Người viết trường ca, sử ca Hồ Chí Minh

Thứ hai, ngày 29/04/2013 14:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất ngờ đối với nhiều người khi biết một người chuyên buôn bán mà viết liền 2 tập “trường ca” và “sử ca” với hàng ngàn câu thơ về Hồ Chí Minh. Người làm nên điều đặc biệt đó là ông Lê Đình Hy.
Bình luận 0
img
 

26 trường đoạn và 219 bài thất ngôn

Tôi đọc 2 tập bản thảo “Trường ca Hồ Chí Minh” và “Sử ca Hồ Chí Minh” trước khi gặp tác giả Lê Đình Hy (năm nay 65 tuổi, ở phường 4, TP. Tuy Hòa, Phú Yên) do nhà văn Ngô Phan Lưu chuyển.

Bản thảo tập “Trường ca Hồ Chí Minh” dày 60 trang đánh máy, gồm 26 trường đoạn, như: Mở đầu, Bác Hồ tìm đường cứu nước, Bác Hồ đi tìm hiểu, Ở Anh Quốc, Bác nghĩ về đất nước, Bác vượt biên giới Pháp - Đức đến Liên Xô, Bác chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam, Tại hang Cốc Bó, Bác Hồ - Người đã tạo tinh thần dân tộc,… Lê Đình Hy dùng thể song thất lục bát - lục bát - thơ tự do, ghi lại một cách sát sao, chân phương những sự kiện chính trong đời hoạt động của Bác.

Ví như: “Ai thông hiểu rất nhanh nhiều tiếng/So khắp trong bốn biển năm châu/Giản đơn Bác đứng hàng đầu/Việt Nam - thế giới khắc sâu tên Người” (Mở đầu); “Tình cảnh ấy sao rời cho được/Đất Hồng Kông từng bước Bác đi/Quân Anh theo dõi rất nguy/Chỉ còn bằng cách giả đi dạo thuyền” (Bác trở về với những đồng chí trong đại gia đình vô sản thế giới); “Dòng máu Việt đang khi tranh đấu/Hận thù chung nung nấu sôi gan/Sá gì những bước gian nan/Nằm gai nếm mật chứa chan tình người” (Bác tìm vùng lập căn cứ cách mạng); “Súng đạn nhiều đâu bằng tinh thần dũng sĩ/Súng đạn nhiều đâu bằng quyết chí của toàn dân/Hồ Chí Minh là một vĩ nhân/Người đã tạo tinh thần dân tộc/Cho nước mình/Cho thuộc địa đứng lên giành độc lập” (Bác Hồ - Người đã tạo tinh thần dân tộc)…

Dày gấp đôi tập trên, “Sử ca Hồ Chí Minh” được chia làm 3 phần: Phần một (trước 1945), phần hai (1945-1969) và phần ba (Mãi mãi nhớ về Người!); mỗi phần gồm 219 bài thơ thất ngôn bát cú, cùng những ghi chú cụ thể, tóm tắt về những địa danh, sự kiện liên quan đến Bác. Cũng họa thơ theo từng bước đường hoạt động của Bác, nhưng ở tập “Sử ca Hồ Chí Minh”, Lê Đình Hy phổ cảm xúc nhấn vào các chi tiết giàu biểu cảm.

Ví như: “Xâm lăng tưởng dễ nên vùi xác/Bành trướng đâu ngờ phải lụy thân/Huyền thoại chiến công đầy trí dũng/Việt Nam đứng vững dưới trăng ngần” (Non sông từ thuở); “Thăng Long tiếng vọng năm con Dậu/Gò Đống mồ chôn xác giặc Thanh/Đại thắng trở về nơi xứ Nghệ/Quang Trung xây dựng Đế Đô Trung” (Điểm tựa); “Đau hồn dân Việt đầy sầu đọng/Mỏi mắt quê hương lắm nỗi lo/Bác mãi miên man về Tổ quốc/Lòng như lửa đốt cứ dày vò” (Lòng như lửa đốt); “Thế sự rơi vào lúc khốn nguy/Nghe đài hiểu ý Bác truyền đi” (Nghe tiếng Bác trên đài)…

Chỉ viết điều mình thích

Tôi trò chuyện lần đầu với Lê Đình Hy tại một quán cà phê nhỏ ở Tuy Hòa, nơi anh em văn nghệ sĩ Phú Yên thường hay gặp gỡ. Rồi qua nhiều người, tôi biết gia đình Lê Đình Hy đang có sạp hàng vải vóc khá lớn ở chợ trung tâm Tuy Hòa, cuộc sống kinh tế vững vàng, con cái đều đã phương trưởng. Anh sinh hoạt Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên mấy năm nay.

img
Một trang trong bản thảo “Trường ca Hồ Chí Minh” của Lê Đình Hy.

Phải nói, đề tài về Người luôn là sự “thách đố” của biết bao cây bút Việt, nhất là khi đã có quá nhiều thành công của các nhà thơ lớp trước. Nhưng không sao, chưa nhiều người biết đến Lê Đình Hy và anh chẳng mong “nên danh nên tướng” từ những dòng viết về Bác; anh sáng tác rất thoải mái. Vấn đề là tâm thế anh tiếp cận đề tài này. Và nhiều người tò mò khi anh “dám” đặt cho 2 tập này là “trường ca” và “sử ca”…

Mộc mạc, chân tình, Lê Đình Hy lặng lẽ với niềm vui viết về cuộc đời một con người mà anh kính trọng, cảm phục, để rồi sắp xếp đánh máy thành 2 tập trang trọng. Như một đam mê giãi bày, ghi lại một cung bậc cảm xúc lòng mình, không viết không được. Anh nói: “Từ hồi đi học, rồi ra buôn bán kinh doanh, tôi đã xem thơ là một niềm vui cuộc đời; tôi không bao giờ mong nổi tiếng bằng thơ đâu. Tôi viết về những điều mình thích, 2 tập viết về Cụ Hồ cũng vậy”.

Đọc 2 tập thơ của Lê Đình Hy viết về Hồ Chí Minh, Nghệ nhân Phạm Hồng Bình (TP.Tuy Hòa) bày tỏ: “Hy viết theo lối kể chuyện ứng tác của thơ ca dân gian nên giọng điệu rất gần gũi, chân thành, không cố làm nghệ thuật. Đó mới là điều đáng quý. Càng quý hơn khi anh là một người lao động bình thường với bao nỗi lo toan, anh đã dành nhiều tâm sức kiếm đọc tư liệu, cảm nhận và ấp ủ hình bóng Bác, để rồi lặng lẽ viết những dòng thơ giàu xúc cảm về Người. Mong 2 tập thơ về Hồ Chí Minh của anh sớm được xuất bản”.

Ông Mạnh Minh Tâm (Sở VHTTDL Phú Yên) nhận xét: “Như tôi biết, trường hợp Lê Đình Hy viết 2 tập trường ca và sử ca về Hồ Chí Minh là khá đặc biệt. Là một người chuyên làm ăn buôn bán, anh tìm đọc tài liệu về Bác như là một niềm yêu thích riêng tư. Rồi anh lặng lẽ viết xong 2 tập này khá lâu rồi mới đưa cho số ít bạn bè xem. Có thể văn phong chưa trau chuốt nhưng lối viết nhẹ nhàng, dễ đi vào lòng người. Những lời thơ trong 2 tập này rất thích hợp để có thể dàn dựng sân khấu hóa một số tiết mục, hoạt cảnh về Hồ Chí Minh”.

NSƯT Ngọc Quang – Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, nói: “Tôi cũng mới biết đến 2 tập trường ca và sử ca về Hồ Chí Minh do Lê Đình Hy sáng tác. Anh viết như là sự giãi bày của lòng mình, thi pháp mộc mạc nhưng sáng rõ, dày công diễn tả bằng thơ theo từng chặng đường, sự kiện quan trọng trong cuộc đời Bác. Đặc biệt, anh viết về tấm lòng, sức ảnh hưởng, cảm hóa của Bác đối với dân tộc, lịch sử một cách hết sức dung dị; điều mà không phải ai viết về Bác cũng làm được. Sắp tới đây, trong kế hoạch hỗ trợ xuất bản tác phẩm của Hội Văn học nghệ thuật Phú Yên, chúng tôi sắp xếp cho ra mắt bạn đọc 2 tập thơ này”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem