Người trẻ ngại sinh con vì áp lực giá nhà: Chủ đầu tư nắm xu hướng phát triển nhà diện tích nhỏ
Chủ đầu tư phát triển căn hộ diện tích nhỏ cho người "ngại cưới, lười sinh"
Gia Linh
Thứ ba, ngày 13/08/2024 13:12 PM (GMT+7)
Giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng là một trong những áp lực khiến nhiều người trẻ ngại cưới, không muốn con. Nắm bắt xu hướng này, nhiều chủ đầu tư đã tập trung phát triển căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu trên để ra hàng nhanh chóng.
Người dân TP.HCM ngại sinh con vì giá nhà leo thang
Thời gian qua, xu hướng ngại cưới, không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện tại Việt Nam và đặc biệt báo động ở một số đô thị lớn như TP.HCM. Các chuyên gia cho rằng, giá nhà tăng cao là một phần nguyên nhân rất lớn, thúc đẩy xu hướng này.
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
Đáng chú ý, số liệu thống kê từ báo cáo của GSO vào tháng 7 vừa qua cho thấy, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP.HCM là 30,4, mức kỷ lục tại Việt Nam. Số con trung bình của một phụ nữ thành phố trong độ tuổi sinh đẻ là 1,32.
Kết hôn đã 3 năm nhưng chị Võ Nga (32 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức) cho biết, mình vẫn đang chưa có kế hoạch sinh con. Chị Nga và chồng đặt mục tiêu phải mua được nhà để ổn định cuộc sống rồi mới lựa chọn sinh con.
"Sinh con ra mà để cả gia đình phải sống trong cảnh nhà trọ chật chội, thiếu thốn thì tội nghiệp lắm. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết tâm cày cuốc, tích góp để mua được nhà trong vòng 3 - 4 năm tới rồi mới tính đến chuyện sinh con. Tuy nhiên, giá nhà cứ tăng chóng mặt làm tôi đau đầu lắm, không biết khi nào mới thực hiện được mục tiêu", chị Nga chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, mặc dù có nhiều lý do cho lựa chọn này, nhưng chủ yếu bắt nguồn từ vấn đề tài chính. Nỗi lo về cơm áo gạo tiền này bị tác động rất lớn bởi giá nhà. Đáng nói, nguyên nhân giá nhà đang ngày càng tăng cao, kéo theo giá thuê nhà ở cũng tăng cao, gây áp lực đến chi phí sinh hoạt của người dân.
Nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải "cày ngày, cày đêm" để có thể mua nhà cho bằng được mà bỏ qua thời điểm "vàng" để lập gia đình, sinh con. Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng "nuốt" gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh 1 con hoặc trì hoãn việc sinh con.
Thực tế cho thấy, TP. HCM - nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng đang là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2018, giá nhà tại TP.HCM liên tục tăng cao và lập "đỉnh" mới. Cũng trong khoảng thời gian này, đây là thành phố có chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) dẫn đầu cả nước.
Chủ đầu tư nắm bắt xu hướng phát triển căn hộ diện tích nhỏ
Cùng với xu hướng "ngại cưới, lười sinh", những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tăng tỷ trọng phát triển căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của người mua độc thân, vợ chồng trẻ chưa có hoặc mới có 1 con.
Các căn hộ này cũng luôn dẫn đầu "top" bán nhanh, thanh khoản tốt, được thúc đẩy bởi các chính sách thanh toán trả trước hấp dẫn, thời hạn thanh toán lâu dài trong bối cảnh giá căn hộ ngày một tăng.
Ghi nhận thức tế, việc phát triển dòng sản phẩm căn hộ diện tích nhỏ để vừa với túi tiền của các gia đình nhỏ đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp ưu tiên triển khai.
Đơn cử, Phú Đông Group có kế hoạch phát triển dự án diện tích nhỏ Phú Đông Sky One với quy mô hơn 800 căn. Mức giá dự kiến giao động 32 - 35 triệu đồng/m2 (từ 1,8 tỷ/căn) phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau. Ngoài ra, các đơn vị khác như Bcons Group, Hưng Thịnh... cũng tập trung phát triển dòng căn hộ diện tích nhỏ, phục vụ người dân.
Tuy nhiên, việc "ngại cưới, lười sinh" gây thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút, tạo gánh nặng an sinh xã hội. Nhất là các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi khi trong ba thập niên tới, Việt Nam có hơn 30 triệu người cao tuổi và chiếm khoảng 25% dân số cả nước.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng, Chính phủ cần triển khai quyết liệt các biện pháp hiện đã có và nghiên cứu, xây dựng các chính sách khuyến khích rõ ràng hơn như ưu tiên hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần đối với cặp vợ chồng đã sinh đủ hai con. Đặc biệt là giải pháp gốc rễ cho vấn đề "ngại cưới, lười sinh" thực tế nhất, là giải quyết bài toán về nhà ở.
Để giải quyết bài toán về nhà ở cho số đông người dân, bên cạnh việc tăng cung nhà ở xã hội tại đô thị, Nhà nước cần nghiên cứu các chính sách can thiệp để phát triển nhà ở thương mại vừa túi tiền.
Theo đó nửa đầu năm 2024, loại hình căn hộ thương mại bình dân đã hoàn toàn vắng bóng tại 2 đô thị đặc biệt. Hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán tại TP.HCM thuộc phân khúc cao cấp, hạng sang ( hơn 50 triệu/m2). Trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm, chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài, chi phí đầu vào đều tăng cao… các nhà phát triển mất quá nhiều thời gian để triển khai một dự án. Do đó, các chủ đầu tư đều lựa chọn phát triển phân khúc cao cấp để tối đa hóa lợi nhuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.