người làm cán bộ ở vị trí quan trọng, như anh Vàng Xuân Hiệp - Chánh án Toà án Nhân dân huyện Mường Tè.

Cùng với phát triển kinh tế, các giá trị văn hoá của dân tộc Sila được chú ý bảo tồn. Các nhạc cụ, điệu hát, kho tàng văn học truyền miệng được những người cao niên trong bản Sì Thau Chải, Seo Hai truyền lại cho con cháu. Phụ nữ Sila ngày càng có ý thức trong việc chau truốt những hoa văn trên bộ trang phục truyền thống. Lễ hội cầu mùa của người Sila đang được bà con khôi phục với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn ở huyện, tỉnh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem