Theo Bộ NNPTNT, tổng mức tiêu thụ sản phẩm hữu cơ hàng năm của nước ta đạt khoảng 500 tỷ đồng, trong đó TP.HCM và Hà Nội đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm.
Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tiêu thụ trong nước chủ yếu ở dạng tươi sống. Ảnh: Foody.vn
Lý do chính khiến sản phẩm hữu cơ chủ yếu được tiêu thụ ở thành phố lớn do giá thành cao hơn hẳn sản phẩm trồng trọt chăn nuôi thông thường, khoảng 1,5 – 2 lần. Trên toàn quốc có 8.580 chợ, 958 siêu thị, 188 trung tâm thương mai và 4.000 siêu thị mini, cửa hàng, trong đó 15% chợ, 30% trung tâm thương mại và siêu thị kinh doanh sản phẩm hữu cơ. 85% sản phẩm hữu cơ được tiêu thụ qua kênh bán lẻ.
Mặc dù tại các chuỗi siêu thị địa phương, những sản phẩm hữu cơ như gạo, rau, quả, thịt, hải sản... có doanh số bán hàng ngày càng tăng, thì vẫn không thể phủ nhận thực tế, việc tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn thấp do hiện nay việc chế biến các sản phẩm hữu cơ chưa được quan tâm đầu tư. Các sản phẩm tiêu thụ trong nước chủ yếu ở dạng tươi sống như gạo, rau, quả, tôm, rươi… Các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu phần lớn mới chỉ ở dạng sơ chế như rau, quả, hồ tiêu, chỉ có một số ít như chè, tinh dầu dừa, tôm đã qua chế biến…
Việt Nam có gần 20 đơn vị xuất khẩu các loại rau, quả hữu cơ với sản lượng khoảng 260 ngàn tấn/năm, giá trị gần 15 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia, Mỹ, Ý, Đức, Anh, Nga, Canađa, Bỉ, Thái Lan, Malaysia, Hà Lan, HongKong.
Một số hàng thủy sản hữu cơ như tôm, cá tra cũng được khách hàng đánh giá tốt, mua giá cao hơn khoảng 30% so với thông thường. Tuy nhiên, sản lượng xuất chưa nhiều, giá trị khoảng 10 triệu USD.
Ngoài ra, Việt Nam còn các sản phẩm hữu cơ xuất khẩu khác đem lại giá trị hàng triệu USD như cà phê, gạo, điều, hạt tiêu. Nhìn chung thị trường xuất khẩu chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị sản phẩm chưa cao do thiếu chế biến sâu và chưa có thương hiệu mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.