Người ươm đặc sản dừa sáp

Thứ tư, ngày 30/01/2013 08:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Để duy trì, bảo tồn giống dừa cực kỳ quý, anh Thạch Phu My, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã mạnh dạn tiên phong đi đầu trong việc ươm và cung cấp cây giống.
Bình luận 0

Dừa sáp (một loại dừa đặc ruột) vốn được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh) từ lâu đã bị “lãng quên”. Để duy trì, bảo tồn giống dừa cực kỳ quý này, anh Thạch Phu My, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè đã mạnh dạn tiên phong đi đầu trong việc ươm và cung cấp cây giống.

Khôi phục lại giống dừa quý

Việc Hợp tác xã Dừa sáp, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đang mở ra hướng đi đầy triển vọng cho loại cây trồng đặc sản này.

img
Anh Thạch Phu My treo dừa sáp giống cho ráo nước trước khi ươm.

Theo Phòng NNPTNT huyện Cầu Kè, dừa sáp được trồng rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn Ninh Thới, Hòa Ân, Thông Hòa, Phong Phú, Phong Thịnh, Châu Điền… trong đó được trồng tập trung nhiều nhất ở xã Hòa Tân với tổng diện tích 22.000ha trên tổng số 25.000ha toàn tỉnh. Theo sự giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà anh Phu My- người được bà con ví như “vị cứu tinh” khôi phục dừa sáp. Anh Phu My bộc bạch: “Lúc đầu, tôi cứ đắn đo, suy nghĩ mãi ở xứ Cầu Kè này cây dừa sáp có giá trị kinh tế rất cao, giá bán cao gấp mấy chục lần loại dừa thông thường tại sao mình không thử ươm giống, trong khi nhu cầu của bà con thì rất nhiều”.

Hiện bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã Hòa Tân mua khoảng 700 – 1.000 trái dừa sáp cung cấp cho thị trường TP.HCM. Từ thành công của anh Thạch Phu My, Sở KHCN Trà Vinh cũng đã triển khai dự án nhân rộng mô hình chuyên canh dừa sáp 50ha tại xã Hòa Tân.

Năm 2004, anh Phu My tiến hành bắt tay vào tập tành ươm thử mấy trái dừa sáp sẵn có ở nhà, cứ nghĩ ươm “thử nghiệm” nào ngờ thành công lại đến. Tới năm 2006, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu phát triển cây dừa sáp ở Hòa Tân.

Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu TP.HCM phối hợp cùng Sở KHCN tỉnh Trà Vinh thực hiện Dự án ươm bảo tồn giống dừa sáp trên địa bàn huyện Cầu Kè. Dự án này hỗ trợ, đầu tư 100% cho nông dân triển khai ở xã Hòa Ân, Hòa Tân và thị trấn Cầu Kè với diện tích lên đến 6ha. Tiếng lành đồn xa, anh Phu My được chọn hỗ trợ giống cung cấp cho dự án.

Không lo đầu ra

Theo kinh nghiệm của anh Phu My, khi cây ra khoảng 2-3 lá cần phải dùng sơ dừa trộn với phân chuồng, trấu mục rồi tiến hành đặt vô bầu để cho cây phát triển nhanh, mặt khác nhằm tránh sự hạn chế phát triển của bộ rễ non.

Đúc kết kinh nghiệm, anh Phu My nhận định: “Trước khi thu hoạch phải chọn cây giống bố mẹ có độ tuổi ít nhất cũng phải từ 15 năm trở lên, đặc thù của cây dừa là cây càng lâu năm cho trái lại càng sum suê, tình trạng đậu trái hết sức ổn định”.

Theo anh Phu My, do dừa sáp nước có vị ngọt nhiều nên thường dễ bị côn trùng cắn phá, vì thế việc chọn giống cần phải thu hoạch sớm. Sau đó, đem dừa về phơi nắng từ 15 – 25 ngày (tùy theo mùa mưa hay mùa nắng), rồi bắt đầu dạt cạnh mặt bên trái của trái khoảng 6cm, đặt xuống rãnh đất hàng ngày phải tưới nước để cho trái lên mộng, khi trái đã lên mộng đâm chồi cần phải thường xuyên chăm sóc, phun thuốc trừ bọ cánh cứng.

Để từng bước phát triển vườn dừa, từ năm 2007 – 2008, anh mạnh dạn đứng ra thành lập tổ hợp tác đến năm 2009 đi vào đại hội hợp tác xã chuyên cung cấp giống trái dừa sáp. Theo anh Phu My, dừa sáp khi cho sáp có rất nhiều loại, thông thường có 2 loại dừa sáp dạng sáp loại này cơm dày, mềm, có chất béo, có nước dạng sệt màu đục; loại thứ hai là dừa sáp dạng nước, đa số chất béo chiếm tỷ lệ cao hơn. Trồng dừa sáp mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, ước tính 1ha hàng năm cho thu hoạch từ 80 – 100 triệu đồng/năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem