Người phụ nữ ấy là chị Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1957, quê ở thôn Xuân Hòa, xã Đại Xuân (Quế Võ, Bắc Ninh).
|
Chị Nguyễn Thị Xuân tận tình chăm sóc các bệnh nhân Phong. |
Hiến dâng tuổi trẻ
Năm 1981, từ bỏ nghề giáo ở trường làng Đại Xuân, chị một mình lặn lội đến Bệnh viện Phong tình nguyện giúp đỡ bệnh nhân, bất chấp sự phản đối của gia đình, bạn bè. Ấn tượng đầu tiên với chị là những ông lão, bà lão lầm lũi, cô đơn nằm co quắp trong góc phòng. Chị giúp họ từ việc nấu cơm, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân đến cõng các cụ đi khám chữa bệnh.
Ông Vũ Văn Thìn, 60 tuổi, quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh) tâm sự: “Tôi bị bệnh phong từ nhiều năm nay, phải vào nương nhờ bệnh viện, con cháu cũng rất ít khi lui tới chăm sóc, đỡ đần. Vào đây, tôi không đi lại được vì chân tay đã hỏng. Cô Xuân đã làm chân tay giả để chúng tôi có thể tự phục vụ bản thân. Cô giống như một cô tiên giáng trần ban nguồn sống tới cho những mảnh đời bất hạnh như chúng tôi đây”.
Còn ông Nguyễn Văn Trang, năm nay đã ngoài 75 tuổi, quê Gia Viễn, Ninh Bình, vợ mất đã lâu, cô đơn không nơi nương tựa. Vào đây, ông được chị Xuân chăm sóc tận tình: “Lắm hôm con cùi ăn vào da thịt khiến máu chảy nhiều, chẳng ai dám lại gần sợ bị lây, thế mà cô Xuân lau chùi băng bó vết thương cẩn thận rồi còn thay chúng tôi giặt giũ làm vệ sinh”.
Thay đổi số phận bệnh nhân
Chị Xuân bảo, từ hồi chị vào bệnh viện làm việc tới giờ, thấy mọi người bị bệnh, mất đi nhiều phần cơ thể, chân tay mục ruỗng, mòn tịt, đi đứng khó khăn, chị thương lắm. Vì vậy, chị quyết định đi học nghề phục hồi chức năng và làm dép biến dạng ở Bệnh viện Phong Bến Sắn, TP.Hồ Chí Minh. Dưới sự chăm sóc của chị và có phương tiện lót tay, chân với chất liệu mềm, dẻo, các bệnh nhân phong có thể đi lại dễ dàng hơn, mau chóng ổn định sức khỏe.
"Từ hồi cô Xuân vào trung tâm, người bệnh rất yên tâm bởi sự chăm sóc tận tình hiếm có. Cô Xuân đã làm được rất nhiều việc cao cả. Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất để cô Xuân có thể yên tâm cống hiến."
Ông Nguyễn Đức Vinh
- Giám đốc Bệnh viện
Nhiều năm qua chị đã cùng Ban lãnh đạo bệnh viện vận động, kêu gọi từ thiện của các nhà hảo tâm xây dựng được 28 nếp nhà để tặng cho các bệnh nhân. Rồi đề xuất ý kiến với Ban lãnh đạo cho cải tạo đất trong trung tâm, xây dựng mô hình VAC để các bệnh nhân có điều kiện rèn luyện sức khỏe và tăng gia sản xuất.
Không chỉ lo nơi ăn, chốn ở cho bệnh nhân, chị Xuân còn lo cả hậu sự khi bệnh nhân qua đời. Ông Thìn chỉ tay về phía cánh đồng hoang hoải ngoài xa xa, cho biết: “Đấy là khu đất dành để chôn cất cho bệnh nhân sau khi chết mà gia đình không nhận. Rất nhiều ngôi mộ ở đó do cô Xuân xây dựng”.
Không chỉ giúp đỡ, chăm sóc bệnh nhân ở Bắc Ninh, chị Xuân còn ra sức kêu gọi ủng hộ cho 13 khu điều trị bệnh nhân phong trên toàn miền Bắc và nạn nhân chất độc da cam.
Số phận như một định mệnh gắn chị với nơi này và nhờ đó, số phận nhiều bệnh nhân phong đã thay đổi.
Hồ Phương Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.