Chỉ với 2 ca khúc “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê”, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo đã xứng đáng được xếp vào hàng những người viết nhạc hay nhất về làng quê Việt. Nhạc sĩ bảo tôi là người làng, làng đã cho tôi được cái “lộc” nhạc đó.
Thưa nhạc sĩ, có phải vì được sinh ra ở làng mà trong âm nhạc của ông đã hình thành nên từ sớm cái màu sắc óng ả của sự chân chất mà chốn thị thành không bao giờ có được?
Tôi sinh ra ở một làng quê xứ Nghệ, bên núi Hồng, sông Lam, cái thổ nhưỡng cũng vùng đất nó cũng ảnh hưởng đến tâm tính con người. Đất miền Trung núi cao, sông ngắn, chảy dốc nên những điệu hò điệu lý trong nhạc dân ca Nghệ Tĩnh thường phảng phất chút kham khổ vất vả nhưng ẩn chứa sự dịu dàng sâu lắng.
Trên những dòng sông, làn điệu dân ca của người xứ Nghệ nghe cứ buồn mênh mang. Làng tôi cũng như nhiều làng quê miền Trung khác, rất mê âm nhạc, mê thơ ca hò vè, đêm trăng sáng, người ra thường tụ tập hát ví trên bờ sông, những con đê hay ở đình làng, đó là những cảnh tượng không ai xa quê mà quên được.
Khi tôi còn bé, buổi trưa, buổi tối, những tiếng ru con vọng lên từ khắp làng, ai cũng nghe được, vừa thân thương, vừa cảm động vì những khúc hát ru dạy cho ta cái lẽ sống ở đời. Từ những mảnh hồn làng mộc mạc quê kiểng như thế, tôi là một người làng nên cũng được ảnh hưởng, những âm thanh của làng quê từ đó đã “nhiễm” vào tôi như những gì đáng nhớ nhất của tuổi thơ.
Có nhiều nhạc sĩ sáng tác dòng nhạc dân gian thường phải vay mượn hoặc là ca từ, hình ảnh hoặc khúc thức dân ca cho nó ra vẻ “quê” nhưng hát lên, nghe cứ xa vời vợi. Nhưng với ông thì hình như không phải thế, “quê” đã thành chất rồi?
Dòng sông quê
Tôi không hề định hướng đề tài trong sáng tác của mình, tôi sáng tác rất nhiều ca khúc tình yêu, những tổ khúc sang trọng lịch lãm nhưng khán giả lại nhớ tôi nhiều nhất với tư cách người nhạc sĩ sáng tác những bài hát của đồng quê. Kể ra đó cũng là một cái “lộc” mà tôi được hưởng từ quê hương mình. Nhiều năm nay rời xa làng, sống ở thành thị, đi Tây đi tàu nhưng thú thật là trong tôi lúc nào cũng vẫn là thằng bé quê nghèo xứ Nghệ đó thôi, không thể nào có gì làm mình phai chất hay biến đổi được.
Bao nhiêu người đã mê mẩn vì nghe “Làng quan họ quê tôi” ông phổ nhạc từ thơ của nhà thơ Nguyễn Phan Hách, ông không phải người quan họ, mà sao viết nhạc khiến cho bao nhiêu người quan họ phải yêu mến nâng niu?
Cho đến giờ thì tôi phải thú nhận, khi tôi phổ nhạc cho bài thơ “Làng quan họ quê tôi” của anh Nguyễn Phan Hách, tôi chưa từng đặt chân đến vùng đất quan họ. Khi anh Hách đưa cho tôi bài thơ và nhờ phổ nhạc hẳn hoi, như một sự đặt hàng nhưng tôi không dám nhận lời vì hiếm khi tôi viết nhạc theo kiểu đó. Mặc dù tôi vốn rất mê những làn điệu dân ca Quan họ. Tôi đã mê những câu thơ đẹp và đau đến nao lòng của “ông Hoàng thơ Kinh Bắc” Hoàng Cầm khi được đọc bản thảo “Về Kinh Bắc” của ông: “Cúi lạy mẹ con trở về Kinh Bắc/ Chiều xưa giẻ quạt voi lồng/ Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc/ Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông”…
Bài thơ tôi bỏ quên trong túi áo, mấy ngày sau, đang ngồi giặt bên bờ giếng, sờ đến thấy mới giở ra xem lại bài thơ của anh, vừa đúng lúc ấy thì loa truyền thanh đang phát một bài dân ca quan họ, thế là ngay lập tức tôi lại có cảm xúc và viết thành bài hát. Đó là năm 1979, người hát đầu tiên là ca sĩ Kim Phúc, nhưng cuối cùng nó lại có duyên với NSND Thanh Hoa hơn. Bản thu âm ca khúc do Thanh Hoa hát lại luôn nằm trong top những bài hát được yêu cầu nhiều nhất trên sóng của Đài Tiếng nói VN.
Nhiều người đã đọc trường ca “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu và đều thừa nhận đó là một tác phẩm rất hay, song để ghép nối, gạn lọc và biến nó thành ca khúc thì không phải Nguyễn Trọng Tạo, e là khó có người làm được?
Đó là năm 2002, khi đến với bản thảo thơ “Khúc hát sông quê” của nhà thơ Lê Huy Mậu, khi đọc những lời thơ đầu tiên Ngỡ như người đã hát thay tôi/ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/tuổi thơ ơi! Quá nửa đời phiêu dạt/ta lại về úp mặt vào sông quê/như thuở nhỏ/úp mặt vào lòng mẹ/để tìm sự chở che… trong đầu tôi đã hình thành nên giai điệu của ca khúc.
Bài thơ làm cho tôi nhớ dòng sông Bùng uốn lượn qua làng tôi, nên tôi chọn giai điệu dìu dặt như đưa người nghe trở về với quê hương nguồn cội, sống với những kỷ niệm êm đềm, hòa mình với thiên nhiên.
Tôi có cái may mắn là không chỉ làm nhạc, tôi còn là một nhà thơ nên khi muốn biến đổi cấu trúc của bài thơ để cho nó theo âm nhạc, hoặc phần ca từ cho đúng khúc thức thì tôi hoàn toàn có thể chủ động. Bài thơ còn rất nhiều câu hay mà tôi tiếc là không đưa vào được, chẳng hạn như câu: “Quê hương ta nghèo lắm/ ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn/ ta mổ lợn/ con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt/ cá dưới sông cũng có tết như người”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.