Người thương binh chuyên lo việc nước

Phú Bình (Trang Trại Việt) Thứ hai, ngày 21/03/2016 06:51 AM (GMT+7)
Trở về sau những năm tháng chiến đấu ác liệt lại mang thương tật trong người, nhưng cựu chiến binh Hoàng Quốc Lập đã vượt lên mọi khó khăn, thành lập doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho đồng đội và con em họ. Doanh nghiệp của ông cũng đi tiên phong trong đầu tư nước sạch nông thôn.
Bình luận 0

Công ty TNHH 27-7 Tiền Phong do ông Hoàng Quốc Lập làm Giám đốc với chuyên môn là san lấp mặt bằng và xây dựng. Khởi đầu với quy mô nhỏ bé, tuy nhiên anh em đồng đội bảo ban nhau chăm chỉ làm việc nên doanh thu bình quân liên tục tăng, đạt từ  25 - 40 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách hàng năm trên 1 tỷ đồng, đảm bảo lương và các chế độ cho cán bộ, nhân viên Công ty.

Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động, có thời điểm cao lên tới gần 1.000 người. Đến nay, Công ty đã có trụ sở khang trang, với vốn pháp định 21 tỷ đồng, trang thiết bị xe, máy đủ năng lực thi công các công trình lớn.

Khi tỉnh Thái Bình có chủ trương xã hội hóa đầu tư nước sạch nông thôn, trong đó có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư nên đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia vào chương trình nước sạch. Vốn có chuyên môn về xây lắp, sau khi nghiên cứu chính sách của T.Ư và của tỉnh thấy phù hợp nên ông Lập quyết định lập dự án đầu tư. Ông còn cùng với 24 doanh nghiệp khác đứng ra thành lập Hiệp hội nước sạch của tỉnh, tiếp tục đóng góp ý kiến về việc ban hành chủ trưởng, chính sách ưu đãi và cơ chế nguồn vốn…

img

Giám đốc Hoàng Quốc Lập, trảo đổi về triển vọng của các dự án nước sạch do công ty đầu tư (Trọng Đạt)

Đến nay toàn tỉnh đã có 27 nhà máy nước sạch được đầu tư. Tháng 3.2014, Công ty TNHH 27-7  Tiền Phong tiến hành đầu tư nhà máy nước sạch tại xã Đông Huy (huyện Đông Hưng, Thái Bình) với công suất 6.500m3/ngày đêm, phục vụ cho 6 xã. Tổng vốn đầu tư khoảng trên 60 tỷ đồng.        

Năm 2015, nhà máy nước đã đi vào hoạt động và bắt đầu cung cấp nước sạch cho trên 2.500 hộ dân đầu tiên, tuy nhiên không vì thế mà những khó khăn đã bớt đi với giám đốc Hoàng Quốc Lập. Ông cho biết, khó khăn trước nhất là nhận thức của người dân về nước sạch, phải vận động làm sao để người dân dân yên tâm tham gia cùng doanh nghiệp.

Bởi nhiều người dân vẫn có những nhận thức rằng từ bao đời nay sử dụng nước giếng khoan có sao đâu. Cái khó nữa là nguồn vốn đầu tư, bỏ ra hàng chục tỷ đến cả trăm tỷ nhưng để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng là rất khó. “Tỉnh và doanh nghiệp làm việc rất nhiều lần, ngân hàng cũng đã cam kết, nhưng đến lúc giải ngân thì chính ngân hàng lại sợ rủi ro.

Ngân hàng sợ vì họ thấy các dự án nước sạch từ nguồn vốn ngân sách trước đây không hiệu quả. Do vậy việc tiếp cận vốn vay lẻ tẻ. Có doanh nghiệp đã đầu tư 80 tỷ, đã cấp nước cho 5 xã, đề nghị vay ngân hàng 30 tỷ, ngân hàng mới giải ngân 3 tỷ đồng. Có doanh nghiệp làm đề xuất vay 15 tỷ, ngân hàng chỉ giải ngân khoảng 5 tỷ…, do vậy rất khó khăn” – ông Lập cho hay.

Khó khăn là vậy, nhưng ông Lập cho rằng khi đầu tư nước sạch thì doanh nghiệp đã xác định là đầu tư lâu dài, lợi nhuận không cao, nhưng có ý nghĩa xã hội rất lớn và nó tạo sự ổn định cho doanh nghiệp. Để thu hồi vốn doanh nghiệp phải mất 8 - 10 năm, nhưng hướng đầu tư này tạo sự bền vững. Nếu doanh nghiệp không có tiềm năng và không tính con đường dài thì không dám đầu tư vào nước sạch.

Sau khi hoàn thành nhà máy đầu tiên, ông Lập còn góp vốn với 2 doanh nghiệp khác đầu tư một nhà máy nước sạch nữa tại xã Đông Cường (huyện Đông Hưng) có quy mô 6.000m3, vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng. Doanh nghiệp đang gấp rút để đưa vào vận hành đầu năm 2016, phục vụ cho 3 xã với hơn 8.000 hộ dân.

Với 27 dự án nước sạch mà Công ty TNHH 27-7 Tiền Phong đầu tư đang thực sự góp phần quan trọng vào sự thành công của chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem