Người tốt, việc tốt Thủ đô năm 2022: Ông chủ trang trại gà và việc làm ý nghĩa giữa dịch Covid-19
Người tốt, việc tốt Thủ đô năm 2022: Ông chủ trang trại gà thu nhập "khủng" và việc làm ý nghĩa giữa dịch Covid-19
Lê Thương - Bùi HIếu
Thứ tư, ngày 16/03/2022 10:56 AM (GMT+7)
Sau hơn 30 lập nghiệp, ông Lương Nguyễn Tiến - chủ trang trại gà Toàn Tiến (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành công. Mới đây, ông trở thành một trong 12 công dân xuất sắc, vinh dự được nhận bằng khen “Người tốt, việc tốt” năm 2022 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Sau hơn 30 lập nghiệp, ông Lương Nguyễn Tiến - chủ trang trại gà Toàn Tiến (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) đã gặt hái được nhiều thành công. Clip: Bùi Hiếu.
Bất ngờ về danh hiệu "Người tốt, việc tốt" thành phố
Trước đó, ngày 2/3/2022, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Quyết định số 772/QĐ-UBND về việc danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2022 cho 12 cá nhân. Trong đó có ông Lương Nguyễn Tiến (51 tuổi) được vinh danh khen thưởng vì những đóng góp của mình.
Đầu tháng 3/2022, ông Thuận - Trưởng thôn Hoàng Xá (Khánh Hà, Thường Tín) dẫn chúng tôi đến nhà ông Tiến.
Trên đường đi, ông Thuận không ngừng tự hào về công dân của thôn mình.
"Trong thời điểm dịch căng thẳng tại Hà Nội, giãn cách toàn xã hội, người dân không dám ra đường, lực lượng chức năng căng mình chống dịch, ông Tiến đã đi từng chốt phòng dịch trên địa bàn, cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực, thuốc men đồng thời hỗ trợ vào quỹ phòng chống Covid-19 của địa phương.
Về số tiền để tính ra cụ thể thì khó lắm, nhưng trong hoàn cảnh khó khăn, hành động của ông Tiến thể hiện tinh thần trách nhiệm của công dân, là nguồn động viên cho lực lượng tuyến đầu chống dịch", ông Thuận vui vẻ khoe.
Chúng tôi gặp ông Tiến lúc ông đang tất bật với trang trại hàng vạn con gà của mình. Ông Lương Nguyễn Tiến năm nay đã 51 tuổi, dáng người dong dỏng, mái tóc muối tiêu, đôi mắt linh lợi.
Ông Tiến bảo, trong lúc dịch bệnh phức tạp, ảnh hưởng đến mọi người, bản thân muốn góp một phần sức giúp cho xã hội, mong cho dịch bệnh qua đi.
"Tôi tin rằng trong thời điểm khó khăn, một hành động nhỏ thôi cũng là chỗ dựa vững chắc cho những người ở tuyến đầu chống dịch. Nếu cả xã hội cùng đoàn kết lại thì sẽ trở thành sức mạnh, động lực chiến thắng Covid-19.
Bản thân tôi bất ngờ về việc trở thành gương "Người tốt, việc tốt" của thành phố. Khi thực hiện hành động của mình tôi không nghĩ đến việc được vinh danh, lúc ấy chỉ mong dịch bệnh qua đi, người dân trở lại cuộc sống bình thường", ông Tiến nói với phóng viên.
Chủ trang trại gà thu nhập "khủng"
Chia sẻ với chúng tôi, ông Lương Nguyễn Tiến cho hay, năm 1988 ông làm công nhân tại Thủy điện Hòa Bình, đến 1992 quyết định về quê lập nghiệp, tính đến nay đã tròn 30 năm khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương.
"Mình đi làm mãi thấy khổ quá nên quyết định về quê lập nghiệp. Ban đầu chỉ nuôi một ít, vừa nuôi vừa học hỏi kinh nghiệm.
Thời gian đầu vất vả lắm, lúc đó ít người nghĩ đến việc mở trang trại hay chăn nuôi phần vì ít vốn, phần vì đầu ra chưa có. Do chưa hiểu biết về kỹ thuật, nhất là kỹ thuật chọn giống và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nên hay để dịch bệnh xảy. Đã có năm do chủ quan lơ là không tiêm phòng nên đàn gà chết hết, trắng tay, thua lỗ tưởng chừng như không theo được nghề.
Những lúc căng thẳng, áp lực nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc, lúc nào khó quá thì phải linh hoạt tìm hướng đi mới chứ không lựa chọn từ bỏ. Tư duy của mình là cái dễ quá thì ai cũng làm được, khó mình làm có kết quả mới đáng quý", ông Tiến chia sẻ khi được hỏi về những khó khăn.
Quyết tâm cộng với sự động viên của lãnh đạo địa phương, anh em bạn bè, gia đình, năm 2005 ông Tiến được chính quyền tạo điều kiện chuyển đổi ra khu quy hoạch chăn nuôi của xã Khánh Hà (khu đồng Ngọn Sẻ) với diện tích 5.000 m2.
Sau nhiều thất bại, ông Tiến xác định đi sâu vào làm con giống nên ngay từ đầu đã quy hoạch xây dựng các khu vực rõ ràng, gồm khu chăn nuôi, khu đặt máy ấp, khu ra gà, khu đóng gói...
Theo ông Tiến cho biết, việc phòng trừ bệnh cho con giống là bước cực kì quan trọng.
"Sản xuất con giống phải thực hiện nghiêm quy trình về vệ sinh phòng bệnh, phải hạn chế tối đa người ra vào trang trại để không lây nhiễm mầm bệnh. Định kỳ phun thuốc sát trùng 2 lần/tuần, khi nghe thông tin ở đâu có dịch thì ngay lập tức phun thuốc sát trùng 1 lần/ngày", ông chủ trại gà cho biết.
Từ khi mở trang trại đến nay, ông Tiến chỉ tập trung nuôi giống gà bố mẹ và chọn con gà Ri là chủ yếu. Hiện tại trang trại ông đang nuôi khoảng 20 ngàn con nhưng chỉ ở 3 loại giống, trong đó gà Ri, gà lai chọi và gà Đông Tảo.
Trang trại của ông Tiến thường xuyên cung cấp gà giống như Nghệ An, Khánh Hòa, Hải Phòng, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Bắc Giang …
Ông Tiến cho rằng, việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài và dồn nhiều tâm huyết. Để làm được điều đó quan trọng sản phẩm của mình tốt, uy tín và được khách hàng tin tưởng.
Về thu nhập, do làm tốt khâu cải tiến kỹ thuật nên từ khâu chăm sóc đến nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, vận hành máy ấp trứng cũng như tiêu thụ sản phẩm trang trại của ông Tiến chỉ sử dụng khoảng 10 nhân công lao động, thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Sau khi trừ chi phí đầu vào cho sản xuất và công lao động, hàng năm trang trại Toàn Tiến thu nhập bình quân khoảng 300 - 500 triệu đồng/năm. So với nhiều người làm kinh tế thì không lớn song so với một người lao động bằng nghề chăn nuôi thực thụ thì đây là một nguồn thu nhập đáng kể giúp ông làm giàu từ chính quê hương mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.